23/07/2017 - 10:21

Giữ thương hiệu du lịch cộng đồng cồn Sơn

TTH - Du lịch cộng đồng cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) thu hút du khách bởi nét mộc mạc mang bản sắc văn hóa, văn minh miệt vườn của vùng sông nước ĐBSCL. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh đã để lại nhiều bất cập trong việc quản lý, điều hành và gắn kết của cộng đồng. Ngành chức năng và chính quyền địa phương đang tháo gỡ khó khăn để gìn giữ và phát triển nguồn tài nguyên du lịch này.

Khung cảnh dân dã, yên bình tại cồn Sơn thu hút nhiều du khách.

 

Bản sắc cộng đồng

Cồn Sơn rộng trên 67ha (khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), được ví như viên ngọc ngậm trong miệng rồng của làng cổ Long Tuyền. Dải đất được phù sa bồi đắp, có những vườn cây trĩu quả. Nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp hồn hậu với vườn cây, ao cá, bến sông… đúng chất miền Tây sông nước. Vẻ đẹp yên bình của cồn Sơn cùng với nếp sống đôn hậu, thân thiện của người dân là nền tảng phát triển du lịch cộng đồng.

Du lịch cộng đồng cồn Sơn mang bản sắc riêng. Người dân làm du lịch theo kiểu tình làng nghĩa xóm, liên kết cùng nhau gìn giữ nếp sinh hoạt truyền thống, bản sắc văn hóa, cùng hỗ trợ nhau cải thiện kinh tế, làm phong phú tinh thần. Tại đây, người dân có gì cung đó, hợp tác làm nên tour trải nghiệm đa dạng, từ tham quan bè cá, nhà vườn, cá lóc bay, đồng sen, làm bánh dân gian, làm nông dân đến ẩm thực “cây nhà lá vườn”. Cái hay của mô hình là phát huy điểm mạnh của từng hộ dân, tạo ra nguồn thu khá đồng đều. Nếu hộ dân không có vườn, vẫn có nguồn thu từ hoạt động ẩm thực hoặc làm bánh. Tùy sở thích, du khách có thể lựa chọn bất kỳ dịch vụ nào, nên người dân chú trọng đầu tư và ngày càng hoàn thiện sản phẩm.

Sức hút của cộng đồng cồn Sơn còn chính ở sự chân chất, thân tình. Tại đây, du khách có thể thưởng thức mâm cơm cộng đồng đúng nghĩa mà hiếm nơi nào có được. Mỗi nhà góp một món ăn đặc trưng. Du khách có thể thưởng thức bánh xèo của cô Tám Điền, gà xé bưởi của Sáu Cảnh, lẩu cua đồng của Năm Phước, hay cá thác lác rút xương của Bảy Bon. Mâm cơm vì thế có hương vị ấm áp tình nghĩa làng xóm của miệt vườn thuở xưa. Thêm vào đó, cách cư xử chân chất, mộc mạc, thân thiện của người dân nơi đây lại càng làm cho du khách quyến luyến, như trở về quê nhà. 

Phát sinh mâu thuẫn

Hoạt động từ tháng 9- 2015, du lịch cộng đồng cồn Sơn không chỉ góp phần tạo ra bản sắc, điểm đến mới cho du lịch Cần Thơ, mà còn cải thiện đời sống của người dân làm du lịch. Ban đầu, thu nhập mỗi tháng của Tổ hợp tác du lịch cộng đồng cồn Sơn (viết tắt là Tổ hợp tác), có 12 thành viên, khoảng chừng 30 triệu đồng, nhưng hiện nay tổng doanh thu đã lên đến 200 triệu đồng/tháng. Sau gần 2 năm hoạt động, du lịch cồn Sơn đã được biết đến, lượng khách ngày càng tăng, dẫn đến quá tải. 6 tháng đầu năm 2017, có khoảng 13.530 lượt khách đến cồn Sơn, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 2.470 lượt, tăng gấp 5-6 lần. Sự phát triển quá nhanh, gia tăng đột biến về khách, doanh thu tăng vọt làm hoạt động du lịch nơi này xảy ra nhiều vấn đề bất cập. Đó là một số hộ hoạt động không tuân thủ theo quy định của Tổ hợp tác, tự ý bắt khách; bất đồng giữa các thành viên trong việc phân bổ lượng khách (vấn đề này còn lệ thuộc vào chất lượng dịch vụ của từng hộ, cũng như lựa chọn của du khách); mâu thuẫn giữa một số thành viên trong Tổ hợp tác với UBND phường Bùi Hữu Nghĩa bởi địa phương can thiệp sâu trong điều hành, quản lý hoạt động của tổ, nhất là tài chính.

Trước những bất cập này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Cần Thơ và UBND quận Bình Thủy đã vào cuộc, quyết định giải tán Tổ hợp tác, cũng như Ban điều hành mà UBND phường Bùi Hữu Nghĩa đã lập trước đó, để người dân tự do làm du lịch, liên kết, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Bà Phan Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: “Trong hai năm qua, địa phương không thu thuế các hộ dân làm du lịch tại cồn Sơn. Để người dân an tâm phát triển dịch vụ, chúng tôi phân công Phòng Văn hóa Thông tin quận hỗ trợ trực tiếp cho người dân về tư vấn, xây dựng sản phẩm, xúc tiến, quảng bá. Hiện tại, các hộ đã có thể đứng vững nên quận đảm nhận vai trò quản lý nhà nước, vừa hỗ trợ vừa chỉ đạo các đơn vị hữu quan không can thiệp sâu vào hoạt động của người dân”. Bà Phan Thị Nguyệt cũng thông tin thêm rằng trước đây đã làm việc với UBND phường Bùi Hữu Nghĩa với nội dung hỗ trợ người dân cồn Sơn làm du lịch bằng cách đảm bảo an ninh trật tự, đầu tư hạ tầng, đường giao thông, điện và nước sạch. Tuy nhiên, phường đã hiểu chưa đúng, dẫn đến thành lập Ban điều hành quản lý hoạt động và một phần tài chính của Tổ hợp tác. Do đó, quyết định lập Ban điều hành đã được bãi bỏ khi người dân không đồng tình, cũng như giải tán Tổ hợp tác để giải quyết mâu thuẫn giữa các tổ viên.

Trong khi đó, bà Phan Kim Phước, chủ nhà vườn Song Khánh- người gắn bó với du lịch cộng đồng cồn Sơn từ buổi sơ khai, nói: “Tổ hợp tác tan rã thật đáng buồn, nhưng tôi và một số thành viên có cùng ý nguyện thành lập Câu lạc bộ du lịch cộng đồng cồn Sơn, để tiếp tục giữ tính cộng đồng, bản sắc. Chúng tôi muốn làm du lịch bền vững, nên cũng cần hỗ trợ nhiều mặt. Đặc biệt là mong muốn địa phương tạo điều kiện cho con em bản địa gắn bó với du lịch, cũng như các chính sách xây dựng mô hình cộng đồng ngày càng hoàn thiện”.

Chính quyền hỗ trợ chứ không can thiệp sâu

Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL thành phố, cho biết: “Sở và UBND quận Bình Thủy đã thống nhất giữ thương hiệu du lịch cộng đồng cồn Sơn, nên đã kịp thời chấn chỉnh những bất cập. Chính quyền làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, đúng chức năng được giao, Phòng Văn hóa Thông tin quận hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá, liên kết với các đơn vị lữ hành đưa khách về; còn phường đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đầu tư hệ thống giao thông, điện, nước sạch, không can thiệp sâu vào nội bộ và hoạt động của các hộ dân làm du lịch”. Ông Lê Minh Sơn cũng nhấn mạnh: Sở sẽ phối hợp với UBND quận Bình Thủy tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng, hướng dẫn quảng bá du lịch, hỗ trợ vốn khi người dân có nhu cầu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố tạo điều kiện, hỗ trợ người dân thành lập Câu lạc bộ du lịch cộng đồng cồn Sơn, để tạo sự gắn kết trong cộng đồng, bổ sung sản phẩm.

Bà Phan Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cũng chia sẻ thêm: “Quan điểm của quận là vẫn phát triển du lịch cồn Sơn theo hướng cộng đồng, giữ đúng bản sắc, nét đẹp như vốn có. Quận cũng tạo điều kiện để con em các hộ dân gắn bó với du lịch cồn Sơn bằng cách sử dụng thuyết minh viên bản địa. Quận đã giao Phòng Văn hóa Thông tin soạn thảo nội dung cho các thuyết minh viên, hướng dẫn viên bản địa. Hiện UBND quận cũng đã làm việc với Sở VHTT&DL để mở những lớp tập huấn cho người dân có các chứng chỉ, nghiệp vụ cần thiết trong hoạt động du lịch”. UBND quận cũng đã làm việc với phường Bùi Hữu Nghĩa, Phòng Văn hóa- Thông tin, Phòng Kinh tế, làm rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ trong quản lý nhà nước. Sắp tới, quận Bình Thủy sẽ xây dựng bến đò riêng phục cho du lịch, bằng nguồn xã hội hóa. Hiện du khách muốn qua cồn Sơn phải sử dụng chung bến đò ngang. Bến đò mới không chỉ phục vụ cho du khách đến cồn Sơn mà còn phát huy thế mạnh du lịch đường sông của Bình Thủy, khi liên tuyến đến các điểm di tích văn hóa, lịch sử, điểm vườn du lịch trên địa bàn.

Du lịch cộng đồng cồn Sơn không chỉ là sản phẩm du lịch đặc trưng của Cần Thơ mà còn là bản sắc văn hóa trong sinh hoạt của người dân sông nước miền Tây Nam Bộ. Gìn giữ và phát huy nét đẹp này là điều đúng đắn, cần có sự đồng lòng của các ngành các cấp và cả những hộ dân ở đây.l

Bài, ảnh: ái Lam

Chia sẻ bài viết