29/10/2011 - 21:33

Đẩy côn

Năm nay, bước qua tháng 9 ÂL nước đã tràn ngập trên đồng. Phần lớn đồng ruộng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch trước đây cả tháng, lúa phơi khô vô bao dự trữ, coi như thời vụ đã dứt điểm. Những công nhân lao động nghề nông cũng tạm rảnh rỗi trong những ngày nước ngập. Để tăng thêm thu nhập và cũng là cải tạo bữa ăn cho gia đình. Với chiếc xuồng, bà con nông dân có đủ các cách bắt cá. Có người đặt lú, đặt vớn, câu lưới... Có người chọn đẩy côn. Nghề này phải còn trai tráng sức khỏe tốt, giong ruổi trên đồng nửa buổi cũng kiếm được 5-7 ký lô cá, với thời giá này cũng kiếm được trên dưới 200.000đ/ngày, lại còn cá dư để ăn không hết.

Anh Phong ở Thới Lai nói:

- Những năm đầu mới đẩy côn, ngày tôi kiếm trên chục ký lô cá. Nay vào mùa nhiều người đẩy, hơn nữa môi trường thuốc trừ sâu cho lúa làm nhiều đợt cá non chết sạch...

Anh kể:

Đẩy côn trên đồng nước. 

- Cách đây hơn mười năm, trưa một ngày nước nổi, Phong đi ra đồng thấy một người lạ, chống xuồng cà khơi, đầu mũi xuồng có một vật lạ giống như trụ cầu dây văng, hai bên có hai cây sào mang đầy que sắt kéo lê trên mặt nước. Phong đến gần nghe âm thanh phát ra từ những que sắt rẽ nước kêu “réo... réo...”. Người lạ ấy chống hết dây đất này đến dây đất khác. Động tính hiếu kỳ, Phong trèo lên cây lén rình coi, thỉnh thoảng người lạ ấy dừng xuồng lại cầm cái nôm úp bắt cá. Phong trèo xuống đến gần hỏi chuyện. Người lạ giở sạp xuồng cho coi đầy nhóc hai khoang cá. Cá đủ loại: Lóc, trê, rô phi, cá chép, mè vinh... Phong khoái quá xin thọ giáo - học nghề. Hôm sau Phong tức tốc đốn cây làm giàn côn. Sáng sớm Phong đem cơm nước xuống xuồng “làm ăn”. Chiều về thu hoạch không được bao nhiêu cá. Dần dần Phong phát hiện ra, mỗi loại cá chúi xuống đất khác nhau. Có loại chúi xuống lên tim ùn ụt dễ phát hiện. Có loại chúi xuống để lại một quầng sình trên mặt nước. Còn có loại chỉ lên một vài tim nhỏ, nếu không tinh mắt cứ chống hoài, tối ngày không được bao nhiêu cá. Còn cái khó nữa là: khi trời trưa và chiều trên ruộng thường có gió. Gió làm cho mặt nước xôn xao sóng, không nhận ra chỗ nào là tim, chỗ nào là quầng? Điều này không ai chỉ ai. Người đẩy côn phải cố tìm ra cho được, và nhận định chính xác vị trí con cá chúi xuống để úp cái nôm cho thật gọn. Người đẩy côn phải có sức khỏe tốt, dẻo dai với nắng gió. Mỗi ngày trung bình người đẩy côn phải chống xuồng trên ba mươi cây số, có nơi cạn phải xuống xuồng đẩy. Đẩy, chống phải có vận tốc tương đối nhanh mới tạo ra âm thanh “réo... réo...” cá mới giựt mình chúi xuống đất. Khi cá chúi lên tim bị sóng gió khỏa lấp không nhận định được chính xác vị trí thì đứng rình. Tay cầm cây nôm thủ sẵn, năm phút sau thì cá thở bằng mang lên tim, khi này người ta nhẹ nhàng úp cái nôm xuống đúng ngay vị trí lên tim, chắc cú.

Phong nói hào hứng:

-Vui lắm anh ơi! Những buổi sáng tinh mơ xuồng nhẹ nhàng lướt đi trên mặt nước, hai bên tai nghe như nhạc trổi. Tiếng nhạc khi lên khi xuống, âm bậc mỗi lúc mỗi khác nghe mà ghiền luôn. Nhớ chiều về vợ vét xuồng khệ nệ bưng lên hai thau cá đầy nhóc, mặt vợ vui mà mình quên đi mệt mỏi.

Những lão nông trong xóm cho biết thêm:

-Hồi xưa, cách đây 50 năm nông dân mình kéo côn dưới kinh rạch vào những tháng 10 tháng 11 âl - mùa cá xuống. Côn gồm những khúc gỗ tròn bằng cán mác, dài 20cm, được nối liền với nhau bằng những khoen chì chài cho nặng chìm xuống đáy kinh rạch (giống như côn nhị khúc của nghề võ, nhưng côn này nhiều khúc nối liền nhau). Hai người đi bộ hai bên bãi sình kéo. Côn lăn dưới đáy rạch chạm nhau phát ra âm thanh lạ. Cá nghe sợ chúi xuống đất lên tim, người ta dùng nôm chụp bắt. Còn loại hình côn này không biết ai người đầu tiên sáng chế ra, nhưng có lẽ, lối sáng tạo kết hợp giữa miệt đồng và miệt sông và vùng gần biển. Ở gần biển, xưa kia người ta chuốt những cọng tàu dừa làm que đóng cặp theo be xuồng, ghe bơi dọc theo mé bờ vào ban đêm yên lặng. Cá, tép ban đêm mò vô bờ kiếm ăn nghe âm thanh lạ giựt mình phóng lên, vào xuồng. Giờ loại que này được sáng tạo thành que sắt đẩy trên ruộng. Gọi là “đẩy côn” chớ người ta chỉ đứng trên xuồng. Chỉ trừ trường hợp nước cạn, hoặc vô ruộng đất gò thì người ta mới xuống xuồng đẩy.

Đồ nghề của thợ đẩy côn gồm: Một chiếc xuồng năm lá và một cây sào, giàn côn gồm có: hai cây tầm vông phơi khô róc mắc cẩn thận, mỗi cây dài 4m5, một cây làm trụ đứng cao khoảng 2m5, một trăm que sắt, mỗi que dài 1m3, được buộc liền với nhau bằng sợi dây ny long bằng đầu đũa ăn. Que này cách que kia 25cm và một cái nôm. Có bộ đồ nghề này, coi như người nông dân có thể kiếm ăn trong mùa nước ngập ở đồng ruộng.

Nghề đẩy côn rất thú vị, trong mùa nước nổi vừa tăng thu nhập gia đình, vừa có cá cải thiện bữa ăn ngon, đầy chất dinh dưỡng, vừa được thưởng thức cái không gian bao la trời nước, khoáng đãng ở hương đồng cỏ nội.

NHẬT HỒNG

Chia sẻ bài viết