26/09/2022 - 22:53

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia 

(CT) - Ngày 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong 9 tháng đầu năm 2022 và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022.

Đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố, chủ trì tại điểm cầu TP Cần Thơ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu tại hội nghị.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 được Quốc hội quyết nghị trên 526.100 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 222.000 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 304.100 tỉ đồng. Nếu tính cả 16.000 tỉ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 trên 542.100 tỉ đồng. Tính đến ngày 23-9, tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trên 508.300 tỉ đồng, đạt 93,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ hơn 33.000 tỉ đồng (bằng 6,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao), chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương với 8/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN từ đầu năm đến ngày 30-9 là 253.100 tỉ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 gần 34.600 tỉ đồng, tăng khoảng 16% so với số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN 9 tháng năm 2021. Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt 48,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài đạt 19,03% kế hoạch. Có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, có đến 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó có 14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư. Đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.

Về tình hình phân bổ, giao kế hoạch vốn NSNN và tổ chức thực hiện 3 CTMTQG năm 2022 tại các địa phương, đến ngày 23-9 có 47/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 3 CTMTQG cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc, 5/52 địa phương mới giao kế hoạch vốn đầu tư, chưa giao kinh phí sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; 1/52 địa phương chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, thời gian tới, cần quan tâm tổ chức thực hiện hiệu quả, phát hiện kịp thời các khó khăn vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế chính sách, đến các vấn đề mới phát sinh tác động đến hoạt động đầu tư công. Phải nắm sát tình hình, thấu hiểu, chia sẻ, chung tay, chung sức đồng lòng thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Các địa phương, đơn vị chưa làm tốt, cần cố gắng hơn nữa, kiểm điểm, đánh giá nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm thuộc về ai. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Giải ngân đầu tư công tốt có tác động thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới, đáp ứng nhu cầu phát triển... Các bộ, ngành, địa phương cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện 3 CTMTQG. Đôn đốc kiểm tra, báo cáo Thủ tướng trong tháng 10-2022. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường bám sát chặt chẽ và hỗ trợ giải quyết kịp thời công tác kiểm tra các dự án liên quan đến điều chỉnh đơn giá nguyên vật liệu. Cần nâng cao kỷ luật kỷ cương, năng lực chuẩn bị các dự án, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tập trung vốn cho các dự án ưu tiên; đề xuất hướng giải quyết theo thẩm quyền đối với các dự án còn vướng mắc giải phóng mặt bằng tái định cư. Từ nay đến cuối năm, cần ưu tiên quyết liệt cho nhiệm vụ giải ngân đầu tư công và 3 CTMTQG. 

Tin, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết