11/03/2019 - 10:16

Độc đáo Chùa Đất Sét 

Bửu Sơn Tự, người dân quen gọi là Chùa Đất Sét, là Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp tỉnh, hiện tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Sở dĩ, ngôi chùa có tên Đất Sét vì toàn bộ tượng Phật, Tiên, Thánh, Thần… và linh thú trong chùa đều làm bằng đất sét, dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Ngô Kim Tòng- trụ trì đời thứ tư. Đặc biệt, Chùa Đất Sét hiện nắm giữ nhiều kỷ lục Việt Nam khiến khách hành hương, chiêm bái đều rất thú vị, muốn “mục sở thị” một lần cho biết.

Chánh điện Chùa Đất Sét.

Toàn bộ gần 2.000 tượng Phật, tượng tái hiện truyện tích nhà Phật, linh thú… lớn nhỏ đều làm bằng đất sét với đường nét sống động, tinh xảo. Tất cả du khách đến chùa đều ngạc nhiên và thán phục khi biết điều này.

Bảo Tòa Liên Hoa với 1.000 cánh sen, trên mỗi cánh là một vị thần ngự; phía dưới đài sen còn có “bát quái thiên tiên”, gồm 8 cung: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, mỗi cung có 2 tiên nữ đứng hầu; dưới cùng là Tứ Đại Thiên Vương Trấn giữ…

Và Tháp Đa Bảo cao 3,5m, gồm 13 tầng, 208 cửa vị Thần, dưới chân có hàng trăm con rồng nâng đỡ.

Tháng 9-2013, Bảo Tòa Liên Hoa và Tháp Đa Bảo được xác lập kỷ lục là hai công trình bằng đất sét lớn nhất Việt Nam.

Điều đặc biệt ở Chùa Đất Sét không chỉ có vậy. Chùa còn nổi tiếng vì sở hữu 4 cặp đèn cầy khổng lồ do chính ông Ngô Kim Tòng tạo tác. Trong đó, có 3 cặp đèn cầy lớn, cao 2,6m, ngang 1m, được đúc từ 200kg sáp/cây; 1 cặp đèn nhỏ hơn được đúc từ 100kg sáp/cây. Để đúc được những cây đèn cầy khổng lồ này, ông Tòng dùng sáp chặt nhỏ rồi nấu lỏng, đổ vào khuôn (dùng tôn lợp nhà cuộn lại). Sau một tháng, sáp nguội sẽ mới gỡ khuôn ra và trang trí để thành đèn cầy hoàn chỉnh.

Chỉ 2 cây đèn cây nhỏ thôi mà sau gần 49 năm đốt, đến nay vẫn còn cháy. Sau khi cặp đèn này cháy hết, cặp đèn lớn sẽ tiếp tục được đốt lên. Theo phỏng tính của nhà chùa, mỗi cây cháy khoảng 70 năm mới hết. Nếu đốt từng cây thì phải mất… hơn 400 năm nữa mới hết đèn cầy.

Chân dung và mộ phần thầy Ngô Kim Tòng (1909-1970)- nghệ nhân tạo tác những tuyệt phẩm từ đất sét cho ngôi chùa này. Ông Tòng là con thứ tư trong gia đình nên theo cách gọi ở Nam Bộ là thứ Năm, dân gian quen gọi là cậu Năm. Đi tu từ năm 20 tuổi, dù không được học mỹ thuật hay kiến trúc nhưng ông Ngô Kim Tòng tự mài mò nặn tượng bằng đất sét và làm nên tác phẩm để đời.

Duy Khôi (thực hiện)

Chia sẻ bài viết