19/04/2008 - 09:09

Phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Sáng 18-4, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, bảo hiểm y tế và chính sách cho vùng khó khăn.

Báo cáo kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã nêu bật những bất cập như: chưa huy động hết tiềm năng của xã hội và nhân dân tham gia chăm sóc sức khỏe, vẫn còn những khó khăn về thủ tục khám chữa bệnh, những yếu kém trong hoạt động y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm; mức độ hưởng thụ về chăm sóc sức khỏe khác nhau quá xa giữa nông thôn và thành phố, giữa miền núi với miền xuôi và giữa những người có mức thu nhập khác nhau... Hành lang pháp lý cụ thể cho chính sách xã hội hóa qua liên doanh, liên kết tại bệnh viện công mới chỉ dừng lại ở chủ trương, nghị quyết của Quốc hội, chưa có những quy định cụ thể trong luật hay trong pháp lệnh. Vì thế việc triển khai thi hành chính sách này còn gặp nhiều khó khăn...Riêng về vấn đề bảo hiểm y tế, hiện 42% dân số tham gia bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm y tế đóng góp gần 50% cho hoạt động của bệnh viện, chiếm 35% ngân sách hoạt động của ngành y tế. Tới đây, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm y tế với quan điểm bảo hiểm y tế là chính sách xã hội và sẽ tiến tới bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận, chất lượng dân số phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó phần quan trọng là đầu tư cho công tác y tế. Tuy nhiên hiện nay, tất cả những vấn đề này đều chưa được quan tâm một cách đầy đủ. “Nếu không được quan tâm đầy đủ chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu”, ông Thuận cảnh báo. Ông Thuận cho rằng Báo cáo giám sát chưa nêu được nguyên nhân tồn tại trong tổ chức bộ máy cán bộ, cũng như công tác đầu tư cho y tế tuyến dưới, đặc biệt là tuyến huyện và đề nghị cần đánh giá thật kỹ lưỡng, bởi ở tuyến này nếu tổ chức bộ máy hợp lý sẽ góp phần tăng cường công tác xã hội hóa.

Các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm về công tác phát triển cơ sở công lập để phát huy vai trò chủ động trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; khẳng định trong dịch vụ y tế công nhà nước phải giữ vai trò căn bản; đề nghị không nên cổ phần hóa cơ sở y tế công lập, cần triển khai mạnh cơ sở y tế tư nhân trong đó có hình thức cổ phần hóa...

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, việc triển khai thực hiện công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao quy mô và năng lực cung ứng dịch vụ của hệ thống y tế. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện làm cho trình độ kỹ thuật tế của Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước tiên tiến trong khu vực. Nhân dân, trong đó cả người nghèo cận nghèo, trẻ em, các đối tượng chính sách xã hội dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, kể cả kỹ thuật cao. Bước đầu thực hiện đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách y tế, chuyển từ cấp trực tiếp cho đơn vị cung cấp dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng thông qua chính sách bảo hiểm y tế. Tỷ trọng viện phí trực tiếp ngày càng giảm, tỷ trọng chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế ngày càng tăng. Tuy nhiên, cũng theo ông Triệu, kết quả triển khai công tác xã hội hóa y tế cũng chưa đạt được kết quả mong muốn, đó là việc phát triển xã hội hóa còn không đồng đều giữa các vùng và lĩnh vực, mới chủ yếu tập trung ở các vùng thành phố, khu vực đông dân và các lĩnh vực dễ thu hồi vốn. Các cơ sở y tế ngoài công lập chủ yếu có quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhiều cơ sở công lập chưa mạnh dạn thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tự chủ trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết