12/01/2021 - 09:08

Dấu ấn hợp tác quốc tế 

Liên kết với các đối tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học là hoạt động không thể thiếu của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng hiện nay. Trong đó, hoạt động hợp tác quốc tế đang được các trường tại TP Cần Thơ đẩy mạnh, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Lê Văn Hải (trái), Giám đốc Rockwell Automation Việt Nam, trao biển tượng trưng tài trợ thiết bị phòng thí nghiệm đến Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ÐHCT.

Là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ÐBSCL, từ nhiều năm qua Trường Ðại học Cần Thơ (ÐHCT) đã xây dựng nền tảng vững chắc cho các hoạt động hợp tác quốc tế. Ðến nay, Trường ÐHCT có mối quan hệ hợp tác với hơn 130 trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế. Ban Giám hiệu Trường ÐHCT luôn xác định hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trường, từ đó đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác này. Ðáng chú ý nhất là có nhiều dự án lớn với các nước Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Ðan Mạch, Ðức, Úc; đồng thời, thường xuyên có các chương trình, đề án hợp tác với các nước ở khu vực châu Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào, Philippines, Ấn Ðộ...

Thông qua các dự án, chương trình hợp tác quốc tế, nhiều cán bộ, giảng viên của Trường ÐHCT được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm thực hành. Ðơn cử như có 150 viên chức, giảng viên của trường được cử sang Mỹ học tập nâng cao trình độ, tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn thông qua học bổng Fulbright, VEF, Ford Foundation… Mới đây, Trường ÐHCT tổ chức khánh thành Phòng thí nghiệm Rockwell Automation Lab, đặt tại Khoa Công nghệ, đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác với đối tác đến từ Mỹ. Phòng thí nghiệm do công ty chuyên về tự động hóa công nghiệp và chuyển đổi số của Mỹ - Rockwell Automation tài trợ, với tổng trị giá hơn 7 tỉ đồng. Theo ông Lê Văn Hải, Giám đốc Rockwell Automation Việt Nam, các dự án phục vụ giáo dục - đào tạo và hỗ trợ cộng đồng của công ty có sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân, nhất là từ lãnh đạo các trường đại học. Việc đưa vào sử dụng phòng thí nghiệm này tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm gần với thực tế sản xuất nhất, để bắt nhịp thị trường lao động ngay khi tốt nghiệp ra trường. Ông Lê Văn Hải bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn sẽ phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác với nhà trường trong thời gian tới, để góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ÐBSCL”.

Theo Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ÐHCT, Khoa Công nghệ là khoa có số lượng sinh viên đông nhất trường với khoảng 7.500 sinh viên, cùng nhu cầu rất lớn về trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong thực hành. Rockwell Automation Lab là phòng thí nghiệm tự động hóa với trang thiết bị hiện đại và nhiều nhất Việt Nam. Sự tài trợ từ Công ty Rockwell Automation tạo cơ hội cho cả sinh viên và giảng viên của trường tiếp cận những kỹ thuật mới trong học tập và nghiên cứu khoa học, cũng như có thêm kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Bởi vì các bộ thí nghiệm được thiết kế rất cơ động và dễ tháo lắp, để có thể di chuyển đến các nhà máy, xí nghiệp nhằm hỗ trợ các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn để đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc cập nhật kiến thức cho khối vận hành nhà máy.

Sau gần 55 năm xây dựng và phát triển, Trường ÐHCT hiện nay đã xây dựng hệ thống chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và trang thiết bị thực hành thực tập theo công nghệ hiện đại, tiên tiến thông qua các dự án hợp tác quốc tế. Những dấu ấn nổi bật trong hợp tác quốc tế của trường là Trung tâm Học liệu do Tổ chức Atlantic Philantropies (Mỹ) tài trợ xây dựng mới và trang bị hiện đại, đồng thời cấp học bổng đào tạo chuyên viên vận hành trung tâm, với tổng kinh phí hơn 9 triệu USD; hay “Không gian sáng chế” do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ 105.000USD thông qua dự án Build-IT... Ban Giám hiệu Trường ÐHCT cho biết có 33 dự án cùng các đối tác từ Mỹ đang được triển khai, với tổng kinh phí gần 12 triệu USD. Hiện tại, trường thực hiện hiệu quả Dự án nâng cấp Trường ÐHCT từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, nhằm nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực thế mạnh của trường như nông nghiệp, thủy sản, môi trường…

*   *   *

Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ trong năm học 2019-2020 đã tiếp và làm việc với 29 đoàn khách quốc tế từ nhiều nước Bỉ, Nga, Mỹ, Pháp, Úc, Thái Lan… Trong đó có 18 đoàn thuộc các chương trình, dự án đã ký kết. Ngoài ra, gần 300 lượt khách nước ngoài đã đến tham quan, trao đổi giáo dục, thực hiện dự án, nghiên cứu tại trường. Trường cũng đã tiếp nhận 110 sinh viên quốc tế đến học tập dài hạn, thực tập ngắn hạn tại bệnh viện và các khoa, bộ môn thuộc trường. Ở Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, hơn 95% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học, phần lớn được đào tạo ở nước ngoài. Ðể tạo không gian quốc tế trong trường học, trường đã xây dựng “Góc Hàn Quốc” giúp sinh viên có thể tìm hiểu về kinh tế - xã hội, văn hóa đất nước và con người xứ Kim Chi. Trường Ðại học Nam Cần Thơ đã liên kết với Ðại học Khoa học - Công nghệ Malaysia đào tạo cử nhân quốc tế ngành Quản trị kinh doanh; với chương trình đào tạo tiên tiến, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu xã hội. Theo lãnh đạo Trường Ðại học Nam Cần Thơ, hiện trường đã liên kết, hợp tác với hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước, để đào tạo, thực tập thực tế, hướng nghiệp và triển khai các dự án nghiên cứu, dự án khởi nghiệp của sinh viên.

Lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên của 2 nghề cấp độ quốc tế, do Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ liên kết với Học viện Chisholm (Úc) đào tạo.

Khối các trường cao đẳng tại Cần Thơ cũng đã có bước phát triển mạnh trong hợp tác quốc tế vài năm gần đây. Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ đang hợp tác với Trung tâm Sức khỏe và An toàn Lao động Tokyo (Nhật Bản) và các trường THPT ở Cần Thơ thực hiện Dự án WINDY, nhằm hướng học sinh ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trường cũng đã ký kết hợp tác đào tạo với Công ty CICS và Tập đoàn Bệnh viện Narahigashi (Nhật Bản) dạy tiếng Nhật chuyên ngành cho sinh viên; liên kết với các trường, bệnh viện ở Nhật để xây dựng ngành Ðiều dưỡng chương trình đào tạo Lão khoa tiên tiến của y tế thế giới. Từ năm 2017, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ đã liên kết với Học viện Chisholm (Úc) đào tạo thí điểm 2 nghề cấp độ quốc tế. Hiện tại, trường tiếp tục mở rộng liên kết đào tạo với Cộng hòa Liên bang Ðức, Hàn Quốc, Anh... 

Việc đẩy mạnh liên kết với các đối tác nước ngoài là xu thế tất yếu của các trường đại học, cao đẳng nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ðồng thời tạo nền tảng để nâng cao vị thế của đơn vị, góp phần thực hiện tự chủ trong đào tạo.

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết