(CTO) - Sáng 20-5, tại Hội trường Diên Hồng, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Trong phiên họp buổi sáng ngày 20-5, Quốc hội tiến hành các nội dung: nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Các ĐBQH thảo luận tại hội trường Diên Hồng.
Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Đào Chí Nghĩa - Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ, thể hiện quan điểm rất đồng tình và thống nhất với cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn để sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Doanh nghiệp như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu cho rằng, các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển.

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) phát biểu tại buổi thảo luận ở hội trường.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, ĐBQH Đào Chí Nghĩa đóng góp vào điểm c, khoản 1, Điều 1 của dự thảo Luật (“c) Sửa đổi, bổ sung khoản 16 quy định về Giấy tờ pháp lý của cá nhân là một trong các loại giấy tờ sau đây: thẻ Căn cước, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu, giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác…”). Quy định này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành về giấy tờ tùy thân tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cụm từ “giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác” khá chung chung, dễ gây nhầm lẫn. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung, làm rõ “giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác” bằng cách liệt kê cụ thể (ví dụ: giấy phép lái xe, giấy xác nhận nhân thân do cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.
Tại điểm d), khoản 1, Điều 1 của dự thảo Luật quy định: chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là cá nhân sở hữu thực tế vốn điều lệ hoặc có quyền chi phối doanh nghiệp, trừ người đại diện sở hữu nhà nước. Quy định này phù hợp với xu hướng quốc tế và minh bạch hóa quyền sở hữu. Tuy nhiên, việc xác định “có quyền chi phối đối với doanh nghiệp” còn mơ hồ, dễ gây khó khăn trong thực thi. Do đó, ĐBQH Đào Chí nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung, làm rõ tiêu chí xác định “có quyền chi phối đối với doanh nghiệp” (ví dụ: tỷ lệ sở hữu, quyền biểu quyết, quyền bổ nhiệm nhân sự…).
Tại khoản 13, của dự thảo Luật có quy định: “13. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 33 như sau: “1a. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và Cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp được lưu giữ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để phục vụ công tác về phòng, chống rửa tiền”. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quyền đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi để phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng thông tin chủ sở hữu hưởng lợi là dữ liệu nhạy cảm, cần có giới hạn truy cập và nguyên tắc bảo mật rõ ràng để tránh lạm dụng và bảo vệ quyền riêng tư. Do đó, đại biểu Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo, nghiên cứu bổ sung quy định, với nội hàm cụ thể như sau: “Việc cung cấp thông tin phải tuân thủ quy định về bảo mật dữ liệu và chỉ thực hiện cho các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”
Bên cạnh đó, tại khoản 24, Điều 1 của dự thảo Luật có quy định: UBND cấp tỉnh không chỉ thực hiện các nhiệm vụ như tổ chức đăng ký doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp mà còn phải ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh: Điều này nhằm chuẩn hóa và minh bạch hóa quy trình kiểm tra, giám sát, đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong quản lý. Quy định này nhấn mạnh việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước (ví dụ: cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý ngành) để quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp tại địa phương và để quy định của luật được rõ ràng, chặt chẽ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và hạn chế tiêu cực.
Đồng thời, ĐBQH Đào Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ hơn về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng lớn trong công ty cổ phần, cụ thể: Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 có sự chồng chéo về thầm quyền phê duyệt hợp đồng lớn trong công ty cổ phần, nhưng dự thảo Luật chưa đề cập để sửa đổi tại Điều 138. Quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông và Điều 153. Hội đồng quản trị, vốn là hai điều chồng chéo về thẩm quyền của Hội đồng quản trị và Đại hội cổ đông.
LÂM TÂN