05/05/2018 - 16:24

Doanh nghiệp nội cần thêm nội lực

Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có 883 dự án mới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 3,55 tỉ USD, bằng 76,1%  so với cùng kỳ năm 2017. Và 303 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn tăng thêm 2,24 tỉ USD, bằng 51,5% so với cùng kỳ năm 2017... Tính chung 4 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 8,06 tỉ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2017. Cả nước hiện có 25.524 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 321,25 tỉ USD; vốn thực hiện ước đạt 177,47 tỉ USD, bằng 55,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI đứng đầu tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 59,2 tỉ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư); Nhật Bản xếp thứ hai với 50,5 tỉ USD. Trong 4 tháng năm nay, vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm so với cùng kỳ năm 2017. Khối doanh nghiệp (DN) FDI vẫn chiếm ưu thế hơn so với khối DN trong nước về kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong 4 tháng, xuất khẩu của khu vực FDI (không kể dầu thô) đạt 52,81 tỉ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 71,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước; kim ngạch nhập khẩu đạt 42,31 tỉ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 60,1% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tính chung 4 tháng, khu vực FDI xuất siêu 10,5 tỉ USD không kể dầu thô. Kim ngạch xuất nhập khẩu phần lớn do khối ngoại chi phối đã tạo áp lực rất lớn cho DN trong nước, nhất là trong cuộc cạnh tranh giành thị phần, thị trường với những DN FDI cùng ngành hàng. DN nội lép vế hơn về tài chính, quản trị và giá trị gia tăng trên từng sản phẩm.

Trên thực tế, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực chiếm tỷ trọng chủ yếu trong giá trị sản xuất công nghiệp và góp phần tăng tỷ trọng khu vực II (công nghiệp- xây dựng) trong cơ cấu GRDP của các địa phương. Tuy nhiên, DN thuộc lĩnh vực này của khối nội gặp khó khăn rất lớn trong việc đổi mới công nghệ, tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, do nội lực về tài chính, công nghệ còn hạn chế. Trong khi khối FDI, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất, với tổng số vốn đạt 4,52 tỉ USD, chiếm 56,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 807,5 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 779 triệu USD, chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký... trong 4 tháng đầu năm 2018.

Rõ ràng, áp lực cạnh tranh đối với DN nội ngày một lớn, nhất là khi nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Do vậy, việc trợ lực cho DN nội nâng cao năng lực cạnh tranh để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh với khối ngoại đang cần sự chung sức của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Cùng với đó là sự nỗ lực trong nội tại của DN.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết