30/05/2018 - 08:45

Gần 1,5 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng tín dụng chính sách

Đến ngày 31/3/2018, có trên 1,478 triệu khách hàng là hộ đồng bào  dân tộc thiểu số (DTTS) đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng chính sách tại hệ thống Ngân hành Chính sách xã hội (NHCSXH) trong cả nước.

NHCSXH Việt Nam cho biết hiện đơn vị đang quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách và các dự án theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, trong đó có các chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào DTTS. 

Đó là chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015 theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay vốn hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay vốn để hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu khẩu lao động cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013 - 2015 theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ Về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020; chương trình cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016.

Đồng vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đã góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, vùng  DTTS, miền núi; đưa tỷ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2005-2017 giảm từ 22% xuống dưới 7%, đặc biệt là việc giảm nghèo trong khối đồng bào DTTS.

Có thể nói, dưới tác động tổng hòa của các chính sách dân tộc và các chương trình giảm nghèo khác, tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực cần thiết, kịp thời tiếp sức cho vùng khó khăn, tạo sinh kế giảm nghèo cho đồng bào DTTS; góp phần không nhỏ làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, vùng DTTS miền núi và đời sống của đồng bào.

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, hiện nay, có gần 1,5 triệu hộ đồng bào DTTS đang có dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH. Trong  thời gian qua, nguồn vốn này được bảo toàn tốt. Tỉ lệ nợ quá hạn hiện nay ở khu vực đồng bào DTTS nói riêng chỉ chiếm 0,46%; tỉ lệ thu hồi vốn đạt tới 99,5%.

Trong các chương trình tín dụng mà NHCSXH triển khai ở khu vực này, nguồn vốn cho sản xuất chuyển đổi ngành nghề, vốn cho lao động có thời hạn nước  ngoài, vốn làm nhà, vốn cho nước sạch-vệ sinh môi trường đã tác động tích cực đến đời sống của đồng bào DTTS.

Cũng theo ông Lý, mặc dù khu vực đồng bào DTTS được Đảng, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm với nhiều chương trình, dự án, trong đó có tín dụng chính sách để giúp cho họ có vốn thoát nghèo nhưng tốc độ thoát nghèo ở vùng đồng bào  DTTS thường chậm hơn các khu vực khác. Nguyên nhân là vì khu vực đồng bào DTTS khó khăn, địa hình chia cắt, sản phẩm tiêu thụ khó, trình độ đồng bào DTTS chưa cao.

Hiện nay, NHCSXH có hạn mức áp dụng với hộ cận nghèo, hộ nghèo đồng bào DTTS vay tối đa 50 triệu đồng, lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với thời gian tối đa 10 năm. 

Vì vậy, để đồng vốn này "sinh lời" hiệu quả, đồng bào DTTS cần được cán bộ cơ sở hướng dẫn thêm cách làm ăn, thậm chí là “cầm tay chỉ việc”. Ngoài ra, cũng cần tìm cách kết nối việc tiêu thụ sản phẩm cho họ; Nhà nước có thể đầu đường sá, cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch ở khu vực này… Trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục thường xuyên ưu tiên nguồn vốn cho vùng đồng bào DTTS nghèo.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết