12/02/2019 - 08:55

Đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt 

TP Cần Thơ là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL, thu hút nhiều tổ chức tín dụng đến mở chi nhánh hoạt động. Thời gian qua, các tổ chức tín dụng tập trung phát triển dịch vụ thanh toán hiện đại thông qua việc triển khai Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) giai đoạn 2017 - 2020 theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Khách hàng thực hiện thanh toán qua POS khi mua hàng hóa.

Cung ứng dịch vụ kịp thời

Để đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán của người dân, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Cần Thơ ngày càng quan tâm mở rộng, phát triển thẻ, ATM, nhất là POS; đồng thời luôn cải tiến, nâng cao chất lượng thanh toán qua POS và ATM, tạo điều kiện cho người sử dụng thẻ thanh toán được thuận lợi hơn. Theo ông Trần Long Giang, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ (Vietcombank Cần Thơ), trên địa bàn TP Cần Thơ, Vietcombank có 45 máy ATM đang hoạt động với tổng số thẻ ATM đã phát hành đang hoạt động khoảng 203.855 thẻ. Doanh số chuyển khoản ATM đạt 2.563.414 giao dịch với tổng số tiền trong năm là 7.259 tỉ đồng. Song song với việc phát triển dịch vụ thẻ, Vietcombank Cần Thơ không ngừng mở rộng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán thẻ qua POS. Hiện tại, Vietcombank Cần Thơ có 558 máy POS với 511 đơn vị chấp nhận thẻ; doanh số thanh toán đạt khoảng 606 tỉ đồng năm 2018. Các máy POS của Vietcombank Cần Thơ đã được kết nối liên thông và có thể chấp nhận thanh toán tất cả các loại thẻ của các ngân hàng, tạo nên mạng lưới thanh toán rộng lớn phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng.

Thực hiện Kế hoạch 10/KH-NHNN ngày 25-9-2017 của NHNN về phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua điểm chấp nhận thẻ giai đoạn 2017 - 2020 (Kế hoạch 10), NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ đã ban hành các văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT) tiếp tục phát triển mạng lưới, giao dịch thanh toán qua ATM và giao dịch thanh toán thẻ qua POS. Bên cạnh việc quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng thanh toán qua POS và ATM, hoàn thiện hạ tầng chấp nhận thanh toán thẻ tại điểm bán hàng, các TCCƯDVTT không ngừng cải tiến, áp dụng công nghệ thanh toán thẻ mới, hiện đại, có tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện lợi như thanh toán sử dụng công nghệ thẻ chip, thanh toán QR Code...

Theo ông Phạm Văn Nhiều, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, nhìn chung, các dịch vụ thanh toán ngày càng phát triển mạnh góp phần vào thực hiện chủ trương đẩy mạnh TTKDTM trên địa bàn TP Cần Thơ theo chỉ đạo của Chính phủ, của Thống đốc NHNN. Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán Liên ngân hàng của NHNN luôn được quan tâm nâng cấp, cải tiến về kỹ thuật, mở rộng thời gian, giảm phí thanh toán… đã trở thành hệ thống xương sống kết nối thanh toán các ngân hàng. Các TCCƯDVTT không ngừng đẩy mạnh phát triển thanh toán POS, Internet banking, SMS banking, Home banking..., theo đúng hướng chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN.

Thay đổi thói quen dùng tiền mặt

Dù hoạt động TTKDTM được ghi nhận có sự tăng trưởng về số lượng lẫn giá trị giao dịch trong những năm gần đây song thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các hoạt động giao dịch của người dân. Lý giải nguyên nhân này, một số TCCƯDVTT cho biết do lo ngại về sự an toàn trong giao dịch thanh toán qua kênh ngân hàng điện tử nên số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến còn thấp. Việc sử dụng tiền mặt còn phổ biến, nhất là thói quen mua sắm ở các sạp, chợ nhỏ, lẻ không có phương tiện thanh toán tiền hàng hóa bằng thẻ do dịch vụ hỗ trợ thanh toán chưa đồng bộ. Mặt khác, tội phạm công nghệ cao ngày nhiều, hoạt động tinh vi, nên không ít khách hàng e ngại việc bị đánh cắp thông tin tài khoản cũng như việc đảm bảo tính an toàn, bảo mật công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng. Ông Trần Long Giang, Giám đốc Vietcombank Cần Thơ, chia sẻ: Trở ngại lớn nhất trong việc phát triển nhanh TTKDTM chính là thói quen của người dân. Phần lớn người dân dùng ATM chỉ nhằm rút tiền mặt và có tâm lý ngại sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.

Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL nơi tập trung các hoạt động giao thương vô cùng sôi động. Hoạt động TTKDTM trên địa bàn tăng trưởng khá cao so cùng kỳ cả về cơ sở vật chất, số lượng và giá trị thanh toán. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục hoàn thiện và phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng gắn liền với việc đảm bảo an ninh mạng, đẩy mạnh TTKDTM theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thống đốc NHNN; đẩy mạnh phát triển dịch vụ TTKDTM kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng các dịch vụ, phát triển thêm các điểm chấp nhận thẻ nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.

Để phát triển TTKDTM, theo ông Phạm Văn Nhiều, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, các TCCƯDVTT nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, đặc biệt là quan tâm đến chất lượng mạng lưới ATM, POS, mPOS; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực hành chính công, nhất là các dịch vụ công theo quyết định 241/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai các hình thức thanh toán trực tuyến phục vụ chi tiêu công vụ của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; đa dạng hóa các hình thức thanh toán, áp dụng công nghệ mới để người dân dễ dàng TTKDTM nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, xa. Song song đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và quảng bá rộng rãi về những ưu điểm khi sử dụng việc thanh toán qua POS và các hình thức thanh toán khác (như internet, mobile, ví điện tử...) thay cho thanh toán tiền mặt như hiện nay. Đặc biệt là chú trọng vận động, khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng các phương tiện TTKDTM thông qua tài khoản, tích cực sử dụng dịch vụ thanh toán chuyển khoản trên máy ATM, qua POS, sử dụng các dịch vụ thanh toán hóa đơn định kỳ tại gia đình bằng các phương tiện thanh toán hiện đại.

Theo NHNN Chi  nhánh TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 46 tổ chức tín dụng với 256 điểm có giao dịch ngân hàng. Tính đến cuối năm 2018, các tổ chức tín dụng đã đầu tư lắp đặt và đưa vào hoạt động 374 máy ATM. Giá trị giao dịch thanh toán qua ATM (bằng tiền mặt) trong năm 2018 đạt 24.653 tỉ đồng, giảm 19,69% về số tiền so năm 2017. Đối với POS, đến cuối năm 2018, các tổ chức tín dụng đã trang bị 2.170 POS, tăng 18,45% so với năm 2017 (trong đó liên thông là 2.137 chiếc). Thanh toán giao dịch qua POS phát triển mạnh. Cụ thể, năm 2018, khách hàng thực hiện giao dịch qua POS 1.187.122 món với số tiền 2.285 tỉ đồng; tương ứng tỷ lệ tăng 59,20% về số món và 16,03% về số tiền so với năm 2017.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết