23/04/2008 - 09:34

Để hàng tỉ USD khám chữa bệnh không chảy ra nước ngoài

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm nước ta có khoảng 30.000 người có thu nhập cao ra nước ngoài vừa đi du lịch, vừa chữa bệnh, với tổng chi phí gần 1 tỉ USD. Đây là tín hiệu vui, chứng tỏ một bộ phận cư dân ngày càng giàu lên, với nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cao hơn. Song, dưới góc độ kinh tế, Nhà nước đã mất đi một số tiền khá lớn, chỉ vì các bệnh viện trong nước không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của tầng lớp này!

“LÁNG GIỀNG” HỐT BẠC...

Đi du lịch với kết hợp chữa bệnh đang là “mốt” của một bộ phận những người giàu có trong nước. Hiện nay, ước tính mỗi tháng nước ta có khoảng 2.000-3.000 người ra nước ngoài để vừa du lịch vừa chữa bệnh, chủ yếu là sang Thái Lan và Singapore. Chỉ riêng Thái Lan, trung bình mỗi năm nước này đón khoảng 2 triệu khách tham gia tua du lịch chữa bệnh, trong đó có rất nhiều khách đến từ châu Âu, châu Mỹ và Việt Nam. Giá dịch vụ khám chữa bệnh ở Thái Lan chỉ bằng 20% chi phí khám chữa tại các nước châu Âu. Hầu hết các hệ thống dịch vụ khám chữa bệnh cho khách du lịch ở Thái Lan đều do khối dân doanh đảm nhiệm, với cách làm rất chuyên nghiệp, bài bản, nhanh chóng. Còn Singapore, tuy phí dịch vụ đắt hơn Thái Lan khoảng 20-30%, nhưng các bệnh viện nước này lại nổi tiếng về sự sạch sẽ, có kỹ thuật cao, chi phí y tế chỉ bằng một nửa so với Mỹ. Ưu thế cạnh tranh nổi bật của Singapore là phát triển mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học trong khám chữa bệnh. Thậm chí, Philippines, một quốc gia mà năng lực về kinh tế và kỹ thuật y khoa cũng chẳng hơn gì Việt Nam, nhưng hiện cũng đã phát động chiến dịch toàn quốc mang tên “Philippines - điểm đến của du lịch chữa bệnh”. Chính phủ nước này dự tính mỗi năm có thể thu về khoảng 2 tỉ USD từ du lịch chữa bệnh... Rõ ràng du lịch kết hợp với chữa bệnh đang mang về nguồn ngoại tệ lớn cho nhiều quốc gia “láng giềng” quanh ta, với doanh thu mỗi năm hàng tỉ USD.

 Trong khi những người nghèo, có thu nhập thấp phải chen chúc, chờ đợi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện công tuyến tỉnh, huyện thì nhiều người giàu đã bay ra nước ngoài vừa du lịch, vừa khám chữa bệnh. Trong ảnh: Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: SONG NGUYỄN

Nhận biết được điều đó, hiện không ít công ty lữ hành trong nước đã phối hợp với một số công ty lữ hành quốc tế, chủ yếu là các công ty du lịch khu vực châu Á, tiến hành đưa khách đi du lịch kết hợp khám chữa bệnh. Công ty Viettravel là một ví dụ. Từ năm 2008, do lượng khách đăng ký tua du lịch chữa bệnh ở nước ngoài ngày càng đông nên công ty này quyết định tung ra tua du lịch chữa bệnh. Hiện công ty đã liên hệ với bệnh viện có tiếng ở Thái Lan và Singapore để thiết lập các tua loại này. Ngoài chi phí tua như bình thường, khách tham gia tua du lịch khám bệnh sẽ phải trả thêm tiền cho dịch vụ khám, chữa bệnh.

... LẼ NÀO TA CỨ ĐỨNG NHÌN?

Theo đánh giá của một số chuyên gia, xét về công nghệ, nhiều bệnh viện trong khu vực Đông Nam Á nhỉnh hơn chúng ta. Song, xét về mặt chuyên môn, tay nghề của bác sĩ thì chưa hẳn đã hơn chúng ta. Nhưng điều đáng nói là các bệnh viện của họ biết cách tiếp thị, đi sâu khai thác và đáp ứng nhu cầu khách hàng bằng cách kết hợp với ngành du lịch để kinh doanh theo hình thức du lịch chữa bệnh.

Còn Việt Nam, dù nhiều bệnh viện chưa quan tâm đến loại hình du lịch chữa bệnh, song thời gian qua, lượng khách châu Âu có nhu cầu tới Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo tua du lịch chữa bệnh đang tăng nhanh. Họ có nhu cầu cao về nghỉ dưỡng, chăm sóc da, phẫu thuật răng, mũi, mắt... Lý do hút họ đến cũng đơn giản: vì các chuyên gia của Việt Nam có tay nghề không kém gì các chuyên gia trong khu vực Đông Nam Á. Thêm vào đó, trình độ công nghệ của một số bệnh viện lớn đã được cải thiện đáng kể, giá thành lại khá rẻ. Chẳng hạn, một ca phẫu thuật mắt hay phẫu thuật mũi ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh (bao gồm cả dịch vụ chăm sóc hậu phẫu trong 7 ngày) chỉ khoảng 300- 500 USD. Trong khi đó, nếu thực hiện ở Mỹ phải tốn tới 2.000- 4.000 USD, còn châu Âu khoảng 1.700- 3.500 USD. Không chỉ có thế, đối với Việt Nam, theo đánh giá của chuyên gia y khoa, có một loại hình chữa bệnh rất hữu hiệu mà nếu biết khai thác thì sẽ hút khách hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á- đó là châm cứu...

Giá rẻ, khách nước ngoài quan tâm đến du lịch khám bệnh của Việt Nam là vậy, nhưng hiện tại ở nước ta, rất ít các bệnh viện biết kết hợp với các công ty du lịch để xúc tiến hình thức kinh doanh mới mẻ, hiệu quả này. Đến nay, chỉ mới manh nha xuất hiện tua du lịch chữa bệnh ở Bệnh viện Châm cứu của GS. Nguyễn Tài Thu, nhưng quy mô tương đối nhỏ. Còn hầu hết các bệnh viện khác, thậm chí những bệnh viện có thương hiệu, có tiềm lực về công nghệ, đội ngũ y, bác sĩ như: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy..., gần như vẫn đứng ngoài cuộc.

Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 1.047 bệnh viện (kể cả bệnh viện tư nhân) với 127.000 giường bệnh. Các bệnh viện tuyến dưới từ huyện đến tỉnh hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, trong khi các bệnh viện tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải. Đã thế, cơ chế quản lý còn mang tính hành chính, nên dẫn đến việc các bệnh viện có tiềm năng đang bị bó buộc. Còn các bệnh viện, phòng khám tư nhân, tuy rằng mấy năm qua ở các đô thị lớn mọc lên ngày càng nhiều (chủ yếu là của các bác sĩ về hưu, bác sĩ đang làm tại các bệnh viện công), nhưng chỉ dừng lại việc khám thông thường, siêu âm, chụp X.quang, kê toa... Những khâu phức tạp hơn liên quan đến phẫu thuật, kỹ thuật điều trị cao vẫn phải qua các bệnh viện công Trung ương. Ngay cả TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, bệnh viện tư nhân cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, bệnh viện lớn nhất quy mô cũng chỉ 200 giường bệnh. Còn ở Hà Nội, số bệnh viện tư nhân có quy mô tương tự ít hơn nhiều...

Rõ ràng so với nhiều nước trong khu vực, chúng ta đã “chậm chân” trong việc kết hợp du lịch với khám, chữa bệnh để thu hút ngoại tệ. Song, không phải đã hết cơ hội. Cái chính bây giờ là thế nào có cơ chế đủ hấp dẫn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xây dựng các bệnh viện đẳng cấp cao. Các bệnh viện đó không những đáp ứng các nhu cầu khám chữa bệnh trong nước mà còn có thể kết hợp với ngành du lịch, với các hãng lữ hành quốc tế phục vụ việc du lịch chữa bệnh một cách hoàn hảo nhất. Có làm tốt điều đó, thì mỗi năm chúng ta không bị “lãng phí” cả tỉ USD mang ra nước ngoài chữa bệnh mà còn có thể thu hút hàng tỉ USD từ các tua du lịch khám chữa bệnh. Muốn giữ những đồng tiền đó ở lại trong nước và hút các đồng tiền khác đổ vào Việt Nam theo hình thức du lịch chữa bệnh, thiết nghĩ cần có một quy hoạch, chiến lược, hành động cụ thể ngay từ bây giờ!

ĐỨC HẠNH

Chia sẻ bài viết