22/01/2016 - 14:57

Dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao vị thế phụ nữ

Sau 5 năm (2011-2015) triển khai thực hiện, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) kết hợp với Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc thông qua Quỹ Phụ nữ và Gia đình quốc tế Hàn Quốc vừa tổ chức tổng kết Dự án Hỗ trợ xây dựng Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam (gọi tắt là Dự án) tại TP Cần Thơ tháng 12-2015. Với đa dạng hoạt động dạy nghề, tư vấn việc làm trong khuôn khổ dự án đã giúp phụ nữ có thu nhập ổn định. Qua đó giúp chị em từng bước khẳng định vị thế trong gia đình và xã hội, tự tin làm chủ bản thân, hướng đến đảm bảo bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực.

* Tự tin khẳng định

 Trung tâm DVVL TP Cần Thơ tổ chức lớp đào tạo nghề đan móc dành cho phụ nữ khuyết tật, từ nguồn kinh phí tài trợ của Bộ BĐG và Gia đình Hàn Quốc.

Tháng 10-2010, Bộ LĐ-TB&XH cùng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình (BĐG&GĐ) Hàn Quốc ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực BĐG nhằm thực hiện các biện pháp phù hợp để thúc đẩy và tăng quyền cho phụ nữ, tiến tới bình đẳng giới thực chất trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, năm 2011, Bộ BĐG&GĐ hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và triển khai mô hình Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam (gọi tắt là Trung tâm phụ nữ) tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ và tiếp tục nhân rộng tại Trung tâm DVVL tỉnh Thái Bình (năm 2013) và tại Quảng Nam (năm 2014). Để đạt mục tiêu trên, Dự án tập trung triển khai 4 nhóm hoạt động sau: nâng cao hiểu biết và kỹ năng vận hành mô hình Trung tâm phụ nữ đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm DVVL; nâng cao năng lực nghề nghiệp cho phụ nữ thông qua các lớp đào tạo nghề và các chương trình tư vấn; hướng đến xây dựng mô hình doanh nghiệp thân thiện với phụ nữ; đảm bảo tính bền vững và mở rộng việc xây dựng và vận hành mô hình Trung tâm phụ nữ bền vững, hiệu quả.

Sau 5 năm triển khai, Dự án đào tạo 405 lượt cán bộ các Trung tâm DVVL về kiến thức, kỹ năng vận hành mô hình Trung tâm phụ nữ; kỹ năng tư vấn nghề và thiết kế việc làm cho phụ nữ; tổ chức các lớp tư vấn nhóm cho 800 lượt người, 27 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.000 phụ nữ, 114 chuyến xe tư vấn việc làm lưu động. Qua đó gần 3.000 phụ nữ tìm được việc làm sau các chương trình tư vấn và đào tạo nghề, tác động trực tiếp, thiết thực, góp phần nâng cao tỷ lệ phụ nữ được học nghề, có việc làm và tăng thu nhập ở các địa phương thực hiện dự án. Ngoài ra, Dự án thí điểm triển khai một số mô hình cung cấp dịch vụ dành cho phụ nữ…

Tại TP Cần Thơ, hoạt động nổi bật của Dự án năm 2015 là triển khai mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi sự doanh nghiệp thông qua mô hình vườn ươm doanh nghiệp nữ. Trung tâm DVVL thành phố tuyển chọn 10 phụ nữ tham gia để hỗ trợ và thực hiện bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp nhỏ. Qua khóa học, chị em được tiếp cận và tìm hiểu các nội dung như: hiểu biết về khách hàng, phân tích marketing; doanh thu và chi phí; quản lý nhân sự, quản lý tài chính cho doanh nghiệp; giới và vấn đề BĐG trong lĩnh vực kinh tế - lao động; thủ tục đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; hoạt động xúc tiến thương mại và lợi thế cạnh tranh.

 Các đại biểu ngành, đơn vị chức năng Việt Nam và Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Tổng kết Dự án Hỗ Trợ Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2011-2015 tổ chức tháng 12-2015.

Đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và doanh nghiệp, Trung tâm DVVL thành phố tổ chức lớp đào tạo nghề thiết kế đồ họa cho 33 lao động nữ và đang tư vấn, kết nối tìm việc làm cho học viên với các cơ sở tư nhân, doanh nghiệp có nhu cầu. Kế tiếp là mở lớp đào tạo kỹ năng bán hàng cho 47 phụ nữ. Bạn Trần Thị Thùy Linh, quê ở Đồng Tháp (học sinh Trường Trung cấp Phạm Ngọc Thạch), là học viên lớp kỹ năng bán hàng, cho biết: "Đến lớp học này, em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cơ bản, bổ ích về bán hàng cũng như từng bước hình thành ý tưởng kinh doanh cửa hàng chuyên về hoa giấy, hoa voan sau này". Riêng chị của Thùy Linh được chọn tham gia mô hình vườn ươm doanh nghiệp nữ. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP Cần Thơ, cho biết: "Kết thúc lớp học, Trung tâm thực hiện các đợt kết nối việc làm với các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần đá quý Phú Nhuận (PNJ); Shop thú nhồi bông Phượng; Công ty Cổ phần Pacific Wood; Chi nhánh Công ty TNHH vàng, bạc, đá quý Ngọc Thẫm… Kết quả có 38 học viên có việc làm, chiếm tỷ lệ 81%.

Một điểm "nhấn" đáng quan tâm của Dự án là việc Trung tâm DVVL thành phố mở lớp nghề đan móc cho 24 phụ nữ khuyết tật có nhu cầu học nghề, việc làm. Bạn Ôn Thị Hồng Nhan, người khuyết tật tham gia học nghề đan móc, bày tỏ: "Em rất thích học nghề này vừa phù hợp với điều kiện bản thân, vừa có thể làm và bán sản phẩm, có thu nhập để tự lập, không dựa vào gia đình". Kết thúc lớp học, DNTN Hoa Đan Móc (đơn vị đào tạo) tạo điều kiện cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm đan móc các loại, đảm bảo thu nhập cho một số học viên. Đồng thời Trung tâm DVVL thành phố thành lập trang facebook mang tên "Chương trình hỗ trợ phụ nữ khuyết tật TP Cần Thơ bán sản phẩm thủ công" để quảng bá sản phẩm và bán hàng trực tuyến cho khách hàng. Thời gian tới, Trung tâm thành lập tổ đan móc, thu hút học viên tham gia sinh hoạt tập thể và tiếp tục hành nghề để có thể tự tin hòa nhập cộng đồng.

Năm 2015, Trung tâm DVVL TP Cần Thơ duy trì tốt các mô hình triển khai thực hiện các năm trước như: Job – café; call – center; xe tư vấn việc làm lưu động; chương trình tư vấn nhóm. Trong đó, 62 chuyến xe tư vấn việc làm lưu động 3 năm qua (2013-2015) góp phần "chuyên chở" nhiều thông tin về cơ hội học nghề, việc làm trong và ngoài nước đến với lao động nữ ngoại thành. Qua đó thu hút 2.214 lượt lao động (1.442 lao động nữ) tham gia và kết nối thành công việc làm cho 875 lao động (575 lao động nữ)…

* Hướng đến đảm bảo bình đẳng giới

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Dự án có tác động và sức lan tỏa, góp phần nâng cao năng lực cán bộ; mang lại lợi ích thiết thực cho lao động nữ; xây dựng một số mô hình dịch vụ thân thiện dành cho phụ nữ; đóng góp tích cực cho việc xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách về bình đẳng giới ở Việt Nam; nâng cao nhận thức về thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ ở Việt Nam. Đồng thời kiến nghị các địa phương thực hiện dự án, thời gian tới, quan tâm bố trí nguồn lực duy trì và phát triển các hoạt động mô hình. Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ BĐG Bộ LĐ-TB&XH, lưu ý, với những kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua, các Trung tâm DVVL tiếp tục nghiên cứu phát huy và nhân rộng các hoạt động phù hợp, để mô hình Dự án trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều phụ nữ. Tại hội nghị tổng kết, đại diện Ban Hợp tác quốc tế Bộ BĐG&GĐ Hàn Quốc; đại diện Quỹ Phụ nữ và Gia đình quốc tế Hàn Quốc đánh giá cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập 5 năm qua cũng như hoan nghênh sự đóng góp, tạo điều kiện của các địa phương để Dự án triển khai thực hiện đúng tiến độ và đạt yêu cầu. Đồng thời tin tưởng các Trung tâm DVVL tiếp tục phát huy nội lực duy trì và mở rộng các hoạt động thiết thực, bổ ích để thu hút ngày càng nhiều phụ nữ tham gia học nghề, có việc làm.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Trung tâm DVVL TP Cần Thơ, năm 2016, Trung tâm chính thức hoạt động tại trụ sở làm việc mới (số 160, đường 30-4 (rẽ phải vào Bờ kè Tham Tướng), phường An Phú, quận Ninh Kiều rộng rãi, khang trang, thuận tiện triển khai các giải pháp duy trì và phát huy các hoạt động. Đó là nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức cũng như dịch vụ do Trung tâm cung cấp trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu khách hàng, xã hội tại địa phương và các tỉnh, thành lân cận. Đồng thời tiến đến nâng dần tần suất hoạt động sàn giao dịch việc làm Cần Thơ để có thể tổ chức phiên giao dịch việc làm hàng tuần đầu năm 2016, và tiến tới thực hiện phiên giao dịch việc làm hàng ngày. Từ năm 2016, tổ chức các hình thức mới như: Trại hè việc làm; Làm quen với nhà tuyển dụng, Câu lạc bộ người tìm việc, Góc việc làm; đa dạng hóa các hình thức thông tin, tư vấn trực tuyến, trực quan và trực tiếp; lồng ghép chương trình tư vấn nhóm vào các lớp đào tạo nghề do Trung tâm và các trường đào đạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức. Trung tâm DVVL thành phố kiến nghị, Bộ BĐG&GĐ Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ đơn vị nâng cao nghiệp vụ, công tác đào tạo, quản lý; Vụ BĐG hỗ trợ bằng nhiều hình thức, giúp nhân viên đơn vị nâng cao nghiệp vụ tư vấn, quản lý. Riêng Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lồng ghép chương trình tư vấn nhóm, hỗ trợ kỹ năng tìm kiếm việc làm, tăng số lượng học viên có việc làm sau đào tạo…

Qua triển khai thành công dự án, ngoài đóng góp thiết thực nâng cao vị thế phụ nữ, thúc đẩy BĐG, còn góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết