24/01/2024 - 07:55

PGS.TS Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ:

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xây dựng chương trình đào tạo 

 

Là trường đại học chuyên ngành y dược lớn nhất ĐBSCL, gần 45 năm qua kể từ khi tách ra từ Khoa Y - Nha - Dược thuộc Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Cần Thơ đã đào tạo hàng chục ngàn cán bộ y tế cho vùng. Trường đã xây dựng nền tảng vững chắc cho các hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT), nhất là xây dựng chương trình chuẩn quốc tế, thu hút sinh viên, học viên các nước theo học tại trường. PGS.TS Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHYD Cần Thơ, cho biết thêm:

-Trường ĐHYD Cần Thơ có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, Trường ĐHYD Cần Thơ đào tạo 10 ngành bậc đại học, 90 ngành sau đại học và hơn 100 chương trình đào tạo ngắn hạn. Trong đó, những năm qua trường đã đào tạo ngắn hạn và dài hạn các chuyên ngành sức khỏe (Y, Dược, Y tế công cộng, Răng hàm mặt, Điều dưỡng, Kỹ thuật y học, Y học cổ truyền…) cho nhiều sinh viên quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Chilê, Anh, Bỉ, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Campuchia, Đài Loan…  Năm học 2023-2024, trường đã tuyển sinh hơn 4.000 sinh viên bậc đại học và sau đại học, đặc biệt trong đó có 200 sinh viên Ấn Độ học ngành Bác sĩ Y khoa tại trường.

Riêng đào tạo Y khoa cho sinh viên quốc tế, chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh bao gồm 191 tín chỉ, kéo dài 6 năm học kết hợp thực hành lâm sàng tại các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL. Với đào tạo sau đại học, trường cũng đang cùng với ĐH Y Trung Sơn (Đài Loan) tuyển sinh thạc sĩ Quản lý bệnh viện và cùng ĐH Prince pf Songkla (Thái Lan) tuyển sinh thạc sĩ Chỉnh hình Răng mặt. Cùng với uy tín và chất lượng đào tạo gần 45 năm, Trường ĐHYD Cần Thơ là nơi được sinh viên trong nước và quốc tế tin tưởng khi theo học tại trường sẽ được đào tạo thành các bác sĩ giỏi.

* Thưa ông, việc mở đào tạo các chương trình đào tạo quốc tế tại trường có ý nghĩa như thế nào?

- Thật ra, Khoa Y - Nha - Dược thuộc Trường ĐH Cần Thơ đã có dự án của một tổ chức từ Hà Lan xây dựng chương trình đào tạo nhân lực cho khoa. Khi ấy chủ yếu là học hỏi nước bạn. Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập, cùng với sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của trường, đòi hỏi phát triển mạnh về HTQT. Việc đào tạo sinh viên quốc tế nằm trong chủ trương chung và có giá trị trong hội nhập. Bên cạnh việc tăng nguồn thu cho trường, các chương trình đào tạo quốc tế còn tác động tích cực đến sự phát triển theo chuẩn quốc tế trong đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất…; đồng thời tạo cơ hội giao lưu giữa sinh viên trong và ngoài nước.

Đối với TP Cần Thơ và ĐBSCL, đào tạo các chương trình quốc tế tại trường còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng thị trường lao động và phát triển khoa học, công nghệ của vùng; tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế.

Sinh viên Ấn Độ ngành Bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, trong giờ học nhóm. Ảnh: B.NG

* Để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo chương trình HTQT, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực ra sao, thưa ông?

- Chương trình đào tạo quốc tế và chương trình đang đào tạo tại Trường ĐHYD Cần Thơ có khác biệt nhất định. Các chương trình cho sinh viên quốc tế được giảng dạy bằng tiếng Anh. Trên cơ sở chương trình đào tạo hiện có, đối sánh với chương trình đào tạo của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước gửi sinh viên học tập tại trường; từ đó trường đã xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp cho sinh viên quốc tế và cũng tận dụng, phát huy được các nguồn lực hiện có tại trường.

Một trong những nguồn lực quan trọng là nhân lực, đội ngũ giảng viên có trên 85% đạt trình độ sau đại học. Tất cả các khoa và bộ môn đều có nhiều giảng viên học tập và tập huấn ở Hà Lan, Bỉ, Pháp, Úc, Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Philippines… Trường cũng hợp tác và mời giảng nhiều giáo sư ở nhiều chuyên ngành từ nhiều nước như Hoa Kỳ, Hà Lan, Pháp, Úc… giảng dạy với trường trực tiếp hoặc trực tuyến. Trường luôn chú trọng nâng cao cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Phòng học được trang bị máy điều hòa, bàn ghế được bố trí phục vụ cho phương pháp dạy - học tích cực. Thư viện được trang bị sách ngoại văn, cả sách in và các cơ sở dữ liệu trực tuyến phục vụ cho nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên.

Bên cạnh đó, trường có nhiều đội nhóm, câu lạc bộ hỗ trợ cho sinh viên trong việc học tập, vui chơi, giải trí. Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo với các chuyên gia từ trên 60 trường, viện của gần 20 quốc gia hợp tác với trường đến chia sẻ chuyên đề chuyên môn và kỹ năng mềm. Nhà trường cũng tham gia nhiều dự án quốc tế với các trường như ĐH Y Harvard, ĐH Georgia State (Hoa Kỳ), ĐH East Anglia (Anh Quốc)… nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. 

* Xin ông cho biết định hướng phát triển của trường trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao?

- Hiện tại, trường và nhiều chương trình giảng dạy bậc đại học đã kiểm định chất lượng. Trường cũng là thành viên liên kết của Mạng lưới các Trường ĐH ASEAN (AUN) và tham gia vào bảng xếp hạng UI GreenMetric các trường ĐH trên thế giới nhằm đóng góp cho cộng đồng trong việc thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong thời gian tới, các chương trình đào tạo của trường sẽ kiểm định quốc tế theo AUN-QA, WFME... nhằm hướng đến các chuẩn quốc tế và sự công nhận văn bằng quốc tế. Trường sẽ tận dụng nguồn lực hiện có cũng như quan hệ với đối tác trong và ngoài nước xây dựng các chương trình liên kết, chương trình chuẩn quốc tế ở bậc đại học, sau đại học, đào tạo liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực y tế chất lượng cao.

* Xin cảm ơn ông!

B.Ngọc (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết