27/05/2020 - 22:04

Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng ĐBSCL vào năm 2030 

(CT)- Ngày 27-5-2020, tại tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì Hội nghị đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp tổng thể cấp nước nông thôn cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Quang cảnh Hội nghị đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp tổng thể cấp nước nông thôn cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Trong những năm qua với sự đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân đến nay vùng ĐBSCL đã có 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 55% nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó, khoảng 8 triệu người được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung và 5 triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình: giếng đào, lu, bể… Mùa hạn mặn năm nay, ĐBSCL có khoảng 96.000 hộ với khoảng 430.000 người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, tập trung tại các tỉnh: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh. Nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt do các công trình cấp nước tập trung bị nước mặn xâm nhập sâu; nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm suy giảm. Bên cạnh đó, các hộ dân sống rải rác ở các khu vực xa công trình cấp nước tập trung và nhiều cư dân vùng nông thôn ven biển thiếu dụng cụ trữ nước ngọt… Tại hội nghị, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đưa ra giải pháp xây dựng, đấu nối đường ống dẫn nước… Tuy nhiên, để thực hiện cần có sự đầu tư kinh phí từ Trung ương kết hợp với nguồn kinh phí của địa phương. TP Cần Thơ cũng cần nguồn kinh phí để mở rộng mạng đường ống 500.000m để phục vụ các hộ dân nông thôn; đồng thời đã lập kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để cung cấp nước cho nhân dân với tổng nhu cầu cần vốn thực hiện là 480 tỉ đồng…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu trong tháng 7-2020, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần gấp rút hoàn thiện các báo cáo, bản đồ tổng thể cấp nước sạch cho hộ gia đình vùng nông thôn để Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp đầu tư, cung cấp nước sạch đến vùng nông thôn. Đặc biệt, để giải quyết 96.000 hộ dân có nước sạch trong vòng 3 năm tới cần xác định nơi nào không có nguồn cấp nước, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tìm giải pháp đầu tư. Trong đó đề xuất các địa phương tăng công suất các trạm cấp nước tập trung, kéo dài đường ống và địa phương nào xa hệ thống cấp nước có thể cho khoan giếng tập trung (dùng cho nhiều hộ) và tính toán đầu tư xây bể chứa nước. Việc đầu tư công trình cấp nước nông thôn cần có lộ trình, thời gian đầu tư xây dựng; giải pháp cấp nước sinh hoạt phải có chương trình đầu tư riêng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đến năm 2025 giải quyết cơ bản cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và đến 2030 phải giải quyết an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất và thích nghi biến đổi khí hậu ở ĐBSCL…

Tin, ảnh: H.VĂN

Chia sẻ bài viết