08/04/2020 - 07:15

Đừng chủ quan, bất chấp!

Sau hơn 1 tháng kể từ giai đoạn 2 trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, người dân cả nước đón nhận tín hiệu đáng mừng: Những ngày gần đây số người bị lây nhiễm được phát hiện ít, số người được chữa khỏi tăng lên. Đáng mừng, bởi theo nhận định của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp ngày 6-4 vừa qua, giải pháp cách ly xã hội bước đầu đã chứng minh được hiệu quả, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh.

Đáng mừng, nhưng chúng ta không thể chủ quan, không thể ngủ quên trên thắng lợi bước đầu mà vẫn phải tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh. Bởi lẽ, theo nhận định của PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, các ca nhiễm COVID-19 mới có xu hướng giảm trong những ngày gần đây chưa giúp chúng ta đánh giá được điều gì, vì thời gian ủ bệnh thường kéo dài đến 14 ngày. Mặt khác, thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu, nhờ kiểm soát tốt được người nhập cảnh một số quốc gia đã kiềm chế khá tốt sự lây lan của dịch COVID-19. Thế nhưng, sau đó, do một chút lơ là, chủ quan, dịch lại tái phát và lan nhanh. Cụ thể, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore,… gần đây đang phải hứng chịu và đối phó rất vất vả với sự bùng phát của dịch COVID-19 trong giai đoạn 2, buộc Chính phủ các nước này phải ban hành nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt hơn giai đoạn 1.

Cũng theo nhận định của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam đã tập trung kiểm soát và xét nghiệm những người nhập cảnh theo phương châm “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch”. Cách làm này đã chứng tỏ hiệu quả. Tuy nhiên, việc xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng chưa nhiều, trong khi mối quan tâm lớn nhất hiện nay chính là các ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Cũng chính vì thế mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 với trọng tâm là cách ly toàn xã hội trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày 1-4-2020, nhằm ngăn dịch lan nhanh, lan rộng trong cộng đồng.

Thế nhưng, có phải xuất phát từ tâm lý chủ quan khi nhận được những thông tin lạc quan về kết quả phòng chống dịch hay cố tình bất chấp những quy định pháp luật hay không mà những ngày gần đây, ở nhiều địa phương đã xảy ra không ít hành vi vi phạm quy định cách ly toàn xã hội. Dễ nhận thấy là tình trạng vài ba người tụ tập nhau vào nhà rồi đóng cửa nhậu nhẹt để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Sau đó, qua điện thoại, lần lượt có thêm từng người, từng người từ nơi khác đến với bàn nhậu! Có người, do phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh theo chủ trương cách ly nên đã rủ thêm vài người thân cùng lên ô tô rong ruổi đường xa để thăm bà con, họ hàng! Ngang nhiên hơn và bất chấp cả pháp luật, tối 4-4 và sáng 5-4, các chức sắc, chức việc, tín đồ tại nhiều giáo xứ ở Hà Tĩnh đã tổ chức hành lễ đông người, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Cũng sáng 5-4, lực lượng chức năng phát hiện trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ một ô tô chở 30 hành khách từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, dù trước đó Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu các phương tiện vận tải hành khách công cộng phải dừng hoạt động. Manh động hơn, một phụ nữ ở Hải Phòng, khi được yêu cầu đo thân nhiệt trước khi lên chung cư đã không chấp hành, cự cãi, to tiếng với lực lượng làm nhiệm vụ, thậm chí còn tát cả một trung úy cảnh sát khu vực!

Trong khi cả nước vẫn đang gồng mình chống dịch COVID-19 thì những hành vi nêu trên là không thể chấp nhận được và cần phải được xử lý nghiêm để ngăn chặn những hành vi chủ quan, bất chấp pháp luật lây lan trong cộng đồng - cũng đáng ngại không thua gì dịch COVID-19. Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 6-4 về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu: Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp chuẩn bị, không được chủ quan, coi thường đối với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các hành vi không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin sai không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội;… nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự.

Chống dịch COVID-10 là cả nước đang bước vào thời chiến. Điều này đòi hỏi những chỉ đạo của người lãnh đạo, người đứng đầu các cấp về phòng chống dịch phải được chấp hành nghiêm với tinh thần “Quân lệnh như sơn”. Tuy dịch COVID-19 ở nước ta vẫn trong tầm kiểm soát nhưng dịch bệnh ở một số quốc gia Đông Nam Á lại đang diễn biến rất phức tạp và dự báo thời gian tới số công dân Việt Nam về nước từ một số quốc gia này sẽ tăng lên. Tình hình đó đòi hỏi các cơ quan chức năng vừa phải quản lý chặt đường biên giới; chuẩn bị bố trí các khu vực tạm cư cho công dân về nước; tổ chức tốt công tác cách ly tập trung; đồng thời phải tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

HUY HƯNG

Chia sẻ bài viết