04/09/2011 - 09:55

Đào tạo giáo viên đáp ứng được nhu cầu xã hội

Công tác đào tạo giáo viên ở các trường, khoa sư phạm (gọi chung là cơ sở đào tạo giáo viên) luôn được xã hội quan tâm. Làm thế nào để đào tạo được những giáo viên “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội? Tại hội nghị toàn quốc các trường sư phạm vào ngày 27-8-2011 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức, nhiều giải pháp trong đào tạo giáo viên từ đây đến năm 2020 đã được các đại biểu trao đổi, thảo luận...

Cơ bản đáp ứng được nhu cầu

Sinh viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ trong giờ học nhóm. Ảnh: B. NG
Sau hội nghị các trường sư phạm vào tháng 12 năm 2006 tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã ra Nghị quyết 08/NQ-BCSĐ ngày 4-4-2007 về việc phát triển ngành sư phạm từ năm 2007 đến năm 2015. Mục tiêu của Nghị quyết 08 là xây dựng mạng lưới các trường sư phạm, các khoa sư phạm một cách hợp lý, đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng chuẩn hóa giáo viên các cấp, về cơ bản đến năm 2020, giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên; giáo viên trung học có trình độ đại học, trong đó, có ít nhất 30% giáo viên THPT có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Đối với lực lượng giảng viên ở các cơ sở đào tạo sư phạm, đến năm 2010, 50% giảng viên ở các trường cao đẳng sư phạm có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó, có ít nhất 5% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Đến năm 2015, ít nhất 80% giảng viên các trường cao đẳng sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó, có ít nhất 25% giảng viên có trình độ tiến sĩ và tỷ lệ sinh viên/giảng viên các trường đại học, cao đẳng không quá 20 sinh viên/giảng viên. Nghị quyết 08 cũng đề ra mục tiêu bồi dưỡng và chuẩn hóa 100% hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông...

Có thể nói, Nghị quyết 08/NQ-BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã được triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, toàn quốc hiện có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, gồm: 14 trường đại học sư phạm, 49 trường đại học có khoa/ngành sư phạm, 39 trường cao đẳng sư phạm, 24 trường cao đẳng có khoa/ngành sư phạm, 3 trường trung cấp sư phạm và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. So với năm 2006, có thêm 11 trường đại học được đào tạo mã ngành sư phạm. Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, các cơ sở đào tạo giáo viên không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Tính đến năm học 2010-2011, tổng số giảng viên các trường đại học sư phạm là gần 4.400 người, trong đó, có 18 giáo sư, 192 phó giáo sư, 565 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 2.039 thạc sĩ. So với năm 2006, số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng 0,5%, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ giảm 1,24%, tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng 4,06%. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên đạt 31 sinh viên/giảng viên. Hiện có 4.462 giảng viên ở các trường cao đẳng sư phạm, giảm 0,6% so với năm 2006.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT các địa phương và các cơ sở đào tạo giáo viên đều chưa có kế hoạch tổng thể để triển khai thực hiện Nghị quyết 08. Lãnh đạo của nhiều cơ sở đào tạo giáo viên, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo chưa biết có Nghị quyết 08/NQ-BCSĐ. Do đó, mức độ đáp ứng của các hoạt động đã triển khai còn hạn chế. Đội ngũ giảng viên cốt cán, đầu ngành, cán bộ quản lý của một số cơ sở đào tạo giáo viên chưa đủ mạnh. Năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin và phương pháp giảng dạy của đội ngũ còn yếu. Chế độ chính sách cho đội ngũ giảng viên còn bất cập, ít khuyến khích lao động nhiệt tình và sáng tạo. Cơ sở vật chất của các khoa/ trường sư phạm còn nghèo nàn, lạc hậu. Thạc sĩ Cao Văn Hòa Trân, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư Phạm Kiên Giang, phát biểu: “Kinh phí được cấp hiện nay chỉ đủ để trường tồn tại mà không đủ để đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng đào tạo”. Chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo giáo viên chưa được xây dựng đầy đủ, nhất là các yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm. Nội dung, chất lượng và cơ cấu đào tạo giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục từng địa phương và cả nước. Phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá của các cơ sở đào tạo giáo viên có được đổi mới nhưng tiến bộ chậm...

Đổi mới để phát triển

Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Theo nhiều đại biểu, chương trình đào tạo ở các cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay có quá nhiều môn học, các môn học quá nhiều chủ đề. Nhiều môn học trong chương trình đào tạo không liên quan đến ngành học và chuyên ngành. Thiếu sự gắn kết giữa các môn học có liên quan, trật tự logic chưa rõ. Bên cạnh đó, nội dung chương trình đào tạo lại lạc hậu, ít khái niệm và nguyên lý trong khi quá nhấn mạnh vào kỹ năng và lý thuyết nhưng chưa chú ý rèn luyện khả năng tư duy như phân tích, tổng hợp, đánh giá và giải quyết vấn đề. Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trường Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nói: “Cần có những đổi mới trong phương pháp đào tạo giáo viên. Ngành sư phạm không nên chỉ đào tạo những cái mà mình có mà phải đào tạo những cái người học cần. Trong đó, phải chú ý đào tạo bản lĩnh, tư tưởng của một người làm thầy. Trong tuyển sinh, ngành sư phạm phải tuyển chọn được những thí sinh có điểm 5 trở lên đối với môn mình chọn thi. Đồng thời, tất cả thí sinh sư phạm phải thi môn Ngữ văn để giữ gìn bản sắc dân tộc...”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nam, Trưởng Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng những người đào tạo lực lượng giáo viên phải là nhân lực có chất lượng, có năng lực giảng dạy, có năng lực nghiên cứu khoa học, sự hiểu biết giáo dục phổ thông...

Định hướng phát triển của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới là xây dựng ngành sư phạm Việt Nam tiên tiến, hiện đại đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển của hệ thống giáo dục Việt Nam thời kỳ 2011-2020. Để thực hiện được mục tiêu trên, từ nay đến năm 2020, ngành giáo dục tập trung vào củng cố mạng lưới đào tạo giáo viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường sư phạm. Đồng thời phát triển đội ngũ giảng viên ở các trường sư phạm, đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung nâng cao vai trò của các trường sư phạm trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên... Phát biểu tổng kết tại hội nghị các trường sư phạm toàn quốc vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng sẽ có những đổi mới trong thời gian tới để các cơ sở đào tạo giáo viên đào tạo ra những giáo viên năng động, mẫu mực, đáp ứng nhu cầu của xã hội...

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết