Một nông dân ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang sau 6 năm trồng cây siro - loài cây khá mới ở địa phương, cho trái màu đỏ rực, ngoài giá trị kinh tế cao còn thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Cung đường đỏ rực cây siro ở Tiền Giang
Đã 12 giờ trưa, trời nắng gay gắt nhưng hai bên đường trước nhà ông Nguyễn Văn Vũ (58 tuổi, ngụ xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vẫn có hàng chục khách du lịch đến tham quan. Hơn 20 gốc cây siro mọc ven đường đang vào mùa sai trái, chín đỏ rực cả một góc đường.
“Tôi xem trên mạng xã hội thấy giới thiệu ở đây có vườn cây đẹp nên rủ nhóm bạn đến chụp ảnh. Đây là lần đầu tiên tôi thấy loài cây lạ lẫm nhưng đẹp mê hồn này” - chị Nguyễn Thị Diễm - du khách đến từ tỉnh Bến Tre, bộc bạch.
Do có nhiều người đến xem, một số người vô tư hái nhiều trái nên ông Vũ chủ động chuẩn bị sẵn một giỏ đầy trái siro cho du khách chụp ảnh. Ở một góc nhà, dưới tán cây siro râm mát, ông cũng bố trí một bàn uống nước trưng bày các sản phẩm chế biến từ trái siro cho du khách dùng thử. Theo ông Vũ, cách đây 6 năm, một lần ông đi tham quan ở núi Long Sơn, TP.Vũng Tàu, phát hiện loài cây lạ có trái rất đẹp mắt nên đem hạt về trồng thử. “Từ khi ươm hạt đến lúc cây cao khoảng 10cm mất khoảng 1 năm. Sau đó, bước qua năm thứ hai, thứ ba là cây đã cho nhiều trái” - ông Vũ cho biết.
Cây siro thuộc họ Dừa cạn, là loài cây bụi, cao khoảng 2-4m, thân giống với cây sơ ri, mọc nhiều ở châu Á. Chủ vườn cho biết, cây rất dễ trồng, ít sâu, bệnh và ruồi đục quả nên không cần dùng đến phân, thuốc, chỉ cần tưới nước đều đặn là cây phát triển nhanh. Từ tháng Giêng, cây bắt đầu trổ hoa. Hoa có màu trắng muốt và hình dạng giống như hoa mai chiếu thủy, đến tháng 6 âm lịch, cây ra trái rầm rộ và tàn sau khoảng hơn 1 tháng.
Từ đợt cây ra trái đầu tiên, do trái có vị chua như chanh, mùi thơm, màu đỏ đẹp mắt nên gia đình ông Vũ thử nghiệm hái trái chín làm siro và được nhiều người dùng thích thú. Sau đó, ông Vũ tiếp tục nghiên cứu chế biến trái làm kẹo, mứt và đem ngâm rượu phục vụ tại chỗ, bán cho khách du lịch mang về làm quà.
“Bận rộn tối ngày vì khách liên tục đến. Vào dịp cuối tuần hoặc ngày nghỉ, có đến cả trăm người khách đến hỏi, mình phải tiếp, nhưng thấy khách vui, mình bán được sản phẩm nên cũng không phiền gì” - chủ vườn vui vẻ chia sẻ. Các loại siro, mứt, kẹo được ông vô bao bì, keo nhựa bán với giá từ 50.000-100.000 đồng/sản phẩm.
Ông Vũ chuẩn bị sẵn một giỏ đầy trái siro cho du khách chụp ảnh
Hiện tại, ngoài 20 gốc cây bố mẹ, ông Vũ đang tận dụng đất vườn để nhân giống thêm khoảng 50 gốc cây chiết trưởng thành sắp cho trái và hàng trăm cây siro con. Cây con tùy theo kích cỡ được gia đình ông bán với giá 20.000-150.000 đồng/cây. Nhiều người chơi cây cảnh xem qua mạng xã hội thấy cây đẹp nên đã liên hệ hỏi mua.
“Bình quân cây làm bonsai, tôi bán giá khoảng 2,5 triệu đồng mỗi gốc. Còn những cây lâu năm có dáng đẹp, vô chậu tươm tất, có chậu khách trả cả chục triệu đồng” - ông Vũ nói.
Hiện nay, nhiều người dân địa phương thấy vườn cây của ông Vũ làm ăn hiệu quả cũng đến hỏi mua về nhân giống. Theo chủ vườn, do địa phương nằm gần cung đường du lịch biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, nên ngoài bán sản phẩm, cây giống, ông đang nghiên cứu xử lý cho cây ra trái nghịch mùa. Đồng thời nhờ một số đơn vị tư vấn để kết hợp với các tour du lịch chuyên nghiệp, chứ không làm kiểu manh mún như hiện nay.
Theo Báo Long An