06/12/2010 - 08:25

Đồng bằng sông Cửu Long nhân rộng các vùng sản xuất theo hướng GAP

* CHƯƠNG TRÌNH WIND MÔI TRƯỜNG: Hướng nông dân sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang), sau thành công của tỉnh Tiền Giang trên lĩnh vực sản xuất nông sản theo hướng GAP với nhiều sản phẩm chủ lực đã được cấp chứng nhận Global GAP như vú sữa lò rèn Vĩnh Kim và lúa gạo Mỹ Thành, VietGAP cho dứa (khóm) Tân Lập... mô hình sản xuất Global GAP, VietGAP đang được nhân rộng tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, mở ra triển vọng mới cho việc xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, hội nhập trong năm 2010 và những năm tiếp theo.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đang triển khai dự án “Xây dựng chất lượng và thương hiệu gạo An Giang” đồng thời tổ chức cho Tổ hợp tác sản xuất lúa Jasmine Bình Chơn (Châu Phú, An Giang) và Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp Tân Tiến (Thoại Sơn, An Giang) áp dụng tiêu chuẩn Global GAP trên diện tích sản xuất khoảng 70 ha lúa thơm. Tỉnh Sóc Trăng cũng được cấp giấy chứng nhận Global GAP cho 20 ha trồng lúa của 12 nông hộ tại HTX lúa tôm Hòa Lời (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), tổ chức cho 17 nông hộ của HTX sản xuất lúa giống và dịch vụ Vĩnh Tiền trồng 17 ha lúa GlobalGAP. Tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án “Xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng đạt chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm chôm chôm Chợ Lách và bưởi Da xanh Bến Tre”.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thủy, mô hình sản xuất theo hướng GAP từ những địa phương đi tiên phong như Tiền Giang, An Giang... đang phát triển mạnh mẽ, cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của các cấp, các ngành, của mọi tầng lớp nhân dân. Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long vận hành nền nông nghiệp theo tư duy kinh tế mới, khắc phục hạn chế của lối sản xuất truyền thống, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, hội nhập với quốc tế để phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, bao tiêu nông sản GAP như Công ty ADC bao tiêu toàn bộ lúa gạo Global GAP của HTX Mỹ Thành với giá cao hơn thị trường 20%. Bảo đảm đầu ra cho nông sản GAP chính là động lực thúc đẩy việc sớm hình thành và mở rộng vùng sản xuất GAP trên nhiều loại cây trồng chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long như cây ăn trái, lúa gạo, cây công nghiệp phục vụ chế biến xuất khẩu.

* Ngày 5-12-2010, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển sức khỏe cộng đồng (thuộc Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ) phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình WIND đã tổ chức Hội thảo tổng kết Chương trình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường” (Chương trình WIND môi trường).

Chương trình WIND môi trường do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển sức khỏe cộng đồng phối hợp với Hội Nông dân xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) triển khai thực hiện tại địa bàn xã này trong 3 năm (từ tháng 12-2007 đến tháng 11-2010), kinh phí do Tập đoàn Toyota tài trợ. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy hỗ trợ các sáng kiến của nông dân trong bảo vệ môi trường sống và lao động nông nghiệp. Chương trình này hướng dẫn nông dân biết tự bảo vệ sức khỏe khi sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, thu gom vỏ hóa chất đã qua sử dụng về nơi cố định an toàn, khuyến khích sản xuất nông sản sạch cung cấp cho thị trường, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp tại hộ gia đình và cộng đồng... Trong 3 năm qua, chương trình đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn với 571 hộ nông dân tham gia...

MINH TRÍ (TTXVN)-ANH KHOA

Chia sẻ bài viết