15/11/2012 - 21:55

Đề nghị tăng cường quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đề nghị bộ, ngành chức năng có biện pháp tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (LĐNNLVTVN). Công văn trả lời của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, như sau:

Theo báo cáo của các địa phương, số lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc những năm gần đây tăng đáng kể, cụ thể: Năm 2010 có 56.929 người; năm 2011 có 78.440 người.

Trong thời gian qua, công tác quản lý LĐNNLVTVN ngày càng được tăng cường, các văn bản vi phạm pháp luật quy định việc tuyển dụng, quản lý LĐNNLVTVN được ban hành đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, pháp luật về đấu thầu mới quy định việc mời thầu, dự thầu, chấm thầu chưa quy định về tổ chức thực hiện và giám sát quy trình thực hiện các gói thầu hoặc dự án đã trúng thầu; cơ chế xử lý đối với nhà thầu không thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam về lao động nước ngoài khi tham gia đấu thầu, chấm thầu. Bộ Y tế cũng chưa có hướng dẫn mẫu, nội dung và cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sức khỏe, thời hạn sử dụng giấy chứng nhận sức khỏe của lao động nước ngoài. Bộ Công thương chưa có hướng dẫn căn cứ, trình tự, thủ tục để xác định đối tượng là lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi các ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với tổ chức Thương mại Thế giới. Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu nước ngoài chưa thực hiện kê khai trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về phương án sử dụng lao động Việt Nam và lao động nước ngoài theo quy định. Mặt khác, vẫn còn nhiều trường hợp lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc rồi mới làm các thủ tục để được cấp phép lao động, khi đến Việt Nam không chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ để xin giấy phép lao động;… khi được cơ quan chức năng yêu cầu thì đưa ra nhiều lý do để trì hoãn hoặc khó khăn trong thực hiện…

Nguyên nhân các doanh nghiệp, tổ chức và lao động nước ngoài chưa chấp hành các quy định của pháp luật là do chưa nghiên cứu và nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về việc tuyển dụng, quản lý LĐNNLVTVN. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của cả người lao động và người sử dụng lao động thấp hoặc cố tình không thực hiện các quy định về sử dụng lao động người nước ngoài; chế tài xử lý, xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe và buộc người sử dụng lao động và người lao động phải thực hiện; các biện pháp cưỡng chế chưa cương quyết;…

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý LĐNNLVTVN, trong thời gian tới cần hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến LĐNNLVTVN; tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật của nhà thầu nước ngoài, chủ đầu tư phía Việt Nam, của lao động nước ngoài và các cơ quan, tổ chức liên quan. Tổ chức rà soát và hoàn thiện chương trình phối hợp về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở địa phương và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý LĐNNLVTVN.

Chia sẻ bài viết