17/06/2018 - 17:50

Đốt rác phát điện 

Thời gian qua, các dự án, công trình đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải được thành phố quan tâm. Nhiều dự án, công trình đã xây dựng hoàn thành, đưa vào hoạt động xử lý hàng trăm tấn rác thải hằng ngày. Đặc biệt, Dự án xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ sắp hoàn thành, với công nghệ hiện đại kết hợp phát điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân...

Quá tải

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, hiện nay, mỗi ngày TP Cần Thơ có khoảng 650 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, tỷ lệ thu gom đạt từ 85% đến 90% lượng rác thải hằng ngày. Phần còn lại người dân tự chôn lấp hoặc đốt rác... Lượng rác trên được thu gom, vận chuyển đến 2 nhà máy xử lý rác tại quận Ô Môn, Cờ Đỏ và lò đốt rác tại quận Thốt Nốt. Các cơ sở này xử lý rác theo hình thức đốt, chôn lắp nhưng không thu hồi năng lượng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động lò đốt rác phải đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị xung quanh...

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống (ở giữa, hàng đầu) kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ.

Điển hình Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại phường Trung Kiên (quận Thốt Nốt) từ khi xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động đến nay đã phát huy hiệu quả, xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị tại địa phương. Theo UBND quận Thốt Nốt, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt do Công ty TNHH môi trường xanh Phương Việt làm chủ đầu tư. Công trình xây dựng với qui mô 6.000m2, gồm các hạng mục nhà xưởng, lò đốt, khu xử lý nước thải, hệ thống phân loại rác tự động... Tổng mức đầu tư trên 21 tỉ đồng. Hiện công suất xử lý của lò đốt từ 80 tấn đến 100 tấn rác thải/ngày đêm, tương đương 3.500kg đến 4.100kg/giờ. Còn tại Nhà máy xử lý rác quận Ô Môn mỗi ngày tiếp nhận và xử lý 250 tấn rác thải qua quy trình đốt rác, với 11 lò; Nhà máy xử lý rác Đông Thắng tiếp nhận trên 400 tấn rác thải mỗi ngày và xử lý qua quy trình chôn lấp, đốt, trong đó đốt rác khoảng 100 tấn/ngày, phần còn lại chôn lấp… Tuy nhiên, các nhà máy, bãi xử lý rác nêu trên đã quá tải do rác tiếp nhận xử lý còn tồn đọng nhiều; quá trình xử lý phát sinh khói, bụi và có mùi hôi vào môi trường xung quanh; tro xỉ phát sinh nhiều nhưng chưa có biện pháp xử lý…

 Rác thải sinh hoạt đang là vấn đề áp lực của thành phố. Các nhà máy, bãi, lò xử lý rác thải trên đã góp phần xử lý rác, nhưng vẫn còn một số bất cập. Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai được khởi công xây dựng, với mục tiêu đốt rác phát điện bằng công nghệ tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường, tái sử dụng tro, xỉ lò cho vật liệu xây dựng... Nhà máy được xây dựng với tổng diện tích 53ha, nằm cách biệt với các khu dân cư và trục lộ chính. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.050 tỉ đồng (tương đương 47 triệu USD), sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Sau khi hoàn thành, nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt/ngày và tạo ra 150.000KWh điện năng để hòa vào lưới điện quốc gia (tương đương 60.000.000 KWh/năm). Số lượng tro xỉ sau khi đốt phát điện còn lại khoảng 5% sẽ được tái sử dụng, chế tạo gạch xây dựng; các chất thải dạng rắn, lỏng, khí sẽ thông qua các thiết bị chuyên dụng xử lý đạt tiêu chuẩn và thải ra ngoài. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm tháng 9-2018; hoạt động chính thức tháng 11-2018.

Rác đốt phát điện

Trước khi khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện thi công đúng tiến độ và nội dung cam kết, đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt... Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: "Mặc dù sử dụng công nghệ xử lý rác thải đạt chuẩn châu Âu, nhưng trong quá trình triển khai dự án Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, Công ty TNHH Quốc tế Everbright (chủ đầu tư) cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam theo quy định của pháp luật. TP Cần Thơ  tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án đảm bảo đúng thời gian, tiến độ, chất lượng như đã cam kết".

Sở Xây dựng TP Cần Thơ cũng đã phối hợp cùng các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy triển khai kế hoạch thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Theo đó, các địa phương trên thu gom, phân loại rác thí điểm tại các phường Lê  Bình (quận Cái Răng), phường Trà Nóc (quận Bình Thủy) và 13 phường trên địa bàn quận Ninh Kiều. Rác thải sinh hoạt phân loại theo tiêu chí: chất thải rắn sinh hoạt không đốt được (kim loại, rác xây dựng, thủy tinh, gốm sứ ...), chất thải rắn nguy hại (pin, thiết bị điện tử, bóng đèn, bình ga, bình ắc quy ...), chất thải rắn sinh hoạt đốt được (loại trừ thành phần rác không đốt được và chất thải rắn nguy hại nêu trên). Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt đốt được thu gom hằng ngày và vận chuyến đến khu xử lý của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai; chất thải rắn sinh hoạt không đốt được thu gom hằng ngày và vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn quận Ô Môn; chất thải rắn nguy hại được thực hiện phân loại và xử lý riêng tại khu xử lý chất thải rắn của nhà máy xã Trường Xuân, huyện Thới Lai... Ông Nguyễn Kim Huy, ở đường Lê Hồng Phong, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, cho biết: "Được UBND phường Trà Nóc và ngành chức năng quận Bình Thủy hướng dẫn, cấp phát 3 loại bọc nhựa để chứa rác và phân loại theo tiêu chuẩn trên nên gia đình tôi thực hiện khá thành thạo và nghiêm túc chấp hành. Đây là việc làm góp phần bảo vệ môi trường, xử lý rác theo tiêu chuẩn. Gia đình tôi sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới và vận động, hướng dẫn người thân, lối xóm cùng thực hiện".

Mới đây, Đoàn công tác do Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống làm trưởng đoàn đến kiểm tra trực tiếp các hộ gia đình, tổ chức trên ở quận Ninh Kiều, phường Lê Bình và phường Trà Nóc về công tác phân loại rác thải, cho thấy sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Tại đây, người dân đã biết cách phân loại rác theo tiêu chuẩn , tuy nhiên đoàn công tác đánh giá cần thêm thời gian để tuyên truyền, triển khai sâu rộng đến từng hộ gia đình tại các địa phương trên và cả thành phố để có thói quen phân loại rác thải... Ông Võ Thành Thống chỉ đạo: "Cần tăng cường  tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác theo đúng tiêu chuẩn, nhằm phục vụ tốt khi Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đưa vào hoạt động. Sau khi có hiệu quả,  nhân rộng đến các quận, huyện khác. Còn các khu vực xử lý rác thải tại bãi rác Ô Môn, Đông Thắng phải thường xuyên gia cố hệ thống xả thải, xử lý mùi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Đến tháng 11-2018, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ chính thức hoạt động và tiêu thụ rác thải sinh hoạt thì 2 bãi rác này sẽ đóng cửa, không tiếp nhận rác sinh hoạt mới. Tuy nhiên, thời gian đóng cửa vẫn phải tiếp tục xử lý rác thải, nước thải, tro xỉ còn tồn đọng, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường xung quanh...".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết