30/03/2019 - 09:16

Đảm bảo quyền lợi của nữ công nhân Khu công nghiệp - chế xuất Cần Thơ 

Ban Vì sự tiến bộ (VSTB) của phụ nữ TP Cần Thơ vừa tổ chức Tọa đàm “Vai trò của nữ công nhân khu công nghiệp - chế xuất Cần Thơ”. Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã đề xuất giải pháp đảm bảo quyền bình đẳng của lao động nữ trong doanh nghiệp. Báo Cần Thơ lược ghi và giới thiệu một số ý kiến.

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban VSTB của phụ nữ thành phố tặng quà cho nam giới tham dự tọa đàm. Ảnh: X.Đào

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban VSTB của phụ nữ thành phố:

ĐẾN NĂM 2020 GIẢM KHOẢNG CÁCH GIỚI TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ, LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM

TP Cần Thơ hiện có 8 khu công nghiệp và chế xuất được quy hoạch, trong đó có 6 khu công nghiệp và chế xuất đang hoạt động với gần 35.000 lao động (gần 24.500 lao động nữ, đạt 70% trên tổng số lao động). Tỷ lệ lao động nữ trong các doanh nghiệp ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc, nhất là về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội. Mặc dù có nhiều tiến bộ, song tỷ lệ thất nghiệp của nữ còn cao hơn nam; chất lượng việc làm chưa cao, tính ổn định và bền vững trong việc làm còn thấp; lao động nữ thiệt thòi hơn nam giới về cơ hội học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt... Điều kiện làm việc của lao động nữ trong doanh nghiệp tuy đã được quan tâm nhưng ở một vài doanh nghiệp vẫn chưa được tạo điều kiện để phát huy đầy đủ khả năng và sự đóng góp của mình.

Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược Quốc gia về BĐG là đến năm 2020 giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm. Cụ thể, hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, đảm bảo ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ); tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt từ 35% trở lên vào năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất - công nghiệp Cần Thơ:
QUAN TÂM GIẢI QUYẾT CÁC NHU CẦU CẤP THIẾT CHO LAO ĐỘNG NỮ 

Các doanh nghiệp trong các khu chế xuất và công nghiệp thu hút nhiều nữ công nhân lao động, nhất là doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản. Số công nhân lao động nữ ở các địa phương khác đến không có điều kiện mua nhà để ở, chủ yếu ở trọ. Trong khi các doanh nghiệp không có nhà tập thể cho công nhân thuê.  Đối với lao động nữ đã có gia đình, phần lớn, sau giờ tan ca, về nhà họ còn phải thực hiện chức năng làm vợ, làm mẹ, làm công việc nội trợ, chăm sóc dạy dỗ con cái nên ít có thời gian nghỉ ngơi và bổ sung kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn. Một vấn đề khác còn tồn tại là hầu như các doanh nghiệp này đều không có nhà văn hóa cho công nhân lao động và cũng không có nhà trẻ, mẫu giáo...

Do đó, kiến nghị Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ sớm triển khai đầu tư xây dựng dự án thiết chế của Công đoàn tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2, trực tiếp giải quyết các nhu cầu cấp thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động như: nhà trọ, siêu thị, trung tâm văn hóa-thể thao, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế. Các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện đúng và đủ các chính sách liên quan đến lao động nữ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân lao động nữ. Đồng thời cải thiện điều kiện lao động, các quan hệ xã hội trong doanh nghiệp. Đối với công nhân lao động nữ, vấn đề quan trọng không chỉ là tiền công, tiền lương mà còn vấn đề về điều kiện lao động, sức khỏe, đảm bảo duy trì chỗ làm việc, là những yếu tố tạo điều kiện nâng cao hơn nữa đời sống cho công nhân lao động nữ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Sáng, Công ty Caseamex Cần Thơ:
BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG NỮ

Do đặc thù của ngành nên Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Công ty Caseamex Cần Thơ) có hơn 70% công nhân lao động là nữ. Vì thế các quyền lợi về nữ được lãnh đạo công ty rất quan tâm, như: chế độ nghỉ hộ sản, bố trí thời gian làm việc hợp lý cho các chị thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, trợ cấp hậu sản và hế độ nghỉ dưỡng sức đều được công ty thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Ban nữ công cùng Ban Chấp hành công đoàn cơ sở thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động như: ký hợp đồng lao động, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn con người đều được công ty thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hằng năm, công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn thể công nhân viên chức lao động nói chung và công nhân lao động nữ nói riêng.

Bên cạnh đó, các quyền lợi khác của chị em cũng được quy định trong thỏa ước lao động tập thể như: tặng quà sinh nhật, đám cưới của các chị em; thăm hỏi và động viên kịp thời những trường hợp ốm đau, thai sản hoặc gia đình có người thân mắc bệnh hiểm nghèo... Ý thức được việc quan tâm của lãnh đạo công ty, tất cả các chị em nữ trong công ty rất phấn khởi và hăng hái lao động sản xuất, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

Xuân Đào (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết