14/03/2012 - 22:14

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP CẦN THƠ

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết KNTC của công dân đối với các QĐHC về đất đai

* Thường trực HĐND thành phố giám sát tình hình chấp hành pháp luật về lao động và bảo vệ môi trường

(CT)- Ngày 14-3-2012, ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ làm Trưởng Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân trong lĩnh vực đất đai, đã đến làm việc tại UBND TP Cần Thơ.

Theo báo cáo của UBND thành phố, từ năm 2004-2011, cơ quan hành chính và Thanh tra các cấp đã tiếp 16.913 lượt người KNTC về đất đai; nhận 7.339 đơn thuộc thẩm quyền (trong đó, có 6.768 đơn khiếu nại; 571 đơn tố cáo) và đã giải quyết được 6.178 đơn. Nội dung KNTC chủ yếu tập trung vào việc thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất; tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân do lấn chiếm, cho mượn... Các quyết định hành chính về đất đai được ban hành hầu hết đúng thẩm quyền, đúng luật định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trình tự, thủ tục giải quyết KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai theo đúng Luật KNTC như đảm bảo thời gian quy định, tổ chức đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại...

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND thành phố vẫn còn gặp một số khó khăn như: Luật KNTC, Luật Đất đai và Luật Tố tụng hành chính còn nhiều điểm khác nhau về thời hiệu khiếu nại. Luật KNTC và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai chưa thống nhất về thời hiệu khiếu nại quyết định hành chính. Biên chế lực lượng làm công tác giải quyết KNTC có hạn nên không thể giải quyết tất cả các vụ việc theo thời hạn luật định; do đó, vẫn còn những vụ việc tồn đọng, kéo dài. Việc đối thoại trong quá trình giải quyết KNTC từng lúc còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm và thực hiện đúng mức...

Dịp này, đại diện các sở ngành kiến nghị các ngành, cơ quan chức năng cần nhất thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để áp dụng vào thực tế được thuận tiện, đảm bảo tính nhất quán của pháp luật. Đối với trường hợp sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất có nguồn gốc nhận chuyển nhượng thì không giới hạn mức đất sử dụng để người dân có điều kiện thành lập nông trang, nông trại và đầu tư mang tính nông nghiệp công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho đất nước...

Các ĐBQH đã ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của địa phương, để báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

* Cùng ngày, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố, do ông Phạm Văn Hiểu, Phó Chủ tịch HĐND thành phố làm Trưởng đoàn, đã giám sát tình hình chấp hành pháp luật về lao động và bảo vệ môi trường tại Công ty Cổ phẩn (CTCP) Bia Sài Gòn - Miền Tây.

CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây trực thuộc Tổng CTCP Bia -Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Hiện nay, công ty có 225 lao động được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ); 100% lao động được tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp. Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động và thực hiện Quy chế dân chủ tại công ty được thực hiện tốt. Công ty tuân thủ tốt pháp luật về bảo vệ môi trường, như: đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải; thực hiện báo cáo giám sát - kiểm soát môi trường định kỳ 2 lần/năm; các chất thải nguy hại có kho chứa riêng biệt được thu gom, xử lý...

CHẤN HƯNG -THANH THƯ

Chia sẻ bài viết