06/06/2011 - 21:05

Giảm hao hụt trong sử dụng phân bón

Giải pháp hạ giá thành sản xuất cho người trồng lúa

Vụ đông xuân 2010-2011, nông dân trồng lúa ở TP Cần Thơ vừa trúng mùa vừa được giá. Hiện nay, nông dân thành phố xuống giống gần dứt điểm lúa hè thu với trên 81.532ha. Nhu cầu phân đạm cho vụ lúa hè thu rất lớn, nông dân đang băn khoăn với bài toán lời lỗ khi giá phân bón ở mức cao. Trong khi tỷ lệ hao hụt khi sử dụng phân bón đến 40%.

Nông dân thường bón nhiều phân đạm trong vụ hè thu để cây lúa xanh tốt. 

Theo Bộ Công thương, hiện nay, lượng phân bón hóa học sản xuất trong nước đạt khoảng 6,2 triệu tấn, đáp ứng 68% nhu cầu cho các loại cây trồng. Trong đó, phân đạm sản xuất trong nước chỉ đáp ứng trên 50% nhu cầu, số còn lại vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thời gian qua, giá phân bón liên tục tăng và đứng ở mức cao. Ở thời điểm năm 2009, giá nhập khẩu phân Ure là 202USD/tấn, nhưng hiện nay giá nhập khẩu phân Ure khoảng 380 USD/tấn, tăng hơn 1,7 lần so với năm 2009.

So với thời điểm đầu vụ đông xuân 2010- 2011, thì đầu vụ hè thu, giá bán lẻ các loại phân bón trên địa bàn TP Cần Thơ đều có xu hướng điều chỉnh tăng. Ở đầu vụ đông xuân 2010-2011, phân Ure Phú Mỹ 370.000 đồng/bao (50kg), hiện ở mức 485.000 đồng/bao. Phân DAP Việt-Nhật tăng từ 520.000 đồng/bao lên 540.000 đồng/bao. Phân Kali (Canada) tăng từ 490.000 đồng/bao lên 580.000 đồng/bao. Phân DAP Trung Quốc loại I tăng từ 720.000 đồng/bao lên 790.000 đồng/bao vào cuối vụ đông xuân và hiện nay đang hạ xuống mức 770.000 đồng/bao. Bà Lê Thị Dạ, chủ Đại lý vật tư nông nghiệp Tuấn Dạ (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ), cho biết: “Ở thời điểm đầu vụ đông xuân, giá phân bón bình ổn do đảm bảo nguồn cung. Nhưng từ cuối vụ đông xuân và sang vụ hè thu do tỷ giá, giá xăng dầu, chi phí vận chuyển, lãi suất ngân hàng,... đồng loạt tăng nên giá phân bón liên tục tăng. Trong khi nhu cầu sử dụng phân bón khi vào vụ hè thu đứng ở mức cao thì một số công ty chuyên cung ứng vật tư nông nghiệp lấy lý do thiếu hàng để đẩy giá phân bón lên”...

Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều nông dân quan tâm là giá phân bón đứng ở mức cao, nông dân lo ngại lời- lỗ khi chi phí đầu tư tăng. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, cho rằng: “Đa số nông dân đều phấn khởi vì giá lúa đông xuân ở mức cao. Tuy nhiên, sang vụ hè thu các chi phí đầu vào như làm đất, phân bón đều tăng. Tính trung bình chi phí phân bón cho vụ đông xuân chưa đến 500.000 đồng/công thì sang vụ hè thu đã tăng xấp xỉ 800.000 đồng/công. Trong khi đó, năng suất lúa vụ hè thu thường không cao, nông dân lo ngại đầu ra”. Theo ông Đức, đa số nông dân mua phân bón ở các đại lý thường trả tiền vào cuối vụ. Vì vậy, ngoài phần chi phí gánh thêm do giá phân bón tăng, nông dân còn phải chịu thêm phần tiền lời do mua trả chậm. Trong khi do điều kiện sản xuất, vụ hè thu, nông dân thường tăng cường lượng phân đạm từ 15-20% so với vụ đông xuân.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, tỷ lệ hao hụt trong sử dụng phân bón của nông dân vẫn còn ở mức cao, từ 40-50%. Trung bình hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân bón. Trong khi đó, lượng phân bón hao hụt có thể lên đến 1 triệu tấn. Vì vậy, công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật từ ngành nông nghiệp là rất cần thiết nhằm giúp nông dân giảm lượng phân bón, tăng hiệu suất sử dụng và giảm chi phí mua phân bón. Tiến sĩ Bảnh cho rằng: “Việc bình ổn giá phân bón sẽ có tác động tích cực đến nông dân trồng lúa. Để ổn định giá phân bón, ngành sản xuất trong nước hiện đang đầu tư nâng cao năng lực sản xuất để giảm nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, các công ty sản xuất phân bón cần thiết lập hệ thống đại lý phân phối rộng khắp, thống nhất về giá và đưa ra mức chiết khấu khi bán hàng, tránh tình trạng mua đứt bán đoạn để nông dân được mua phân bón với giá ổn định”. Bên cạnh đó, điều mà nông dân lo lắng hiện nay là tình trạng phân giả, phân bón kém chất lượng xuất hiện trên thị trường. Bản thân nông dân khó phân định được chất lượng mà cần có sự vào cuộc của ngành chức năng.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thành phố hiện có trên 300 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong vụ hè thu 2011, nguồn cung phân bón cho nông dân sẽ được đảm bảo. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thường xuyên dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón trong các vụ sản xuất và theo dõi khả năng cung ứng phân bón của các cửa hàng, đại lý để đảm bảo cân đối cung cầu phân bón, không để xảy ra tình trạng sốt hàng, tăng giá đột biến...

Bài, ảnh: iMINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết