29/11/2009 - 21:39

Triển vọng xuất khẩu gạo năm 2010

Cơ hội nâng cao giá trị gạo Việt Nam

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 25-11-2009, lượng gạo ký hợp đồng đạt trên 6,72 triệu tấn, tăng hơn 47,8% so cùng kỳ và lượng đã giao ở thời điểm này đạt 5,601 triệu tấn. Số lượng giao trong tháng 12-2009 khoảng 1,12 triệu tấn. Trong năm 2009 này, lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 6 triệu tấn các loại. Chiếm 15% thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu, nhưng hạt gạo Việt Nam giá trị xuất còn thấp, một bộ phận đời sống người trồng lúa còn gặp khó khăn. Năm 2010, các chuyên gia thị trường cho rằng, sẽ có nhiều triển vọng cho ngành gạo nhưng cần liên kết lại để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.

GẠO CẤP CAO XUẤT KHẨU CHIẾM GẦN 40%

Theo VFA, 11 tháng năm 2009, các DN đã xuất 5,601 triệu tấn gạo các loại với trị giá hơn 2,2 tỉ USD, tăng hơn 33,4% về lượng nhưng lại giảm gần 7,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2008. Giá xuất bình quân hơn 404 USD/tấn, giảm trên 180,8 USD/tấn so cùng kỳ năm trước. Trong các hợp đồng xuất khẩu gạo thì hợp đồng tập trung chiếm hơn 42,8%, hợp đồng thương mại hơn 57% trên tổng lượng gạo xuất khẩu tính đến thời điểm này. Gạo cấp cao chiếm gần 40%; gạo cấp thấp hơn 27,4%, còn lại là gạo cấp trung bình. Đây là thành tựu của ngành xuất khẩu gạo trong chiến lược phân khúc thị trường, bởi mấy năm trước, Việt Nam chủ yếu xuất gạo cấp thấp, gạo cấp cao chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Hoạt động chế biến gạo xuất khẩu ở Công ty Gentraco - Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN 

Trong 9 tháng đầu năm 2009, giá gạo xuất khẩu gần như không thay đổi, gạo 5% tấm dao động ở mức 400 USD/tấn, gạo 25% tấm chỉ 350 USD/tấn. Do có thông tin Ấn Độ tăng dự trữ gạo lên 20 triệu tấn, Thái Lan tăng lên 6 triệu tấn và có kế hoạch bán ra nhằm giảm chi phí lưu khó. Nguồn cung gạo các nước châu Á tăng trong khi nhu cầu thị trường không nhiều và tác động trực tiếp đến thị trường trong nước, giá lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu có thời điểm giảm còn 3.400 đồng/kg (tháng 3-2009), nhưng đầu tháng 4-2009 đột ngột tăng lên 4.600 đồng/kg, lúc này ĐBSCL đang thu hoạch lúa đông xuân và giá giao dịch gạo thế giới giảm đáng kể. Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong, cho biết: “Giá gạo thế giới giảm, nhưng VFA vẫn giữ giá điều hành 400 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và giá 350 USD/tấn với gạo 25% tấm nhằm chờ thời cơ giữ thị trường và tránh bị đối thủ ép giá. Từ tháng 11-2009, giá gạo giao dịch trên thị trường tăng, giá lúa cũng tăng lên mức 5.000 đồng/kg”. Thêm vào đó, VFA kêu gọi các thành viên hiệp hội thu mua lúa dự trữ trong dân 2 đợt với tổng lượng lên đến 900.000 tấn và Chính phủ yêu cầu các DN mua với giá sàn 3.800 đồng/kg, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trên 30%. Những động thái này đã góp phần giữ thị trường xuất khẩu và ổn định thị trường trong nước theo hướng có lợi cho nông dân. Dự kiến cuối tháng 11-2009, lượng gạo tồn kho trong DN khoảng 2 triệu tấn, đây là qui mô dự trữ cao nhất từ trước đến nay. Các DN xuất khẩu cũng thực hiện nghiêm túc các qui chế điều hành do VFA qui định.

Theo các DN kinh doanh lúa gạo tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, giá lúa hiện dao động ở mức 5.000- 5.600 đồng/kg, gạo loại I 7.000-7.600 đồng/kg. Hiện nông dân đang gieo sạ vụ đông xuân 2009-2010, nên lượng lúa tồn trong dân còn không nhiều, phần lớn nằm trong kho của DN. Điểm đáng ghi nhận về xuất khẩu 2009 là DN chủ động lưu kho và chờ giá. Còn năm 2008 do DN bị động thị trường nên xảy ra cơn sốt gạo cục bộ và người trồng lúa thua thiệt. Mặc dù giá lúa gạo hiện đang tăng từng ngày, nhưng theo giới kinh doanh, giá gạo sẽ không sốt và tăng đột biến vì lượng gạo trong kho DN đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mặc dù đạt con số kỷ lục cao nhất về lượng gạo xuất khẩu từ 1989 đến nay, nhưng chất lượng hạt gạo còn thấp, giá trị tăng thêm không cao. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chỉ 25% nông dân tiếp cận được thông tin thị trường và 90% sản phẩm nông nghiệp bán ở dạng thô. Trong khi đó, mối liên kết “4 nhà” chưa thực sự hài hòa để các bên cùng có lợi. Điều này làm giảm chất lượng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam ở thị trường quốc tế, giá gạo xuất bình quân cũng giảm. Năm 2008, giá gạo bình quân 614USD/tấn, còn tính đến thời điểm này, giá gạo xuất khẩu chỉ hơn 404USD/tấn. Các chuyên gia đánh giá chất lượng gạo Việt Nam không kém so với các nước xuất khẩu gạo trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan. Giá xuất thấp là do việc điều tiết, tiếp cận thị trường còn nhiều hạn chế...

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT

Mới đây, Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI) phối hợp cùng VFA, Viện chính sách và chiến lược (Agroinfo) thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo “Triển vọng ngành lúa gạo Việt Nam năm 2010”. Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, để ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL phát triển bền vững, cần có sự liên kết của “4 nhà” trong xây dựng vùng nguyên liệu. Thêm vào đó, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển, trong đó tập trung giải quyết khâu thu hoạch, tiêu thụ để đảm bảo đầu ra, chất lượng hạt gạo và khuyến khích nông dân gắn bó với đồng ruộng. Bởi Pakistan và Myanmar đang nổi lên trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam tại thị trường gạo phẩm cấp thấp 25% tấm ở châu Phi.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ nêu quan điểm: “Cần nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo để kết nối từng khâu trong sản xuất và tiêu thụ. Gạo Việt Nam thấp hơn gạo Thái Lan khoảng 60USD/tấn do hệ thống phân phối yếu kém, phải qua nhiều tầng nấc và người bán chiếm giữ giá trị tăng thêm đa số, nông dân rất thiệt thòi. Phải giảm chi phí trung gian để rút ngắn khoảng cách lưu thông của hạt gạo từ ruộng của nông dân đến thẳng nhà máy. Vừa khuyến khích nông dân gia tăng sản xuất, vừa giải quyết những yếu kém tồn tại từ trước đến nay trong khâu phân phối”. Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho rằng, nhu cầu gạo thế giới ngày một tăng, nhưng các nước nhập khẩu dù thiếu ăn vẫn lấy rào cản về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm làm rào cản gia nhập thị trường của gạo Việt Nam. Do vậy, nông dân cần chú trọng khâu sản xuất an toàn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Dự kiến cả năm 2009, Việt Nam sẽ xuất khoảng 6 triệu tấn gạo các loại. Các chuyên gia dự báo, thị trường gạo năm 2010 sẽ sôi động hơn 2009 và giá xuất cũng tăng cao hơn, DN sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới. Trước mắt, theo dự báo của Phó chủ tịch kênh thông tin Rice Trader, Tổng biên tập tạp chí Rice Today (thuộc Viện Lúa quốc tế - IRRI), trong tháng 2 và tháng 3-2010, nhu cầu nhập khẩu gạo của Ấn Độ có thể đạt mức 1,5-2 triệu tấn. Ngay trong tháng 12-2009, Philippines sẽ mở thầu 600.000 tấn gạo các loại. Đây là cơ hội cho DN Việt Nam nắm bắt để đàm phán hợp đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), đề xuất: “Nâng cao giá trị hạt gạo, cần dựa trên liên kết 4 nhà và hành xử theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên để liên kết này thật sự bền vững. Các DN xuất khẩu cần chọn thị trường, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng ở thị trường đó để đặt hàng cho nông dân sản xuất loại giống mình cần và dĩ nhiên phải có sự tham gia của nhà khoa học trong công tác nghiên cứu”.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết