03/03/2009 - 21:20

Doanh nghiệp và người lao động đồng tâm vượt khó

Thời gian gần đây, thực trạng nhiều lao động bị mất việc, thôi việc, việc làm không thường xuyên ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, đời sống gia đình và tác động đến an sinh xã hội. Trước tình hình đó, các đơn vị, ngành chức năng và các doanh nghiệp (DN) ở TP Cần Thơ có vai trò hết sức quan trọng trong việc hoạch định và triển khai thực hiện những giải pháp để trợ giúp, khuyến khích người lao động (NLĐ). Sau đây là ý kiến của những người có trách nhiệm về thực trạng này.

Bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ:

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC, NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA NLĐ

 

- Thực hiện Công văn số 564/UBND – KT của UBND TP Cần Thơ, trong tháng 2-2009, Sở LĐ-TB&XH kết hợp với các ngành chức năng thành phố đã khảo sát và thống kê tình hình sản xuất cũng như việc làm, thu nhập của nhiều DN may mặc, chế biến thủy sản, xay xát gạo... trên địa bàn. Kết quả cho thấy, có tình trạng lao động nghỉ việc với nhiều lý do, nhưng các DN cũng tuyển được lao động thay thế nên biến động lao động không nhiều. Tuy nhiên, ngành sẽ tiếp tục quan tâm diễn biến tình hình lao động và yêu cầu các quận, huyện phải thường xuyên liên hệ với cơ sở, cập nhật kịp thời số lao động nghỉ việc, mất việc trở về địa phương, để kết hợp các DN trong và ngoài thành phố tuyển lao động theo hướng chuyển đổi nghề. Đây là thực trạng chung, nhưng tùy theo điều kiện các chủ DN có thể giải quyết khó khăn về lao động và ổn định sản xuất, thu nhập cho công nhân.

Theo chúng tôi, ngoài việc Nhà nước đã, đang và sẽ thực hiện nhiều biện pháp cùng DN vượt qua khó khăn nhằm góp phần hạn chế tình trạng lao động bị mất việc, thôi việc, các ngành chức năng phải kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ để vượt qua khó khăn. Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH kết hợp các ngành có liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đúng luật định của các DN đối với công nhân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, củng cố và nâng cao nhận thức của NLĐ về việc làm, tay nghề, ý thức chấp hành kỷ luật lao động và trách nhiệm của mỗi người đối với sự sống còn và phát triển của DN, thể hiện sự quan tâm chia sẻ khó khăn với DN ở mọi thời điểm.

Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Thanh niên TP Cần Thơ:

LỢI THẾ THUỘC VỀ LAO ĐỘNG BIẾT PHÁT HUY TINH THẦN CỘNG ĐỒNG TRÁCH NHIỆM

 

- Đảm trách công tác tư vấn việc làm nhiều năm qua, nhưng có thể nói đây là thời điểm khó khăn nhất của Trung tâm. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận tư vấn việc làm trên 200 lao động bị mất việc, tự ý bỏ việc. Phát sinh này làm tăng thêm áp lực đối với các Trung tâm GTVL, vì phải giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp chưa có việc làm, lao động đã có việc làm bị mất việc, kể cả số lao động đi làm việc ở nước ngoài quay về nước.

Để góp phần cải thiện tình hình, Trung tâm đang thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với các DN vừa và nhỏ, một số DN chủ động chuyển hướng kinh doanh hàng hóa khác để có thể GTVL cho NLĐ. Khi tư vấn việc làm, chúng tôi cố gắng cập nhật nhiều thông tin về việc làm để cung cấp cho NLĐ, giúp các bạn định hướng tương lai, thay đổi cách nghĩ, cách làm, thích nghi với diễn biến tình hình xã hội hiện nay. Chúng tôi nhấn mạnh những điều DN luôn mong muốn ở NLĐ, là: Sự năng động, sáng tạo, có thể đảm đương nhiều việc; chia sẻ khó khăn với nhà tuyển dụng, hy sinh quyền lợi bản thân giúp DN vượt qua khó khăn; không nên thấy khó khăn rồi bi quan, đi tìm việc làm khác mà càng phải gắn bó, cùng DN tháo gỡ khó khăn. Không chủ DN nào từ chối, đào thải NLĐ có năng lực và thiện chí phát triển DN. Bên cạnh đó, các DN cũng cần xây dựng và cải tiến môi trường làm việc chuyên nghiệp, biết trân trọng và vận dụng những ý tưởng sáng tạo sẽ kích thích tinh thần làm việc và nhiệt tình cống hiến của NLĐ.

