29/08/2010 - 21:40

Kiểm tra tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở một số phường:

Có chuyển biến, nhưng chưa toàn diện

Đoàn kiểm tra QCDC của Thành ủy Cần Thơ kiểm tra việc thực hiện QCDC ở phường An Khánh (quận Ninh Kiều).

Đầu tháng 8-2010, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) của Thành ủy Cần Thơ đã kiểm tra việc triển khai và thực hiện dân chủ theo Pháp lệnh 34 về việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn và Nghị định 71 về quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan... Qua kiểm tra cho thấy, việc triển khai và thực hiện QCDC được các địa phương quan tâm, tạo sự chuyển biến khá rõ nét. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi vẫn còn những sai sót cần nhanh chóng khắc phục….

Nhiều chuyển biến

Kết quả kiểm tra việc lãnh đạo triển khai và thực hiện Pháp lệnh 34 và Nghị định 71/NĐ-CP ở các phường Thới An Đông (quận Bình Thủy), Tân Phú (quận Cái Răng) và An Khánh, Xuân Khánh (quận Ninh Kiều), cho thấy các địa phương đều quan tâm triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết về thực hiện dân chủ, lồng ghép việc thực hiện dân chủ với nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị; xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, quy chế làm việc của cơ quan, quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử của CBCC; nội quy cơ quan, nội quy tiếp dân... Qua đó, nâng cao nhận thức của CBCC về thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, phát huy quyền dân chủ, đóng góp ý kiến xây dựng cơ quan. Đồng chí Ngô Thị Nga, Bí thư Đảng ủy phường An Khánh, cho biết: “Đảng ủy, UBND phường luôn xác định thực hiện QCDC là yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng cơ quan đoàn kết, văn minh, hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Từ nhận thức trên, Đảng ủy và UBND và các đoàn thể phường An Khánh đều xây dựng và tuân thủ nghiêm quy chế làm việc. Các khoản chi tiêu nội bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, nâng lương cho CBCC... được lãnh đạo phường thực hiện công khai. Đơn vị cũng duy trì họp lệ (tuần, tháng, quý) để đánh giá những công việc đã làm được và chưa được, nhắc nhở CBCC phường nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động giải quyết công việc được giao... Kết quả bình xét đánh giá CBCC cuối năm 2009, toàn phường có 34/53 CBCC đạt danh hiệu lao động tiên tiến và đề nghị cấp quận khen 11 đồng chí.

Đi đôi với việc thực hiện QCDC trong nội bộ, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đều quan tâm triển khai và thực hiện nghiêm các nội dung về QCDC ở cơ sở ra nhân dân. Tại trụ sở làm việc của các phường có niêm yết, công khai các văn bản hành chính, thu chi tài chính cho dân biết; phân công cán bộ trực tiếp dân ở bộ phận “một cửa”; hàng tuần lãnh đạo địa phương đều dành một ngày tiếp dân để giải quyết các khiếu nại... Các vấn đề có liên quan đến nhân dân như bình xét hộ nghèo, gia đình văn hóa, cất nhà tình thương, tình nghĩa, thu chi các nguồn quỹ... đều được công khai để người dân bàn bạc, góp ý. Một số đơn vị còn thiết lập hòm thư, đường dây nóng..., tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của CBCC và quần chúng nhân dân đối với hoạt động của đơn vị. Chính nhờ thực hiện tốt QCDC chủ, nhiều địa phương đã khơi dậy và phát huy tốt sức dân đóng góp xây dựng KT-XH địa phương ngày càng phát triển. Điển hình như ở phường Tân Phú, thông qua các cuộc họp HĐND, tiếp xúc cử tri, sinh hoạt các đoàn thể, nhóm, tổ và trên đài truyền thanh... phường triển khai rộng rãi các chủ trương, chính sách mới; vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương, đồng thời lắng nghe và giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề mà người dân đặt ra. 6 tháng đầu năm 2010, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở phường đã vận động nhân dân hiến đất, hoa màu trị giá khoảng 3,8 tỉ đồng cùng Nhà nước đầu tư làm mặt cứng tuyến lộ từ Ba Dầu đến lộ Quang Trung – Cái Cui dài 1.500m. Công tác thu ngân sách đạt 62,88%; phường cũng đã xây dựng 2 căn nhà tình thương; xác nhận và giới thiệu việc làm cho 320 lao động; mở 2 lớp dạy nghề cho 60 học viên, mở 4 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật có 135 lượt người dự; hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học hơn 2,2 triệu đồng...

Những hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những chuyển biến, kết quả kiểm tra cho thấy, từng lúc, từng nơi công tác triển khai thực hiện QCDC ở các địa phương vẫn còn một số mặt hạn chế. Như ở phường Thới An Đông, thời điểm kiểm tra, đơn vị chưa xây dựng quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan và các quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng tài sản công, chi trả thu nhập tăng thêm... theo quy định. Mặc dù thời điểm kiểm tra đã là tháng 8, nhưng đơn vị vẫn chưa tổ chức hội nghị CBCC năm 2010, không bầu Ban Thanh tra nhân dân. Ban Chỉ đạo Thực hiện QCDC phường không xây dựng báo cáo tổng kết việc thực hiện QCDC năm 2009 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2010, không xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở định kỳ hàng năm. Việc công khai các nguồn quỹ chưa tốt là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quỹ xây dựng nông thôn bị chiếm dụng. UBND phường không có văn bản thông báo, niêm yết thông báo các nguồn thu hàng năm đối với hộ dân mà chỉ thông báo các nguồn thu qua đài truyền thanh...

Một hạn chế khác mà đoàn kiểm tra cũng ghi nhận ở một số địa phương là không thành lập Ban Thanh tra Nhân dân theo quy định của Nghị định 71. Mặc dù Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể nội dung giám sát tất cả các dự án đầu tư, nhưng thực tế ở nhiều nơi, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chỉ tham gia giám sát các dự án đầu tư của phường (có sự đóng góp tiền, công sức của nhân dân) chứ không giám sát các loại dự án đầu tư còn lại... Điển hình như ở phường An Khánh hiện có 44 dự án quy hoạch đang triển khai thực hiện trên diện tích 229,20 ha, với 2.915 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó có 1/3 trong tổng số các dự án kéo dài từ 5 đến 7 năm, gây bức xúc, trong nhân dân, nhưng do không tham gia giám sát, nên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng của phường chưa kịp thời phản ánh với các cơ quan chứa năng xem xét giải quyết...

Để thực hiện tốt hơn nữa QCDC trong thời gian tới, các thành viên trong Đoàn kiểm tra đề nghị lãnh đạo các địa phương cần tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện QCDC trong tình hình mới đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Song song với thực hiện Pháp lệnh 34 về thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn, lãnh đạo các phường cần quan tâm thực hiện tốt Nghị định 71 về thực hiện QCDC trong cơ quan, tạo được sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ; củng cố Ban chỉ đạo QCDC đúng theo quy định và chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác này; tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận, các đoàn thể, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; nắm bắt và kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân để các cơ quan chức năng xem xét giải quyết; quan tâm thực hiện việc niêm yết công khai các nguồn thu trong dân hàng năm để nhân dân kiểm tra, giám sát. Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC phường cần tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, nhằm giúp địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết