04/06/2009 - 08:15

Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII:

Đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao chất lượng và quy mô giáo dục- đào tạo

* Cần cân nhắc thêm cơ quan quản lý nhà nước về cơ yếu

Sáng 3-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo về Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí với Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014 nhằm xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục, huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng và tăng quy mô giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực sự coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; xây dựng hệ thống các chính sách để tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng cơ chế tài chính của giáo dục gồm 8 nội dung như trong đề án là cần thiết, đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân và phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Trích dẫn đề án nói rằng “Việc quản lý ngân sách giáo dục rất phân tán: các địa phương quản lý 74% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hàng năm, các bộ, ngành khác 21%, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 5%. Các địa phương, các bộ, ngành không có báo cáo về tình hình và hiệu quả sử dụng ngân sách giáo dục cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ điều kiện để đánh giá hiệu quả đầu tư của nhà nước cho giáo dục trong toàn quốc”, đại biểu Ý Nhi ( Hà Nội) cùng nhiều ý kiến khác bày tỏ sự băn khoăn với cách lý giải này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đại biểu Ý Nhi cho rằng cần phải tổng kết, đánh giá được hiệu quả đầu tư của Nhà nước trong những năm qua cho giáo dục như thế nào, từ đó là cơ sở xây dựng khung cho đề án. “Không thể lấy lý do các địa phương, các bộ, ngành không báo cáo nên Bộ chủ quản không đánh giá được hiệu quả đầu tư của nhà nước cho giáo dục”- đại biểu Nhi thẳng thắn nêu rõ.

Theo Đề án, đối với giáo dục mầm non và phổ thông, học phí chỉ là sự đóng góp một phần của nhân dân vào chi phí học tập ở trường mà Nhà nước là người chi chủ yếu. Học phí không phải là gánh nặng tài chính đối với gia đình mà luôn khả thi. Mức học phí cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định trên nguyên tắc học phí và các khoản chi cần thiết khác cho con em đi học không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Xung quanh nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Tuyến ( Hà Nội) phân vân về căn cứ để đưa ra quy định 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Tuy đề án đã nêu học sinh thuộc diện chính sách, hộ nghèo được miễn học phí. Học sinh thuộc các hộ cận nghèo và một số ngành nghề đặc thù được giảm học phí từ 50% đến 70%... nhưng đại biểu vẫn cho rằng đối với các đối tượng thu nhập thấp, nông dân có cuộc sống khó khăn thì mức 6% cũng cần phải tính toán kỹ. Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cùng suy nghĩ: “Một nước đang phát triển với đại đa số là nông dân như Việt Nam thì mức chi 6% thu nhập của hộ gia đình cho học tập của con em là cao, chỉ nên bằng hoặc dưới 5%”.

Một số đại biểu đồng tình với lập luận của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng: nhóm các nước mới phát triển, học phí và các chi phí học tập cần thiết khác chiếm từ 1,9 đến 7,95% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Ở các nước phát triển, con số này là từ 2% đến 10% (theo số liệu khảo sát của Bộ GD-ĐT). Việt Nam mới ra khỏi nhóm các nước chậm phát triển và trở thành nước đang phát triển trung bình có mức thu nhập thấp, mà áp dụng mức 6% là mức chi trả khá cao trong tương quan so sánh chung và không phù hợp với thực tế thu nhập của các hộ dân hiện nay, đa số học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân còn rất nghèo và khó khăn. Ủy ban đề nghị tách riêng học phí và quy định khoản này không vượt quá 5% thu nhập bình quân của hộ gia đình để giảm bớt phần đóng góp của người dân, đồng thời tạo điều kiện cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chủ động quyết định mức thu học phí cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương.

* Chiều 3-6, thảo luận tại tổ về dự án Luật cơ yếu, nhiều đại biểu QH đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Cơ yếu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức, triển khai, sử dụng cơ yếu, quản lý hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin; bảo đảm quốc phòng và an ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhận định hoạt động cơ yếu là một trong những hoạt động quan trọng của an ninh quốc gia, là hoạt động cơ mật đặc biệt, thực chất là một trong những phương thức để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, một số đại biểu đề nghị cân nhắc thêm việc giao cơ quan nào quản lý nhà nước về hoạt động cơ yếu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi, nên giao trách nhiệm này cho Bộ Công an để phù hợp với tính chất hoạt động cơ mật, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Hiện nay, Bộ Công an đang chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật Nhà nước; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng; nếu giao thêm Bộ Nội vụ thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu, cũng thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia có thể sẽ không rạch ròi, dễ gây chồng lấn. Đại biểu Đỗ Căn ( Hà Nội) cũng cho rằng nên chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ về một trong hai Bộ là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sẽ phù hợp hơn. Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyến( Hà Nội), hoạt động cơ yếu có tính chất đặc thù, sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc theo hướng mở để Chính phủ quy định cụ thể giao cho cơ quan nào thực hiện.

QUỲNH HOA - THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết