26/08/2018 - 17:01

Đô thị Cần Thơ - 15 năm “thay da đổi thịt” 

Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã ra sức phấn đấu và đã đạt được các tiêu chí đô thị loại 1. Thời gian qua, lần lượt các quy hoạch đã được phê duyệt để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị của TP Cần Thơ. Nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư cũng đã được triển khai xây dựng, hình thành nên các khu đô thị hiện đại, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, phát triển thành phố, từng bước thay đổi bộ mặt đô thị của TP Cần Thơ theo hướng văn minh, hiện đại...

Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Triển khai thực hiện trên tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 12-2-2005 của Bộ Chính trị, TP Cần Thơ xác định công tác quy hoạch xây dựng thành phố theo hướng văn minh, hiện đại rất quan trọng. Theo đó, Quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006, là cơ sở cho thành phố triển khai cụ thể các bước xây dựng và phát triển thành phố. Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28-8-2013). Sau khi có Quy hoạch chung TP Cần Thơ, thành phố đã tổ chức lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và các quy hoạch phân khu đô thị để làm cơ sở định hướng phát triển đô thị TP Cần Thơ: xác định các dự án đầu tư phát triển đô thị, cơ sở để lập khu vực phát triển đô thị, đầu tư đồng bộ hạ tầng chung của đô thị (hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) theo định hướng quy hoạch chung…

TP Cần Thơ tập trung mọi nguồn lực phát triển đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

Có thể nói, từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trải qua 15 năm phát triển, TP Cần Thơ đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các đề án, chương trình, dự án đầu tư, dự án kêu gọi đầu tư để tăng cường cơ sở hạ tầng, từng bước nâng chất và mở rộng các khu đô thị hiện hữu, xây dựng khu đô thị mới. Qua đó, bộ mặt đô thị của thành phố đã “thay da đổi thịt”, ngày càng văn minh, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Cần Thơ cũng đã chính thức được công nhận là đô thị loại 1 vào năm 2009. Đây là thước đo cho quá trình phát triển của thành phố.

Theo Sở Xây dựng thành phố, về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay ngành xây dựng thành phố đã triển khai lập quy hoạch cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn, quy hoạch nghĩa trang (các đồ án quy hoạch này đã được phê duyệt); còn các đồ án quy hoạch cao độ nền, cây xanh, chiếu sáng đang trong quá trình thực hiện… Về các quy hoạch phân khu đô thị của 5 quận, UBND thành phố cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt…

Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ninh Kiều đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được duyệt, UBND thành phố yêu cầu phát huy và khai thác hiệu quả các giá trị đặc thù của đô thị Ninh Kiều (vật thể, phi vật thể) đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của quận, thành phố. Xác định cấu trúc tổ chức không gian đô thị; các dự án phát triển đô thị; hệ thống hạ tầng khung để triển khai các dự án đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng và kiểm soát sự phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch trên địa bàn quận. Đô thị quận Ninh Kiều phải liên kết chặt chẽ với quận Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền về mặt không gian và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Bình Thủy đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 quận Bình Thủy cũng xác định đây là đô thị có đặc thù cảnh quan sông nước, văn hóa đặc trưng miệt vườn vùng ĐBSCL gắn với lịch sử hình thành và phát triển; có vùng nông nghiệp đô thị, vùng đệm cảnh quan và môi trường của Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều - Bình Thủy; phát triển kinh tế gắn với thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái. Có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị đầu mối cấp thành phố, cấp vùng (cảng, sân bay quốc tế, hệ thống giáo dục - đào tạo chất lượng cao)…

Còn quận Ô Môn là đô thị gắn kết với khu đô thị trung tâm của TP Cần Thơ; trung tâm công nghiệp chuyên ngành, công nghệ cao, công nghiệp điện năng cấp vùng. Đồng thời, đây là khu đô thị mới của TP Cần Thơ về lâu dài; là đầu mối giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy - cảng tổng hợp cấp vùng, trung tâm giao dịch quốc tế, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm tài chính, thương mại- dịch vụ cấp quốc gia và cấp thành phố… Thốt Nốt là khu đô thị của TP Cần Thơ; trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản và công nghiệp phụ trợ; trung tâm kho vận cấp vùng; trung tâm thương mại-dịch vụ của thành phố và cấp vùng; trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan trên sông Hậu, các khu ở tập trung và ở sinh thái…

Đối với khu đô thị hiện hữu - quận Ninh Kiều và Bình Thủy, thời gian qua đã có nhiều dự án được đầu tư xây dựng hoàn thành, góp phần rất lớn vào việc nâng chất đô thị khu vực trung tâm thành phố. Đó là dự án đường Mậu Thân sân bay (đường Võ Văn Kiệt), nâng cấp và mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ, nâng cấp Đại lộ Hòa Bình, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ; các siêu thị và trung tâm thương mại hình thành: Lotte Mart, Co.opmart, Vincom - tòa tháp cao nhất Cần Thơ với 30 tầng, khách sạn Mường Thanh… Ngoài ra, các dự án nâng cấp đô thị (dự án 1, dự án 2 và dự án 3) được triển khai thực hiện thời gian qua cũng đã, đang và sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị khu vực trung tâm thành phố. Trong đó, có các công trình nổi bật đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: công viên Lưu Hữu Phước, công viên Hùng Vương, hồ Xáng Thổi, cải tạo Rạch Tham Tướng, cải tạo các tuyến hẻm…

Đới với Khu đô thị Nam Cần Thơ - quận Cái Răng, khu đô thị mới này đến nay đã có nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư đã được đầu tư cơ bản; tất cả các dự án này đều mang dáng vóc một đô thị hiện đại như: khu dân cư Hưng Phú, Nam Long, khu Phú An.... Theo đánh giá của ngành chức năng TP Cần Thơ, Khu đô thị Nam Cần Thơ từng bước được hình thành, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho cư dân đô thị; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dần được xây dựng; nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập thấp bước đầu được hình thành.

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, Khu đô thị Nam Cần Thơ có tổng diện tích là 2.081,6ha. Hiện nay, khu đô thị này có 33 dự án (gồm dự án khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư và các dự án khác) của 26 nhà đầu tư, với diện tích đã quy hoạch là 1.365,5ha. Trong đó, Sở Xây dựng được giao quản lý 23 dự án, 18 nhà đầu tư, diện tích theo quy hoạch 1.061ha; đến nay có 10 dự án thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt từ 80-90%, 9 dự án đạt từ 50% đến dưới 80%, 4 dự án dưới 50%. Ngoài ra, ở các quận, huyện còn lại của thành phố, nhiều khu trung tâm thương mại, đô thị, khu dân cư mới cũng được “mọc lên” gần đây, qua đó phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng như chỉnh trang đô thị ở địa phương.

Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết định hướng tới, ngành xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, rà soát điều chỉnh bổ sung các quy hoạch phục vụ đầu tư phát triển trên địa bàn… Trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư của TP Cần Thơ trong thời gian tới, ngành xây dựng có 21 dự án khu đô thị, khu dân cư, công trình kêu gọi đầu tư và đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Các dự án này khi được đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ tạo được bộ mặt mới cho đô thị Cần Thơ.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết