21/09/2017 - 20:21

Đối mặt với sự nhàm chán 

Do thiếu đam mê với ngành học hay công việc nên nhiều bạn trẻ cảm thấy cuộc sống nhàm chán, vô vị. Các bạn thiếu động lực phấn đấu, rơi vào vòng lẩn quẩn, đôi khi dẫn đến trầm cảm. Do vậy nhiều bạn trẻ quan tâm giải pháp tạo hứng khởi tinh thần cho bản thân.

Tham gia các hoạt động tình nguyện sẽ giúp các bạn trẻ thêm yêu đời, nhận biết giá trị cuộc sống. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên quận Bình Thủy và sinh viên các trường tham gia làm cột cờ tuyến đường vào trung tâm hành chính quận. 

Tâm lý buồn chán

Tuy đang làm việc tại một công ty với mức lương khá cao nhưng M.X. (25 tuổi) vẫn cảm thấy không hài lòng về cuộc sống. Ngày nào công việc cũng lặp đi lặp lại khiến X. quay cuồng, chán nản. X. cho biết: “Tôi thường kết thúc ngày làm việc rất muộn và mệt nên chẳng muốn đi đâu. Ở nhà, tôi chỉ biết xem tivi và lên mạng tán gẫu với bạn bè. Thỉnh thoảng, tôi đi uống cà phê với bạn trai”. X. muốn tiếp tục học lên cao nữa nhưng chưa tìm được công việc để có thể vừa học, vừa làm. X nói: “Tôi muốn học thạc sĩ để có thể làm việc phù hợp khả năng. Quá nhiều việc khiến tôi lo toan trong khi chưa xác định hướng đi”.

Cuộc sống với thời gian biểu cố định khiến nhiều bạn trẻ loay hoay, thậm chí gặp áp lực vì không thể thoát khỏi những điều được mặc định hằng ngày. Bên cạnh đó, một số bạn rơi vào chứng trầm cảm như  trường hợp của Linh (27 tuổi, nhân viên ngân hàng). Lãnh đạo đánh giá Linh chưa năng động dù làm việc nhiều năm. Vì vậy, Linh luôn cố gắng làm thêm nhiều việc ngoài giờ để tạo ấn tượng với sếp và thường rời chỗ làm lúc gần 20 giờ. Linh lo lắng, nhiều năm nay, không thể ngủ được trước 2 giờ sáng nên thường đi làm trễ giờ. Thế là, dù bản thân có cố gắng nhưng Linh vẫn bị phê bình vì đi trễ vài mươi phút. Linh bộc bạch: “Tôi mua được nhà, so với nhiều bạn bè thì ổn định hơn. Nhưng “thế giới” của tôi cứ lòng vòng nỗi lo công việc – mất ngủ - đi làm trễ. Hơn tháng nay, buổi tối, tôi rủ bạn chơi đánh cầu lông, sống thử bầu không khí khác…”.

Tìm cảm hứng

Việc gặp những cú sốc đầu đời cũng là nguyên nhân khiến một số bạn trẻ cảm thấy thiếu động lực trong học tập hay xây dựng các mối quan hệ xã hội. Một số bạn vì không thể lựa chọn đúng ngành học nên bất mãn, buông xuôi như trường hợp B.Ng. (19 tuổi). Thời THPT, Ng. học tập khá, nhiều thành tích trong các hoạt động Đoàn, thể dục - thể thao nhưng vẫn không trúng tuyển trường đại học mơ ước. Ng. đăng ký xét tuyển một trường khác để cha mẹ vui lòng. Vì thế, thay vì đến giảng đường, thư viện trường, hầu hết thời gian Ng. cùng bạn bè ở quán trà sữa, quán ăn. Thời gian sau, Ng. nhận ra, nếu cứ sống như hiện tại thì tương lai chẳng biết về đâu. Do đó, Ng. bắt đầu tham gia các hoạt động tình nguyện ở trường, các nhóm học thuật rèn luyện tiếng Anh…, dần lấy lại cân bằng, thay đổi bản thân.

Q. (17 tuổi) từng có thời gian buồn chán vì bị cha mẹ ngăn cản việc học tập. Q. sống với cha dượng, không được mẹ quan tâm. Cha dượng không muốn Q. đi học nên mỗi ngày đến trường với em thật nặng nề. Q. kể: “Cha mẹ cứ kêu nghỉ học để bớt tốn kém nên em rất buồn. Nhờ thầy cô, bạn bè động viên em mới học được đến nay. Em tranh thủ tham gia nhiều hoạt động văn nghệ ở trường để tìm niềm vui, tự an ủi, động viên bản thân cố gắng hơn nữa”.

Theo anh Phương Tấn Đạt, giáo viên kỹ năng sống Trường Phổ thông Thái Bình Dương (quận Ninh Kiều), hiện nay, nhiều bạn trẻ tâm lý chán đời, không muốn phấn đấu vì có tư tưởng “an thân thủ phận”, hoặc thiếu đam mê học tập, làm việc. Các bạn đi làm nghĩ rằng đang “cày” để mưu sinh nên không cần nỗ lực hay sáng tạo, dẫn đến nhàm chán. Sự nhàm chán sẽ tăng lên khi các bạn gặp khó khăn trong công việc, bị lãnh đạo phê bình… Bên cạnh đó, nhiều bạn thiếu sự quan tâm, định hướng của cha mẹ nên luôn cảm thấy cô độc, khi vui cũng như lúc buồn không biết chia sẻ với ai. Chính vì vậy, các bạn trẻ cần “làm mới” mình thông qua các hoạt động thể dục – thể thao, công tác Đoàn – Hội, vui chơi giải trí lành mạnh, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn… để dần tìm được cảm hứng và yêu đời. Anh Phương Tấn Đạt chia sẻ: “Các bạn đi học hay đi làm cũng cần có cảm hứng. Do đó, để duy trì nguồn năng lượng, mỗi bạn nên làm điều mình thích trong khuôn khổ cho phép, cố gắng tìm những việc làm ý nghĩa. Ngày hôm nay chỉ cần tốt hơn ngày hôm qua là tiêu chí cần thiết để các bạn thấy ý nghĩa cuộc sống. Khi thấy căng thẳng, các bạn cần tìm không gian riêng để tĩnh tâm, lấy nhịp cho con đường sắp tới”.

Bài, ảnh: ĐỖ VĂN

Chia sẻ bài viết