Bài ảnh: Hiếu Nghĩa
Ðầm Thị Tường là điểm hẹn du lịch sinh thái khá lý tưởng khi du khách đặt chân đến tỉnh Cà Mau. Nơi đây được mệnh danh là khu đầm tự nhiên do thiên nhiên ban tặng lớn nhất và được xem là đẹp nhất tại vùng ÐBSCL.

Đầm Thị Tường là đầm nước rộng nhất vùng ĐBSCL, với diện tích khoảng 700ha.
Ðầm Thị Tường được tạo nên từ sự bồi lắng phù sa của sông Mỹ Bình, sông Ông Ðốc và nhiều kênh rạch của ba huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và Cái Nước. Ðầm có diện tích khoảng 700ha, được phân chia thành: đầm trên, đầm giữa và đầm dưới. Trong đó, đầm giữa là lớn nhất.
Du khách có nhu cầu tham quan đầm sẽ được các hộ dân đang khai thác du lịch sinh thái dùng vỏ lãi đưa đi tận hưởng nét hoang sơ, cảnh quan nên thơ, mênh mông nước của đầm. Bên cạnh đó, là cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương với các nghề truyền thống: chài, lưới, nò, đó, vó, lú... để đánh bắt cá, cua, tôm, mực, rẹm... Ðó vừa là nghề để bà con mưu sinh cũng là sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Tại đây, có rất nhiều món hải sản tươi sống, đặc biệt, có những loài mang nét đặc trưng riêng của đầm như: cá vồ chó, lịch huyết. Ông Trần Minh Trí (ngụ xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) cho biết: “Ở thành thị ra đường thấy xe cộ ngột ngạt, đến với đầm Thị Tường ấn tượng đầu tiên là gió thổi mát rượi. Không gian rất là rộng lớn, mang đến cảm giác thoải mái, thư giãn. Ở Cà Mau hải sản không thiếu nhưng ăn ngay ở đầm thì rất tươi vì người ta bắt lên chế biến liền”.
Ðến với đầm Thị Tường, du khách còn được thăm Khu Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Ðước. Ở đây có tượng đài, nhà truyền thống, các ngôi nhà mô phỏng chiến trường xưa của Ðảng bộ, chính quyền và quân dân tỉnh Cà Mau.
Khu Căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Ðước là một trong những di tích lịch sử cách mạng quan trọng của Cà Mau. Nơi đây còn là cơ quan đầu não của phong trào cách mạng tại vùng nông thôn Cà Mau, giai đoạn 1960-1975. Ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân được chọn làm trung tâm căn cứ, điểm đứng chân của Tỉnh ủy Cà Mau. Từ đây, những chủ trương, chính sách lớn được triển khai, những nghị quyết có tầm quan trọng chiến lược được soạn thảo. Năm 2016, Khu Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Ðước được tỉnh đầu tư trên 3 tỉ đồng trùng tu, tôn tạo các hạng mục như: hội trường hội họp, văn phòng làm việc của Tỉnh ủy, nơi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy… Ðây là công trình văn hóa, lịch sử có nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn, giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương.
Trước đó, vào ngày 11-6-2007, Khu Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Ðước được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. “Ðến với khu căn cứ, sẽ thấy phần nào cha anh mình ngày xưa sống, chiến đấu ở đây gian khổ thế nào. Ði du lịch mà còn được biết về lịch sử của địa phương thì rất ý nghĩa. Ðến căn cứ để sống chậm lại một chút, rồi ra giữa đầm thả hồn vào thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, mát mẻ cũng rất thú vị”, bà Lê Hoàng Yến, người dân ở phường 5, TP Cà Mau chia sẻ.
Hiện nay, lượng khách đến với đầm Thị Tường vào khoảng 5.000 lượt mỗi năm. Vào những ngày cuối tuần hay lễ, Tết, mỗi hộ dân làm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại đây có thể tiếp từ 100-200 khách mỗi ngày. Ông Nguyễn Ðức Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, cho biết: “Từ lợi thế cảnh quan của đầm Thị Tường và Khu Căn cứ Tỉnh ủy, chúng tôi tạo điều kiện và khuyến khích người dân làm du lịch sinh thái. Qua đó, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa đưa kinh tế địa phương đi lên. Xã cũng đã thành lập được hợp tác xã khai thác du lịch tại đầm, thời gian tới củng cố, phát triển thêm để khai thác du lịch hiệu quả hơn”.
Với cảnh quan thiên nhiên nên thơ, rất đặc trưng của vùng sông nước, cùng với Khu Căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Ðước nằm ngay trên bờ, đầm Thị Tường khi được đầu tư xứng tầm hứa hẹn sẽ là địa điểm du lịch rất lý tưởng để thu hút du khách đến với tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.