Theo chúng tôi, cơ quan chức năng nên đề xuất với Chính phủ việc dành một phần kinh phí trong Quỹ Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm hỗ trợ cho lao động thất nghiệp, mất việc, đầu tư cho các Trung tâm GTVL để tìm chỗ làm mới cho các đối tượng lao động này.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ:

TRÁCH NHIỆM CỦA DN VÀ NHẬN THỨC CỦA NLĐ PHẢI ĐI ĐÔI

 

- Suy thoái kinh tế toàn cầu đã có những tác động không nhỏ, làm xáo trộn hoạt động của nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất, kinh doanh và việc làm của NLĐ. Dù khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng chưa ảnh hưởng rõ nét, nhưng đã có tình trạng DN sản xuất đình trệ, không liên tục kéo theo việc lao động không có việc làm thường xuyên, thu nhập giảm sút và bị cắt giảm công việc. Hiện nay, hầu hết các DN đều không mở rộng, khuếch trương sản xuất do thị trường tiêu thụ hàng hóa không ổn định, gây nhiều khó khăn cho DN, thì việc không tuyển thêm hay cắt giảm lao động là tất nhiên, hoàn toàn ngoài ý muốn.

Có thể trong chiến lược kinh doanh, các DN chưa chuẩn bị tinh thần để đối phó với rủi ro, không lường trước những khó khăn. DN rất cần Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt để có thể giải quyết vấn đề thu nhập cho người lao động trong thời gian chưa có đơn hàng sản xuất. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ thiện chí của các lãnh đạo DN quan tâm đảm bảo thu nhập của công nhân, hạn chế thấp nhất tình trạng cho công nhân giảm việc, thôi việc, và nếu trong hoàn cảnh bắt buộc phải cắt giảm công nhân thì cần cố gắng giải quyết thỏa đáng các chế độ chính sách theo luật định. Bên cạnh đó, NLĐ phải xác định nghĩa vụ và trách nhiệm với DN, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, gắn bó với DN, thực hành tiết kiệm chi tiêu. Khó khăn tạm thời hay kéo dài, chỉ cần chủ DN và NLĐ đồng tâm vượt khó, công việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Theo chúng tôi, đó còn là biểu hiện của đạo đức và lương tâm nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Ngộ, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành:

CỐ GẮNG DUY TRÌ SẢN XUẤT, ĐẢM BẢO VIỆC LÀM, THU NHẬP CỦA NLĐ

 

- Cũng như nhiều DN sản xuất hàng dệt may, công ty đang gặp nhiều khó khăn do ít đơn hàng xuất khẩu, ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ sản xuất. Những năm trước đây, công ty thường xuyên ký kết các hợp đồng xuất khẩu để lên kế hoạch sản xuất trong năm, nhưng hiện nay, đơn hàng sản xuất bị thu hẹp. Chúng tôi chỉ xuất khẩu cho những đối tác, khách hàng truyền thống của công ty, nên khó thể tìm nguồn sản xuất khác. Do vậy, công ty không mở rộng sản xuất và việc tuyển lao động cũng hạn chế, chỉ tuyển dự phòng lắp vào chỗ công nhân nghỉ việc để không gián đoạn sản xuất.

Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành cố gắng duy trì sản xuất, ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ. Ảnh: P.M 

Để thích nghi với tình hình sản xuất, việc làm đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, chủ trương của lãnh đạo công ty là cố gắng duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cũng như thực hiện đầy đủ các chế độ đối với công nhân như từ trước đến nay, như: Bữa ăn trưa, thưởng năng suất, tham dự Chương trình tích lũy tiết kiệm thưởng; thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm, kể cả bảo hiểm thất nghiệp. Cho đến thời điểm này, điều đáng mừng là lực lượng công nhân vẫn đi làm đầy đủ, tư tưởng của đa số công nhân ổn định, không xôn xao, dao động. Công ty luôn cập nhật những diễn biến hàng ngày có liên quan đến việc làm, thu nhập của công nhân ở các tỉnh, thành trong cả nước và thông tin kịp thời hàng ngày cho các công nhân. Chúng tôi kêu gọi công nhân ra sức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, “thắt lưng buộc bụng” giảm bớt chi tiêu cá nhân để cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này. Với những việc công ty đã thực hiện trong thời gian qua, công nhân đều đồng lòng hưởng ứng chủ trương tiết kiệm của lãnh đạo công ty.

Chúng tôi hy vọng với uy tín thương hiệu công ty, khó khăn sẽ nhanh chóng được cải thiện và trong mọi tình huống chúng tôi đều đặt quyền lợi công nhân lên trên hết.

ANH PHƯƠNG (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết