26/03/2022 - 17:39

Cua chết hàng loạt do ký sinh trùng 

Năm ngoái, hiện tượng cua chết hàng loạt xảy ra tại Cà Mau đã gây thiệt hại nặng về kinh tế cho người nuôi. Năm nay, tình trạng này tiếp tục lặp lại và còn nghiêm trọng hơn khiến người nuôi đang rất lo lắng.

Tái diễn tình trạng cua chết hàng loạt

Người dân địa phương bắt cua lên để khoảng 15-20 phút, cua tự động chết.

Người dân địa phương bắt cua lên để khoảng 15-20 phút, cua tự động chết.

Anh Dương Văn Thum ở ấp 5, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, thả 10.000 con cua giống trên diện tích 2,5ha đất nuôi tôm - cua kết hợp. Khoảng 2 tháng trước, cua bắt đầu chết rải rác, sau đó ngày càng tăng. Gia đình anh Thum xác định vụ cua này gần như thiệt hại hoàn toàn, bởi lượng cua ít ỏi còn lại con thì tấp mé chết dần, số bắt được mang lên bờ một lúc sau cũng chết, nên thương lái không dám thu mua. “Đến con nước đặt lợp bắt được vài con, đem lên khoảng 15-20 phút thì cua chết. Tình hình này coi như vụ cua đã mất trắng. Giờ tôi đặt cua lên bán, thương lái lo ngại cua bệnh họ cũng không mua” - anh Thum nói.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Tùng, cho biết: “Biểu hiện con cua bệnh là khi người dân đặt lú, lợp bắt được chỉ trong thời gian ngắn, có khi chưa kịp trói thì cua đã chết. Những con chết hoặc có hiện tượng bị bệnh thì vỏ mỏng, bị đóng rong, khi tách mai cua ra thì rất ốp, nếu con nào còn ít thịt thì luộc lên ăn có vị mặn mặn. Đây không phải hiện tượng thiểu số mà đa số hộ dân nuôi cua đều có tình trạng cua bệnh. Khi phát hiện cua bệnh, người dân cần báo chính quyền địa phương để thống kê. Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn người dân xử lý, không nên vứt trực tiếp cua bệnh ra môi trường, đặc biệt là sông rạch, có thể làm phát tán nguồn bệnh”.

Toàn huyện Năm Căn có gần 8.900 hộ nuôi cua, với diện tích khoảng 24.400ha. Theo thống kê bước đầu của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay đã có hơn 4.300 hộ nuôi có cua bị bệnh, với diện tích trên 13.100ha, mức độ thiệt hại bình quân khoảng 52%. Theo người dân địa phương, thời điểm này hằng năm cua nuôi dễ bị thiệt hại nhưng chưa bao giờ bị chết hàng loạt như 2 năm nay. Đáng nói, tình trạng cua chết năm nay còn có chiều hướng phức tạp hơn năm rồi.

Bà Nguyễn Thị Yến ở xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, chia sẻ: “Năm ngoái tôi thả hơn 30.000 con nhưng cua bị thiệt hại, chẳng thu được bao nhiêu. Năm nay, gia đình chỉ thả gần 8.000 con. Đầu năm đến nay chưa được 2 tháng mà cua chết nhiều rồi, thiệt hại chắc còn nặng hơn năm rồi. Một số cua tôi bắt được trói xong để một chút thì tự rụng càng rồi chết”.

Cùng kỳ năm ngoái, tình hình cua chết hàng loạt cũng xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Năm nay, thực trạng này không chỉ xảy ra ở huyện Năm Căn mà còn được ghi nhận tại các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển.

Cua chết do ký sinh trùng giáp xác chân tơ

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết đã phối hợp với Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu tiến hành thu 24 mẫu cua thuộc các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước và Thới Bình để kiểm tra, phân tích, đồng thời báo cáo UBND tỉnh kết quả xác minh nguyên nhân khiến cua chết bất thường trên địa bàn tỉnh.

Kết quả cho thấy, phần lớn cua nuôi của hộ dân có màu sắc tối, hoạt động chậm chạp, rũ chân và chết nhanh sau khi thu hoạch. Qua giải phẫu, cua bị đen mang từ mức độ nhẹ đến nặng, cơ thịt nhão, một số cơ chuyển màu hồng nhạt…

Sau khi phân tích tác nhân gây bệnh, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu xác định ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua. Tỷ lệ cua nhiễm bệnh là 93,1%, mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/1 mẫu cua. Bên cạnh đó còn có 1 loại vi khuẩn (V. parahaemolyticus sp) là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong môi trường nước nuôi và cả cơ, gan cua với mật độ khá cao. Đây cũng chính là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường.

Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, người dân địa phương nuôi cua thả quanh năm và không ngắt vụ nên mầm bệnh tích tụ trong môi trường nuôi, khi gặp điều kiện thuận lợi (thời tiết nắng nóng, thời điểm giao mùa) sẽ phát tán nhanh, gây thiệt hại lớn. Hiện vẫn chưa có biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả đối với ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trên cua.

Trong khi chờ các nghiên cứu khoa học sắp triển khai nhằm có giải pháp đặc trị bệnh trên cua, ngành chức năng Cà Mau khuyến cáo cần phải thu hoạch ngay lượng cua còn lại trong vuông nuôi để hạn chế thiệt hại, không nên thả thêm giống vào vuông nuôi để cắt vụ nuôi; cải tạo lại vuông nuôi bằng cách xả cạn nước, xử lý bùn đáy vuông để tránh mầm bệnh tồn lưu dưới đáy vuông nuôi. Phơi nắng đầm nuôi từ 3-5 ngày và dùng vôi nóng (CaO) xử lý nước, cải tạo vuông với số lượng vôi 400-500kg/ha. Đặc biệt, chú trọng xử lý nước trong kênh, mương để xử lý ký sinh trùng, giáp xác, vi khuẩn... diệt mầm bệnh. Đối với những vuông nuôi có rừng, cần thu gom lá cây đước còn tồn đọng ở kênh, mương. Những nơi lấy nước vào vuông nuôi bằng máy bơm cần có túi lọc để loại bỏ ấu trùng giáp xác gây hại cho động vật nuôi. Nếu có điều kiện thì xử lý nguồn nước trước khi thả giống. Nhà nông cần chọn con giống khỏe mạnh được ương dưỡng có kích cỡ tương đối lớn trước khi thả nuôi, thả giống với mật độ vừa phải, không nên thả quá nhiều giống do không đủ thức ăn tự nhiên làm cua chậm lớn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết