14/04/2013 - 20:02

Đề nghị cho biết giải pháp để đến năm 2015 tỷ lệ hộ dân ở nông thôn sử dụng nước sạch đạt 88%

Đại biểu HĐND và cử tri thành phố đề nghị UBND thành phố cho biết những biện pháp chỉ đạo, điều hành để đến năm 2015, tỷ lệ dân số ở nông thôn sử dụng nước sạch đạt 88% và tỷ lệ hộ dân ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 99%. Nội dung công văn trả lời của UBND thành phố như sau:

Tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 80,03%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 42,45%. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức thực hiện Quyết định số 366/QĐ-TTg, ngày 31-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015; thành phố sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

-Kiện toàn Ban Điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố giai đoạn 2013-2015; chỉ đạo ban hành quy chế làm việc để tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát chặt chẽ, định kỳ tổng kết, báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu đề ra,…

-Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thu hút người dân tích cực tham gia hưởng ứng.

-Vận động nguồn vốn hỗ trợ trong và ngoài nước để nâng cấp và mở rộng các công trình cấp nước; ưu tiên đầu tư xây dựng mới kết hợp với nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và nguồn ngân sách địa phương cân đối bố trí hàng năm; tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án ODA, tổ chức phi chính phủ,…

-Đối với các hộ nghèo khu vực nông thôn ở những nơi đã có đường ống cấp nước đi qua: Tiếp tục xin hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước miễn phí từ các nguồn, như: Quỹ vì người nghèo, Chương trình viện trợ không hoàn lại dành cho địa phương của Chính phủ Nhật Bản…

-Đối với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các công trình cấp nước: Chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp vối Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Cần Thơ để tận dụng công suất của các nhà máy nước lớn hỗ trợ nâng cấp mở rộng mạng lưới đường ống; kêu gọi đầu tư, vận động nhân dân đóng góp, thực hiện xã hội hóa công tác cấp nước sạch,…

Ngoài ra, đối với các địa phương có nhu cầu bức xúc, nhưng không có kinh phí đầu tư công trình cấp nước, thì nghiên cứu thực hiện theo hình thức cộng đồng góp vốn đầu tư xây dựng, như: Mô hình tổ hợp tác, hộ dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội góp vốn cổ phần,...

Chia sẻ bài viết