24/02/2009 - 08:58

Cuộc đỏ đen ở trường đá gà đất cù lao

Vùng đất cù lao 3 xã: Bình Hòa Phước, Đồng Phú, An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long và huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền) nổi tiếng với những vườn cây trái xum xuê trĩu quả quanh năm và cây cảnh.Nhưng nơi đây lại được những người có máu mê gà đá biết tới với giống gà Bình Hòa Phước, gà Cái Mơn (Chợ Lách) và trường đá gà “đình đám” của đất cù lao.

ĐỎ ĐEN TRÊN TRƯỜNG ĐÁ GÀ

Mới đây, tôi có dịp ghé thăm nhà người bạn ở đất cù lao Bình Hòa Phước. Sẵn dịp, Quân, bạn tôi, rủ rê:

- Tụi mình đi coi đá gà đi! Hay lắm.

Nể lời bạn tôi leo lên chiếc xe máy cùng Quân đến trường đá gà cách đó chừng hơn cây số. Trường đá gà nằm lọt thỏm giữa vườn cây trái xum xuê xen lẫn những ngôi mộ. Tại đây đang có hơn bốn chục người đang cân gà để chuẩn bị cuộc đấu. Thấy người lạ, những người đang cân gà vội bỏ gà vào những chiếc bội (lồng đan bằng dây thép), những người còn lại vội tản ra, đưa ánh mắt về phía tôi dò xét, soi mói, nghi ngại.

 Bước tập dượt (sổ gà) cho gà chọi.

Một anh trung niên đứng cạnh, vỗ vai tôi giải thích:

- Tại ông mặc áo sơ-mi bỏ trong quần, túi ngực dắt cây viết, đi giày da nên tụi này mới tưởng ông là công an.

Mối nghi ngại ban đầu được xóa bỏ, không khí trường đá gà lại bắt đầu rộn rịp lên. Người thì bắt gà trong bội ra cân, kẻ thì lôi những cuộn băng keo (băng dính) và soạn những chiếc cựa gà dài chừng từ 7-10 cm bằng i-nox nhọn hoắt, sáng bóng ra.

- Gà thằng Hai 2 ký 6, gà tui có 2 ký 2 hơi yếu phải chấp cựa thôi, tiếng một người thấp đậm chừng ngoài bốn chục tuổi mặc cả.

- Chấp thì chấp, ngán gì? Người có cái tên là Hai đội chiếc mũ vải che kín nửa khuôn mặt, lên tiếng. Hai con gà, một trống hoa, một trống tía nhanh chóng được gắn lên chỗ cựa gà thật bằng chiếc cựa i-nox.

- Tui đá 8 ăn 10 được không Hai? Người thấp đậm ra giá.

- Chơi luôn! Người có tên Hai chừng ngoài 30 tuổi tỏ vẻ khá tự tin.

Tôi bắt gà thằng Hai 2 chai (triệu đồng). Tôi bắt gà chú Mười 5 xị (500 nghìn đồng). Tiếng mặc cả nổi lên ồn ào không khác vỡ chợ của những người chơi. Giá độ vì thế cũng nâng dần lên tới 6 chai cho con gà của Hai, con gà của chú Mười cũng lên giá độ tới 4 chai, người bắt độ thấp nhất là 50 nghìn đồng.

Trận chiến bắt đầu, hai con gà lao vào nhau với những đòn sinh tử. Hai hiệp đầu, con gà của Hai tỏ chiếm ưu thế nhờ vào trọng lượng và vóc dáng sung mãn. Sang tới hiệp 3, cuộc chiến bắt đầu thay đổi, gà của Mười ra những ngón “hồi mã thương” rất ngọt và nhanh lẹ về phía đối thủ. Kết cục, con gà của Hai ngã vật xuống đất giãy đành đạch vài cái rồi tắt thở. Mọi người bắt đầu chung (trả) tiền độ.

Sau trận này còn có 3 trận đấu của những cặp gà khác tiếp tục diễn ra. Kết thúc cuộc chơi, Quân lấy xe chở tôi về nhà. Trên đường đi, Quân than vãn: “Hôm nay xui quá, mất gần một chai”.

HỆ LỤY

Ở xứ cù lao này từ lâu đã có trường đá gà, phần lớn những người tham gia là nông dân, nhưng không quy mô bề thế như các trường gà ở một số nơi khác. Vài năm nay, khi đá gà phát triển mạnh thì nghề nuôi gà đá cũng nở rộ theo để đáp ứng nhu cầu của người chơi và phục vụ các trường gà. Thậm chí, có người trong xứ cù lao này còn đầu tư ngót nghét trăm triệu đồng để nuôi gà đá. Gà 9 tháng tuổi vào giai đoạn “úp bội” là khoảng thời gian cần được chăm sóc đặc biệt. Mỗi sáng gà được tắm nắng, được người nuôi bế trên tay tắm rửa bằng nước ấm hoặc nước trà, rồi cắt tỉa lông hay vô nghệ (xát nghệ vào chân, cổ gà để gà có màu sắc đẹp, săn da, chắc thịt). Chế độ ăn của gà cũng đặc biệt, có cả thịt heo, thịt bò, trứng vịt lộn sống, rau, cà chua và uống vitamin ... Khoảng 12 tháng tuổi là gà có thể bán được. Mỗi con gà đá giá thấp nhất là 500.000 đồng, mức giá trung bình 1-2 triệu đồng. Nếu gà đẹp giá bán có thể lên tới 5-7 triệu đồng/con. Giá gà bán nơi khác hoặc xuất khẩu sang Campuchia từ 12-15 triệu đồng/con.

Ngoài ra, còn có một loại dịch vụ ăn theo trường đá gà là cho thuê cựa gà và bán băng keo. Trung bình nếu cho thuê cựa gà, bán băng keo người ta cũng có thể bỏ túi 80.000-100.000 đồng/ngày. Một đặc điểm của trường đá gà ở xứ cù lao là không có bảo kê như những trường gà nơi khác. Địa điểm tổ chức đá gà thường xuyên thay đổi, thường là các vườn cây và những địa bàn giáp ranh các xã. Thời gian tổ chức đá gà cũng không theo một quy luật nào, lúc thì tổ chức sáng, lúc buổi trưa, lúc buổi chiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương gặp khó khăn khi xử lý những đối tượng cá độ gà đá.

Về mức độ tiền cá độ, trường đá gà đất cù lao tuy thuộc dạng nhỏ, nhưng nếu chẳng may gặp “vận đen” vài độ cũng khiến người ta “thất điên bát đảo” vì phần lớn những người tham gia trò đỏ đen này là nông dân miệt vườn, quanh năm “chân lấm tay bùn”. Không ít gia đình vì ông chồng ham đá gà dẫn đến tan vỡ, con cái hư hỏng, phát sinh nhiều mâu thuẫn...

Ông Lê Huỳnh Vũ, một người có thâm niên tham gia đá gà hơn 30 năm ở xứ cù lao, bộc bạch: “Chơi đá gà, mê như thằng nghiện xì ke ấy, rất khó dứt ra”. Và ông tổng kết một câu: “Chơi đá gà suốt mấy chục năm qua, tôi thấy chẳng có ai đá gà mà làm giàu hết, chỉ ngoại trừ những người chuyên nuôi gà đá. Mình thì may mắn là chưa sạt nghiệp vì đá gà!”.

Bài, ảnh: ĐĂNG QUANG

Chia sẻ bài viết