28/06/2017 - 22:17

Đồng chí Châu Văn Liêm với cách mạng Việt Nam và quê hương Cần Thơ

Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Thành ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ Việt Nam TP Cần Thơ tổ chức ngày 28-6, tại Huyện ủy Thới Lai. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, thân tộc đồng chí Châu Văn Liêm… đã trình bày rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng tiền bối. Việc giáo dục truyền thống lịch sử cho tuổi trẻ Cần Thơ qua tấm gương đồng chí Châu Văn Liêm cũng được chia sẻ.

Vị Bí thư An Nam Cộng sản Đảng

Từ các thông tin tổng hợp tại tọa đàm, có thể thống nhất về thân thế đồng chí Châu Văn Liêm. Đồng chí sinh ngày 29-6-1902, trong một gia đình Nho học ở Rạch Tra, thôn Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai).

Ông Châu Quốc Khôi, cháu ruột đồng chí Châu Văn Liêm, phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: DUY KHÔI

Theo ông Đặng Hoài Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử An Giang, cuối năm 1924, đồng chí Châu Văn Liêm tốt nghiệp Trường Sư phạm Sài Gòn, được phân bổ dạy lớp Nhứt ở Trường Nữ Long Xuyên. Đồng chí vừa dạy học vừa kết thân với những người cùng chí hướng, đứng ra thành lập nhiều tổ chức yêu nước như Việt Nam Phục Quốc Đảng (tại Nam Nhã Đường, Cần Thơ), Hội Giáo viên, học sinh yêu nước Long Xuyên… Năm 1927, đồng chí Châu Văn Liêm cùng đồng chí Ung Văn Khiêm được kết nạp Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 2-1928, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Long Xuyên thành lập, đồng chí Châu Văn Liêm giữ chức Bí thư Tỉnh bộ đầu tiên. Đầu năm 1929, đồng chí dự Hội nghị Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được bầu vào Kỳ ủy cùng 4 đồng chí khác là Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kim Cương, Nguyễn Văn Côn và Trần Ngọc Quế. Ngày 7-8-1929, với vai trò là thành viên trong "Ban trù bị thành lập Đảng", đồng chí Châu Văn Liêm triệu tập một phiên họp ở Sài Gòn, chuẩn bị cho việc ra đời của một tổ chức mới là An Nam Cộng sản Đảng. Đến tháng 11 năm 1929, đồng chí tiếp tục mở Hội nghị thành lập Ban lâm thời chỉ đạo An Nam Cộng sản Đảng. Đồng chí Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư của ban này.

Theo ông Trần Văn Đông, Hội Khoa học Lịch sử An Giang, đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Nguyễn Thiệu là hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng tham dự hội nghị hợp nhất ba tổ chức Đảng tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Sau hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Nguyễn Thiệu được giao nhiệm vụ tiến hành hợp nhất các tổ chức Đảng ở phía Nam, từ Nha Trang trở vào đến Cà Mau.

Ngày 4-6-1930, gần 1.000 (có tài liệu ghi là 2.000, 5.000…) nông dân quận Đức Hòa (Long An) kéo đến Dinh quận trưởng đòi giảm sưu, giảm thuế, không được khủng bố nông dân, không được bắt bớ, đánh đập người vô cớ. Đồng chí Châu Văn Liêm cổ vũ đoàn biểu tình, hô vang khẩu hiệu buộc tên quận trưởng chấp nhận các yêu sách. Trong lúc đối mặt với quân thù, đồng chí Châu Văn Liêm đã hy sinh ở tuổi 28 dưới họng súng của tên cảnh sát Đờ-rơi (Dreuil).

Nhà giáo yêu nước

Đồng chí Châu Văn Liêm còn là một nhà giáo tiến bộ. Bà Hà Thị Thùy Dương, Học viện Chính trị khu vực IV, thông tin, lúc dạy học ở Long Xuyên, ngoài giờ lên lớp đồng chí còn mở những lớp học chống mù chữ cho người nghèo. Gặp lúc bệnh dịch tả hoành hành, nhiều gia đình giết gà, giết vịt cúng bái khiến "tiền mất tật mang", có khi thiệt mạng; đồng chí Châu Văn Liêm đã đến từng nhà thăm hỏi người bệnh, tặng thuốc men, khuyên họ giữ gìn vệ sinh… Với những "ông đồng bà cốt", rủ rê bà con mê tín dị đoan, đồng chí phê phán:

"Nực cười lũ dại lạy heo quay

Cũng gọi rằng mình cúng đất đai"

Trong thời gian ở Sa Đéc, đồng chí mở trường tư thục Sa Đéc Học Đường. Để có tiền, đồng chí xin cụ thân sinh cho mượn bằng khoán điền thổ đi cầm nhà băng. Cốt ý lập trường của đồng chí là truyền bá đạo lý làm người, lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước.

Thầy Đặng Hoàng Sang, giáo viên Trường THCS & THPT Trường Xuân, huyện Thới Lai, đưa ra chi tiết thú vị. Chính đồng chí Châu Văn Liêm là người vận động hợp nhất hai đội banh Mỹ Luông và Long Điền (Chợ Mới- Long Xuyên) tạo sự đoàn kết bà con hai xã, không để thực dân chia rẽ, lợi dụng. Điều này được cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể lại qua cuộc đối thoại của cha nhà văn và đồng chí Châu Văn Liêm: "Đội bóng làng Mỹ Luông của ông và đội bóng làng Long Điền kế đó đối đầu nhau lâu dần thành… đối địch. Ông Châu Văn Liêm hoạt động chi bộ đầu tiên ở An Giang, đến gặp ông già tôi, hỏi: "Tại sao vì chuyện đá banh mà để cho hai làng thù ghét nhau như vậy? Chi bằng gộp chung lại thành một đội mang tên ghép hai làng Mỹ Long, đội bóng của những người đoàn kết, yêu nước"!".

Thầy Sang còn giới thiệu tư liệu, lúc dạy học đồng chí Châu Văn Liêm còn đọc cho học trò nghe một số bài thơ kêu gọi lòng yêu nước, tố cáo và lên án cảnh bắt lính viễn chinh làm bia đỡ đạn thay cho bọn thực dân trong Thế Chiến thứ I, như:

"Tàu Tây ống khói bằng đồng

Trách ai cưỡng bức bắt chồng tôi đi

Đau lòng những nổi xiết chi

Ngày đi thì có, ngày về thì không"

Còn có những bài thơ đồng chí sáng tác đọc cho học trò nghe, nội dung truyền tải niềm tự hào lịch sử dân tộc:

"Sông Nhị, núi Nùng,

Nước bốn nghìn năm văn hiến

Con Thần cháu Thánh

Dân hai mươi triệu đồng bào"

Tiếp bước

Phát biểu tại tọa đàm, ông Châu Quốc Khôi, cháu gọi đồng chí Châu Văn Liêm là bác, xúc động: "Đường sá, công viên, trường học, phường được đặt theo tên ông. Đó là vinh dự to lớn cho họ tộc chúng tôi". Trên quê hương Thới Thạnh hôm nay, ngôi Đền thờ tưởng nhớ nhà cách mạng tiền bối nhắc nhở để thế hệ hôm nay tiếp bước. Bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ, cho biết: Sau khi khánh thành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ bàn giao Đền thờ cho UBND huyện Thới Lai quản lý và sử dụng theo quy định. Ban Quản lý di tích sẽ phân công thuyết minh trực phục vụ khách tham quan tại Đền thờ; tổ chức chương trình "Tìm về di sản" với các trường học, kết hợp các hoạt động du lịch… Tại Bảo tàng Cần Thơ, nhiều năm qua, tượng đồng chí Châu Văn Liêm được đặt trang trọng tại gian đại sảnh, thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí được giới thiệu với khách tham quan.

Không chỉ ở Cần Thơ, tấm gương đồng chí Châu Văn Liêm cũng được các địa phương trân trọng. Tỉnh An Giang đã từng tổ chức hội thảo khoa học về đồng chí; nhiều ngôi trường được đặt theo tên ông, có tượng đài uy nghiêm. Ông Nguyễn Văn Thiện, Ban Quản lý di tích tỉnh Long An, cho biết: tại Di tích Quốc gia Ngã tư Đức Hòa- nơi đồng chí Châu Văn Liêm hy sinh- có phù điêu hoành tráng khắc họa sự kiện bi hùng đó.

Thầy Đặng Hoàng Sang, giáo viên Trường THCS & THPT Trường Xuân, huyện Thới Lai, kiến nghị, ngành giáo dục địa phương lồng ghép nội dung giáo dục về tấm gương nhà cách mạng Châu Văn Liêm vào chương trình giảng dạy, nhất là lịch sử địa phương; các hoạt động ngoại khóa như đọc sách, nói chuyện, kể chuyện danh nhân…

 

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết