14/01/2010 - 08:43

Đồng chí Trương Tấn Sang:

Dân chủ và thực hành dân chủ XHCN là mục tiêu, là động lực phát triển đất nước

Sáng 13-1, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC).

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trương Tấn Sang nêu rõ: Ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về “Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Sau khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể chế hóa thành nghị quyết, pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành các nghị định về thực hiện Quy chế dân chủ ở một số loại hình cơ sở. Hội nghị có nhiệm vụ đánh giá một cách toàn diện kết quả thực hiện Chỉ thị 30- CT/TW của Bộ Chính trị, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; xác định rõ những vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay cần phải tăng cường mở rộng dân chủ, phát huy quyền làn chủ của nhân dân.

Tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng chí Hà Thị Khiết nhấn mạnh: Hơn 10 năm qua, các ngành, các cấp đã triển khai thực hiện Chỉ thị nghiêm túc, tích cực và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Hầu hết các xã, phường, thị trấn, các cơ quan nhà nước và nhiều công ty, doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, quy ước; nêu rõ nội dung và hình thức thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực hoạt động ở cơ sở.

Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ trong các cấp ủy, các cơ quan nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở các cấp được nâng lên rõ rệt. Dân chủ trực tiếp được phát huy, khơi dậy tinh thần làm chủ của nhân dân, được nhân dân đồng tình và tham gia thực hiện có hiệu quả. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thể hiện trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” tiếp tục được thể hiện toàn diện, cụ thể hơn và có hiệu quả. Vai trò của nhân dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được nhận thức sâu sắc hơn, giữ vững ổn định chính trị. Quyền tham gia ý kiến của nhân dân được tôn trọng. Các hình thức tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân được mở rộng. Ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong xã hội được nâng cao. Trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị thể hiện rõ nét hơn. Cán bộ, công chức bàn bạc, hiến kế, đề xuất, tham gia vào việc hoạch định cơ chế, chính sách. Người lao động tham gia giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Nhân dân được trực tiếp bàn bạc, thống nhất, quyết tâm tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, giúp nhau xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng... Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng của các tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được qua 10 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phấn đấu đến hết năm 2010, tất cả các loại hình cơ sở là cơ quan hành chính, sự nghiệp, các xã, phường, thị trấn, 100% công ty, doanh nghiệp (có tổ chức công đoàn) đều ban hành quy chế và thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; ít nhất 70% cơ sở thực hiện tốt, không còn cơ sở yếu kém. Trên 50% thôn bản, tổ dân phố thực hiện tốt quy ước, hương ước và thực hiện nền nếp công khai, dân chủ.

* Chiều 13-1, phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, khẳng định : Đây là Chỉ thị rất quan trọng của Bộ Chính trị, hợp lòng dân, được các cấp, các ngành triển khai thực hiện khá nghiêm túc, có hiệu quả ở phần lớn các loại hình cơ sở, các lĩnh vực hoạt động xã hội. Việc ban hành và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị là bước tiến mới về mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Hội nghị đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu, nhiều cách làm hay trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện để tiếp tục đưa Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị vào cuộc sống.

Đồng chí Trương Tấn Sang chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm. Đó là : Kết quả thực hiện chưa đều khắp ở các loại hình cơ sở, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và cơ sở dịch vụ ngoài công lập. Một số nơi triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp, vi phạm quyền làm chủ nhân dân. Một số chính sách, chế độ trên một số lĩnh vực chưa phù hợp, lại thiếu công khai, minh bạch nhưng chậm được sửa đổi, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhân dân. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là do: Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân còn hạn chế, chưa thấy hết vai trò quan trọng của cơ chế dân chủ trực tiếp của nhân dân tại cơ sở cùng với cơ chế dân chủ đại diện hợp thành chế độ dân chủ XHCN ở nước ta, đó là mục tiêu và là động lực phát triển đất nước; việc tổ chức thực hiện ở một số nơi chưa nghiêm túc, thiếu tìm tòi, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Để tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới, đồng chí Trương Tấn Sang đã nêu một số vấn đề, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới:

Một là tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về thực hiện quyền dân chủ trực tiếp tại cơ sở, xem đây là khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cơ sở, nơi thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi thực hiện quyền dân chủ rộng rãi và trực tiếp nhất của nhân dân. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thường xuyên, liên tục, không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ XHCN để nền dân chủ XHCN là mục tiêu đồng thời là động lực bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới đất nước ta; phát huy dân chủ đi liền với nâng cao dân trí, phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thường xuyên gắn với quy chế hoạt động của cán bộ, công chức và các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhất là xây dựng và nêu gương tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên. Công tác tổng kết thực tiễn cần được coi trọng để ngày càng hoàn thiện về lý luận và không ngừng bổ sung cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm không ngừng mở rộng và nâng cao việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hai là tiếp tục hoàn thiện và ban hành các văn bản để thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, các lĩnh vực mới chưa có quy chế; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi trong mọi hoạt động hợp pháp của nhân dân. Công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước các cấp cho dân, cho công nhân viên chức biết để kiểm tra, giám sát; hoàn thiện dần cơ chế để cán bộ công nhân viên chức, nhân dân tham gia ý kiến trong hoạch định, chủ trương, chính sách và kiểm tra, giám sát việc thực hiện; coi trọng hơn nữa các hình thức tự quản ở cơ sở; duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân định kỳ ở các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở; mở rộng dân chủ đi liền giữ nghiêm trật tự, kỷ cương, phép nước, nghiêm khắc xử lý việc lợi dụng dân chủ gây rối trật tự xã hội, nhằm làm cho xã hội đoàn kết, dân chủ, ổn định, phát triển.

Ba là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trách nhiệm của nhân dân; phát huy thành quả đã đạt được, tích cực khắc phục những hạn chế, yếu kém vừa qua.

Bốn là thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các cấp, các ngành, đơn vị. Coi trọng việc bố trí những cán bộ có tâm huyết, có uy tín và năng lực tham gia Ban Chỉ đạo. Tạo điều kiện thuận lợi để Ban Chỉ đạo các cấp hoạt động có hiệu quả.

Năm là các cơ quan chức năng ở Trung ương cần ban hành bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật một cách đồng bộ, chú ý đến các loại hình cơ sở trong tình trạng thực hiện yếu kém hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục đưa nội dung Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị vào cuộc sống mạnh mẽ hơn trong thời gian tới ở tất cả các loại hình cơ sở và trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

HƯƠNG THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết