29/10/2023 - 21:39

Gắn kết đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực 

Bài, ảnh: B.KIÊN

Các trường đại học, cao đẳng ở TP Cần Thơ đã chủ động kết nối với doanh nghiệp, liên kết trong tuyển sinh và xây dựng chương trình đào tạo… nhằm góp phần giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) sau khi tốt nghiệp. Công tác này còn tạo uy tín thương hiệu và thu hút tuyển sinh cho các trường.

Lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ và Công ty Tín Phát ký kết hợp tác. 

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện nay có 5 trường đại học, 2 phân hiệu đại học, 14 trường cao đẳng; chưa kể hệ thống phân hiệu của các trường cao đẳng, trường trung cấp từ nhiều tỉnh, thành khác đặt cơ sở tại đây. Thời gian qua, các trường luôn đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo theo chuẩn quốc gia và phù hợp với xu thế phát triển. Các trường đồng thời rà soát, mở mới một số ngành đào tạo theo nhu cầu của xã hội, đồng thời cải tiến, đổi mới phương pháp trong giảng dạy. Việc gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo và sử dụng lao động được các trường đặc biệt chú trọng.

Ðiển hình như Trường Ðại học Cần Thơ, hiện đang tổ chức đào tạo 84 ngành bậc đại học, quy mô đào tạo hơn 43.500 SV đại học chính quy, vừa làm vừa học, từ xa. Năm học 2022-2023, trường đã cung cấp nguồn lao động có trình độ cao cho xã hội, với khoảng 10.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 90%. Ðể có kết quả này, nhiều năm qua, Trường Ðại học Cần Thơ, các trường chuyên ngành, khoa trực thuộc đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, góp ý chương trình, đưa SV thực hành, thực tập, tổ chức ngày hội việc làm... Ðơn cử như Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT), thuộc Trường Ðại học Cần Thơ, suốt hơn 10 năm qua đã đồng hành cùng các doanh nghiệp đối tác tổ chức 2 sự kiện ngày hội việc làm CNTT mỗi năm. Ðầu tháng 4-2023, Trường CNTT&TT đã tổ chức Ngày hội việc làm CNTT, với sự đồng hành, phối hợp của 22 doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, ngày hội này không chỉ tạo cơ hội để các doanh nghiệp tham quan, nắm bắt tình hình đào tạo và phỏng vấn tuyển dụng SV trực tiếp, mà còn là dịp để nhà trường và doanh nghiệp có cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ những khó khăn thách thức về nguồn nhân lực CNTT cũng như hợp tác trong đào tạo, tuyển dụng và việc làm. Thông qua sự kiện, nhà trường mong muốn xây dựng bền chặt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa mối quan hệ nhatrường - doanh nghiệp.

Tại Trường Ðại học Nam Cần Thơ, đơn vị đã tiên phong xây dựng và phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường đại học. Trường đã thành lập các doanh nghiệp như: Tập đoàn Nam Miền Nam, Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ðại học Nam Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Thương mại Nam Cần Thơ DNC, Viện Nghiên cứu và Phát triển dược liệu... Theo Ban Giám hiệu nhà trường, mô hình này nhằm phục vụ nhu cầu thực hành - thực tập, SV có điều kiện để cọ xát với thực tế, góp phần hoàn thiện kỹ năng và nâng cao tay nghề; đồng thời là nơi tiếp nhận SV làm việc sau khi tốt nghiệp. Ðây cũng là nơi góp ý chương trình đào tạo của trường, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Hơn 10 năm xây dựng và phát triển, trường đã cấp bằng tốt nghiệp cho trên 8.500 học viên, sinh viên, trong đó có trên 90% có việc làm.

Khối các trường cao đẳng ở Cần Thơ cũng đã linh hoạt chuyển đổi hình thức đào tạo, gắn kết doanh nghiệp qua hoạt động hội thảo, giao lưu, tổ chức ngày hội việc làm HSSV... Theo lãnh đạo Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, trường tập trung các nguồn lực thực hiện Mô hình đào tạo KOSEN-5S, ứng dụng công nghệ 4.0 và tích cực đột phá chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của trường. Bên cạnh hoàn thiện toàn bộ quy trình đào tạo (nội dung, chương trình), trường còn tăng cường gắn kết chặt chẽ với các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong và ngoài nước. Hiện nay, trường hợp tác với 70 tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ trường phát triển chương trình đào tạo, thực hành, thực tập gắn với giải quyết việc làm cho HSSV. Trường có trên 95% HSSV sau tốt nghiệp có việc làm, hoặc có thể tự khởi nghiệp… 

Tại Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, qua thống kê, tỷ lệ HSSV có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt trên 91,3%. Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo, trường đẩy mạnh tổ chức các sự kiện như ngày hội việc làm, ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 40 công ty, doanh nghiệp trong đào tạo. Mới đây, nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa trường với Công ty cổ phần hợp tác đầu tư Giáo dục Quốc tế Tín Phát trong phối hợp hướng nghiệp, định hướng tuyển chọn SV; đặt hàng với nhà trường để thực hiện đào tạo theo nhu cầu... Theo Thạc sĩ Trang Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, việc ký kết hợp tác trên nhằm tạo điều kiện cho SV của trường tiếp cận thông tin và có nhiều cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài; mang lại cơ hội cho HSSV của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề ở Cần Thơ, cũng như học sinh sau khi tốt nghiệp THPT trong và ngoài thành phố, có thêm thông tin về các chương trình, cơ hội học tập làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

* * *

Việc gắn kết doanh nghiệp - nhà trường giúp đôi bên cùng có lợi. Trường hoạch định, điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho cân bằng yếu tố học thuật và thực hành, đáp ứng thị trường lao động. Phía công ty, doanh nghiệp tìm được lao động có năng lực phù hợp. Nhờ sự hợp tác này, nhà trường và doanh nghiệp cùng nâng cao hiệu quả đào tạo, sử dụng lao động và hạn chế tình trạng lãng phí chất xám. Ông Ðào Trọng Ðộ, Vụ trưởng Vụ Ðào tạo thường xuyên, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Việc hợp tác giữa trường và doanh nghiệp rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ tạo mọi điều kiện và mong muốn trường, doanh nghiệp duy trì mối quan hệ hợp tác trong xây dựng chương trình đào tạo, rèn kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kiến thức văn hóa doanh nghiệp... cho SV. Ðể nâng cao hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức của HSSV trong việc chọn học ngành, nghề phù hợp. Ý chí cầu tiến, chịu khó trong học tập, rèn luyện và yêu nghề… góp phần tạo thành công cho HSSV trên bước đường lập thân, lập nghiệp.

Chia sẻ bài viết