17/06/2024 - 20:24

Tổ chức khai thác tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều

Đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và yêu cầu quản lý nhà nước 

 

Gần đây dư luận xôn xao về việc giá thuê mặt bằng kinh doanh tại Phố hàng rong (chợ Hàng Dừa cũ, phường Tân An) không hợp lý; Chợ đêm Ninh Kiều tạm dừng hoạt động do quá trình chuyển giao cho đơn vị trúng thầu khai thác, quản lý theo phương án sắp xếp lại tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều đã được phê duyệt. Để làm rõ những vấn đề dư luận quan tâm, phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, xung quanh vấn đề này. Đồng chí Huỳnh Trung Trứ cho biết:

Việc tổ chức khai thác tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều nhằm cụ thể hóa Đề án phát triển kinh tế ban đêm của thành phố và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, đặc biệt là lợi ích của các tiểu thương, người dân. Mặc dù mức giá cho thuê mặt bằng (cộng với chi phí quản lý của nhà đầu tư) của đơn vị quản lý, khai thác có phần cao hơn giá thu trước đây, nhưng tuyến phố đi bộ khi đi vào hoạt động, sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có để phát triển các mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ. Đồng thời, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm; nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển kinh tế ban đêm; tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Qua đó, kỳ vọng tiểu thương sẽ có nguồn thu nhập tốt hơn; Nhà nước cũng tiết kiệm nguồn ngân sách chi cho việc vận hành, quản lý, bảo dưỡng,… đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và yêu cầu quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế ban đêm.

 

* Trước thời điểm đưa ra đấu thầu, tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều được vận hành như thế nào? Việc đưa ra đấu thầu khai thác tuyến phố đi bộ hướng tới các mục tiêu, hiệu quả nào, thưa đồng chí?

- Để duy trì hoạt động của tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều, các hoạt động văn hóa nghệ thuật tổ chức vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần, cùng các loại chi phí khác quận Ninh Kiều phải tự chi từ tiền ngân sách và giao cho các phòng, ban chuyên môn, các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa thiếu nhi… tổ chức thực hiện.

Nhằm tăng chất lượng hoạt động của tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều; đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng khung thời gian và không gian của tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều, quận xây dựng phương án sắp xếp lại tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều. Việc xây dựng được lựa chọn các vị trí phù hợp để xác định được các phương án cụ thể. Trên cơ sở phương án đó, quận tổ chức đấu giá để lựa chọn đơn vị vận hành tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều. Việc mời thầu và tổ chức đấu giá đều thực hiện công khai minh bạch. Qua đó, quận đã lựa chọn được đơn vị trúng thầu và tổ chức ký hợp đồng để đơn vị trúng thầu vận hành tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều.

Song song phương án đó, để phát huy hiệu quả và thực hiện tốt các nội dung của tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều, quận cũng yêu cầu đơn vị khai thác, vận hành phải đầu tư, cải tạo, trang trí cảnh quan để có sự đổi mới, tạo hiệu ứng tích cực thu hút đông du khách và người dân. Mục tiêu cũng nhằm để sắp xếp lại các hoạt động thương mại dịch vụ xung quanh tuyến phố đi bộ, tạo hiệu ứng kết nối và phát huy hiệu quả giữa hoạt động văn hóa, văn nghệ trên tuyến phố và hoạt động thương mại dịch vụ ở các khu vực lân cận. Cụ thể, sắp xếp lại hoạt động mua bán ở khu vực Phố hàng rong (chợ Hàng Dừa cũ), chợ đêm Ninh Kiều, nhà lồng chợ cổ Cần Thơ và các bãi giữ xe lân cận. Việc này cũng nhằm sắp xếp, cải tạo lại cho có sự đồng bộ các hình thức kinh doanh đi vào nề nếp, quy củ, đảm bảo du khách đến đây vừa thưởng ngoạn hoạt động văn hóa, văn nghệ, cảnh quan, cũng có nơi mua sắm, ăn uống và vui chơi giải trí. Từ tháng 6-2024, đơn vị trúng thầu chính thức tổ chức các hoạt động; đồng thời nâng thời gian hoạt động của tuyến phố 2 ngày (thứ bảy và chủ nhật).

Hoạt động kinh doanh tại Phố hàng rong. Ảnh: KH.N

* Việc xây dựng phương án cũng như quy trình đấu thầu khai thác tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều được thực hiện như thế nào thưa đồng chí?

- Để thực hiện phương án khai thác tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều, UBND quận đã chỉ đạo UBND phường Tân An tổ chức lấy ý kiến người dân tại phạm vi khai thác và các hộ tiểu thương khu vực hoạt động tuyến Phố đi bộ. Kết quả đa số người dân đồng thuận thực hiện nên các đơn vị chức năng quận mới tổ chức lập phuơng án. UBND quận cũng đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin quận phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức đầy đủ các bước thủ tục, đảm bảo đúng quy định. Cụ thể: Thành lập Hội đồng thẩm định phương án tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều; tổ chức lập, lấy ý kiến Hội đồng thẩm định và phê duyệt phương án khai thác tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều tại Quyết định số 5407/QĐ-UBND ngày 6-10-2023.

Giá khởi điểm để đấu giá được Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Tây Nam Bộ khảo sát, thẩm định giá và ban hành chứng thư thẩm định giá số Vc 23/04/1806/BĐS ngày 7-4-2023 trình Hội đồng thẩm định phương án thống nhất thông qua và phê duyệt theo quy định. Công ty Đấu giá Hợp danh Ngô Thống Nhất là đơn vị tổ chức đấu giá quyền khai thác phương án khai thác tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều. Công ty thực hiện đấu giá đã thông tin rộng rãi, tổ chức đấu giá, phân tích đánh giá hồ sơ và trình phê duyệt kết quả đấu giá, đảm bảo dúng quy trình của Luật Đấu giá.

Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Mekong (gọi tắt là Công ty Mekong) đã trúng đấu giá với giá trị là 8,767 tỉ đồng, số tiền này được nộp vào ngân sách nhà nước. Theo quy định, Công ty Mekong có nghĩa vụ hằng tuần (2 đêm thứ bảy và chủ nhật) phải tổ chức ít nhất 4 hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ trên Phố đi bộ Ninh Kiều, với quy mô tối thiểu 100 triệu đồng/tuần; các chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo PCCC, vệ sinh môi trường, cảnh quan,... trong suốt quá trình khai thác.

* Trong quá trình sắp xếp lại hoạt động, hạng mục chợ đêm Ninh Kiều bị gián đoạn hoạt động và cho đến nay chợ vẫn chưa hoạt động trở lại. Việc này đã khiến khách du lịch và người dân địa phương quan tâm. Đồng chí có lý giải gì về việc này?

- Ngày 16-1-2024, UBND quận đã mời Công ty TNHH MTV Chợ đêm Ninh Kiều (gọi tắt Công ty Chợ đêm) - đơn vị đang khai thác chợ đêm Ninh Kiều, làm việc, thông tin về phương án khai thác tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều và đề nghị Công ty Chợ đêm thanh lý hợp đồng với các tiểu thương ở chợ đêm Ninh Kiều; đồng thời tháo dỡ, di dời toàn bộ tài sản, vật kiến trúc của công ty để bàn giao mặt bằng cho đơn vị khai thác mới, hoặc có thể sắp xếp, giữ lại một số tài sản phục vụ tuyến Phố đi bộ (nếu tài sản này phù hợp với phương án được duyệt và đã thỏa thuận thống nhất với đơn vị khai thác mới) và cho thời hạn đến hết tháng 2-2024 mới di dời tài sản (Biên bản số 08/BB-UBND ngày 23-1-2024). Theo dó, UBND quận đã cho Công ty Chợ đêm thời hạn tới 44 ngày để di dời tài sản.

Trong quá trình sắp xếp để chuyển đổi hình thức quản lý, vận hành từ đơn vị cũ qua đơn vị mới, đặc biệt khu vực quản lý của Chợ đêm Ninh Kiều, Phố hàng rong và nhà lồng chợ cổ. Nội dung này đã được thông báo, đồng thời phối hợp với đơn vị vận hành mời các tiểu thương để thông tin các nội dung, điều chỉnh thay đổi và các nội dung về chi phí đăng ký và kinh phí thuê gian hàng… Nếu tiểu thương chấp thuận các yêu cầu thì đăng ký và tiếp tục được bố trí để kinh doanh. Việc kinh doanh không yêu cầu phải gián đoạn hay phải ngừng. Được biết, đơn vị vận hành mới sẽ áp dụng theo mức giá thuê cũ đến khi mức giá mới được Hội đồng thẩm định quận phê duyệt. 

Quận khẳng định không có việc ngưng hay gián đoạn kinh doanh tại Chợ đêm Ninh Kiều. Từ tháng 6-2024, các tiểu thương có nhu cầu kinh doanh sẽ được sắp xếp, bố trí mua bán lại ngay. Quận cũng yêu cầu nhà đầu tư phải sắp xếp chỗ mua bán, kinh doanh đồng bộ. Mục tiêu của phương án là làm sao ổn định tình hình mua bán của tiểu thương tốt hơn, phát huy được mãi lực của các khu vực này khi Phố đi bộ Ninh Kiều hoạt động hiệu quả. Theo chủ trương là ưu tiên cho tiểu thương hiện hữu tái kinh doanh; chính quyền địa phương sẽ là cầu nối để kết nối đơn vị quản lý vận hành với các hộ tiểu thương. Đồng thời, quận sẽ giám sát việc triển khai, sắp xếp hoạt động kinh doanh theo đúng phương án được phê duyệt nhằm để đảm bảo đơn vị vận hành, nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của tiểu thương.

* Liên quan đến giá thuê mặt bằng, dư luận cho rằng, giá thuê mới cao hơn giá cũ. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Sau khi nhận được phản ánh về việc tăng giá mặt bằng tại Phố hàng rong, quận cũng có giải trình đến UBND thành phố. Theo đó, trước đây, Phố hàng rong được UBND phường Tân An tổ chức cho tiểu thương mua bán, kinh doanh trên đường Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhằm sắp xếp cho các trường hợp tiểu thương bán hàng rong trên các tuyến đường trên địa bàn phường Tân An tập trung về một địa điểm cho đảm bảo mỹ quan. Nhưng do chưa có định mức, đơn giá thuê mặt bằng nên phường Tân An không thu tiền mặt bằng kinh doanh của tiểu thương, chỉ thu giá diện tích bán hàng, chi phí bảo vệ môi trường, an ninh trật tự là 5.000 đồng/buổi, tương ứng 150.000 đồng/tháng.

Theo Đề án phát triển kinh tế ban đêm thì tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều là phần hạng mục thực hiện Đề án nên quận Ninh Kiều tổ chức lập phương án khai thác tuyến Phố đi bộ Ninh Kiều trên cơ sở khảo sát, cập nhật, thẩm định giá cho thuê mặt bằng kinh doanh và được Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Tây Nam Bộ (tổ chức được Bộ Tài chính cấp phép thẩm định giá) ban hành Chứng thư thẩm định giá số Vc 23/04/1806/BĐS ngày 7-4-2023 để xác định giá khởi điểm, đưa ra tổ chức đấu giá theo quy định. Đơn vị trúng thầu giá sẽ thu giá thuê mặt bằng kinh doanh theo phương án được phê duyệt, nên mức giá cho thuê kinh doanh tại Phố hàng rong có phần cao hơn so với trước đây, nhưng cũng đã có 74/80 lô được các tiểu thương đăng ký tiếp tục kinh doanh theo đơn giá mới. UBND quận đã giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin quận phối hợp với các phòng chức năng kiểm tra việc thu giá cho thuê mặt bằng.

Như đã nói, việc sắp xếp nơi mua bán (không thu tiền thuê mặt bằng) cho các tiểu thương tại đường Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu nhằm góp phần xóa bỏ vấn nạn buôn bán tràn lan, chèo kéo, tranh giành khách..., quận không có chủ trương cho thuê, chuyển nhượng lô sạp như phản ánh. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về việc chuyển nhượng quyền kinh doanh 3 lô sạp bán hàng tại Phố hàng rong với giá 300 triệu đồng, UBND quận sẽ giao phòng chức năng xác định rõ ràng và xử lý theo quy định.

* Xin cảm ơn đồng chí!

KHÁNH NAM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết