14/01/2015 - 21:42

Đề nghị tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng

Cử tri huyện Thới Lai đề nghị tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi cho người dân. Nội dung trả lời của Sở Công thương thành phố, như sau:

Để phòng ngừa và đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại trên thị trường có hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các cơ sở sản xuất và người tiêu dùng; bảo đảm cho các hoạt động kinh doanh trên thị trường đúng theo quy định của pháp luật, cần thực hiện một cách đồng bộ một số giải pháp sau:

1. Hoàn chỉnh khung pháp lý thông qua việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo thực thi có hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại trên thị trường, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình:

- Phải nâng cao ý thức cộng đồng về công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại trên thị trường và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ cần được triển khai thường xuyên cùng với việc triển khai đào tạo về quyền sở hữu trí tuệ một cách có hệ thống. Mục đích là “giảm cầu” đối với hàng giả thông qua việc cung cấp các tiêu chí để người tiêu dùng phân biệt được hàng thật và hàng giả; tác động để người tiêu dùng đóng vai trò chủ động trong việc tố giác vi phạm với các cơ quan chức năng, thực hiện xã hội hóa công tác đấu tranh chống hàng giả.

- Nêu cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng và tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ.

3. Tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các lực lượng chức năng và các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại trên thị trường, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

- Trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại trên thị trường, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu cũng như phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Sự tham gia của doanh nghiệp có hàng hóa bị xâm phạm có ý nghĩa quyết định. Doanh nghiệp chính là đơn vị sẽ xác định tính hợp pháp của sản phẩm, cung cấp các tài liệu, chứng cứ, dấu hiệu để cơ quan chức năng phân biệt hàng hóa vi phạm với hàng giả; với đội ngũ nhân viên thị trường đông đảo và có nghiệp vụ sâu về hàng hóa của mình, phát hiện kịp thời hàng hóa của doanh nghiệp bị làm nhái, làm giả, xâm phạm quyền trên thị trường thì doanh nghiệp chính là đơn vị sẽ cung cấp thông tin về đối tượng vi phạm cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng ngừa và chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về sở hữu trí tuệ. Chú trọng và tăng cường vai trò của Tòa án Nhân dân về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tiến tới giải quyết những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu bằng con đường tư pháp.

5. Tăng cường năng lực thực thi, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các lực lượng chức năng.

Nâng cao năng lực của các lực lượng chức năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời tổ chức lại công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo tính thống nhất và sự phối hợp nhằm phát huy đạt hiệu quả trong lĩnh vực này;

Với việc triển khai một cách đồng bộ các giải pháp pháp nêu trên và sự quan tâm, tham gia của các cấp, các ngành và của toàn xã hội, trong thời gian tới hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại trên thị trường, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ được nâng cao, góp phần xây dựng một thị trường trong sạch hơn, lành mạnh hơn trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ bài viết