15/12/2011 - 08:21

Phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Đề cao trách nhiệm trong việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật

(TTXVN)- Tiếp tục phiên họp thứ tư, sáng 14-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và dự án Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.

Theo tờ trình của Chính phủ, trong những năm qua, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quyền của người dân, đáp ứng các yêu cầu quản lý của Nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới ở nước ta. Song, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều chủ thể ban hành nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật, khó xác định còn hiệu lực hay đã hết, nhiều văn bản mâu thuẫn, chồng chéo... Đây chính là cơ sở để Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật ra đời nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước ở trung ương tiến hành rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật theo một trật tự hợp lý và dễ dàng tra cứu thành Bộ pháp điển.

Chiều cùng ngày, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng, chống rửa tiền và Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị về dự án Luật phòng, chống rửa tiền, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung: Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật; tính thống nhất của hệ thống pháp luật và sự tương thích với điều ước quốc tế; mô hình Cơ quan phòng chống rửa tiền; bảo đảm quyền bí mật riêng tư của cá nhân...

Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật, qua thảo luận tại Tổ và Hội trường tại kỳ họp thứ hai, một số ý kiến nhất trí về phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả nội dung về “tài trợ khủng bố” như dự án Luật trình Quốc hội. Một số ý kiến đề nghị chỉ nên có 1 Chương hoặc một vài điều quy định về tài trợ khủng bố trong Luật này. Có ý kiến đề nghị đổi tên gọi của Luật là “Luật phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố”. Nhiều ý kiến khác đề nghị không nên đưa nội dung “tài trợ khủng bố” vào Luật này mà để quy định trong Luật phòng, chống khủng bố sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2012 theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Thường trực Ủy ban Kinh tế có quan điểm nhất trí với đề nghị trong dự án Luật phòng, chống rửa tiền cần có quy định mang tính nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố, việc xử lý cụ thể sẽ theo quy định của Bộ luật hình sự và Luật phòng, chống khủng bố.

Về mô hình Cơ quan phòng chống rửa tiền (Điều 43), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ sự băn khoăn nếu quy định Cơ quan phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở lập luận Ngân hàng nhà nước chỉ là một trong những cơ quan tham gia phòng, chống rửa tiền, đại biểu đề nghị cần thảo luận, làm rõ nội dung này. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ không có một cơ quan độc lập nào có thể làm hết các công việc về phòng, chống rửa tiền. Mỗi một cơ quan khác nhau như ngân hàng, công an hay địa phương... đều có những công việc cụ thể trong hoạt động này. Vấn đề cần bàn đến trong dự án Luật là những nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan trong phòng chống rửa tiền, chức năng quản lý chung thuộc về Nhà nước...

Về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi (BHTG), các nội dung còn có ý kiến khác nhau đã được Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận, làm rõ, tập trung vào các vấn đề: Đối tượng áp dụng của Luật; Quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Quản lý nhà nước về BHTG và mô hình tổ chức BHTG; Mô hình hoạt động và chức năng giám sát của tổ chức BHTG; Loại tiền gửi được bảo hiểm; Phí bảo hiểm tiền gửi; Hạn mức trả tiền bảo hiểm; Thanh tra và khiếu nại về bảo hiểm tiền gửi...

Chia sẻ bài viết