10/01/2019 - 08:18

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Cơ cấu lại ngân sách và nợ công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài của ngành Tài chính 

* Đón Tết Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm

(CT)- Chiều 9-1, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Trực tuyến Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng và các sở, ban, ngành thành phố tham gia Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Cần Thơ.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Tài chính phải bứt phá hơn nữa trong năm 2019. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính, lãnh đạo bộ, các đơn vị thuộc BộTài chính, các địa phương phải đi đầu trong thực hiện phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” với quyết tâm lớn nhất để điều hành đồng bộ quyết liệt, hiệu quả hơn nữa nhằm tạo chuyển biến thực sự trong năm 2019. Cụ thể là quyết tâm tổng thu ngân sách phấn đấu đạt 1,5 triệu tỉ đồng, bội chi ngân sách ở mức 3,5%, dư nợ công duy trì ở mức 61,3% GDP, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống còn 65%. Ngành tài chính phải thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiệu quả, cơ cấu lại ngân sách và nợ công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trước mắt và lâu dài của ngành Tài chính. Cần có giải pháp để tăng thu nội địa, tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên, nghiên cứu đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập. Chi ngân sách Nhà nước phải đảm bảo tiết kiệm, kiểm soát tốt hơn nữa trong chi ngân sách trung ương và địa phương. Tăng cường quản lý vốn đầu tư công, vốn ODA… không để xảy ra thất thoát. Tập trung quản lý tài sản công, không để xảy ra thất thoát cho ngân sách nhà nước. Ngành Tài chính, Hải quan, Thuế phải đi đầu trong phòng chống tham nhũng. Thủ tướng tin tưởng vào sự lớn mạnh của ngành Tài chính sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước và sẽ quan tâm tạo điều kiện cho ngành tài chính hoàn thành nhiệm vụ. Gửi lời chúc một năm mới may mắn và thành công đến toàn ngành Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu toàn ngành tăng cường các biện pháp đón Tết Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt việc không tổ chức thăm, chúc tết, tặng quà lãnh đạo, cơ quan, đơn vị trong dịp Tết, không sử dụng phương tiện, tài sản công để phục vụ nhu cầu cá nhân mà tập trung dành thời gian chăm lo cho gia đình chính sách, người nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng thiên tai trong dịp Tết…

Theo Bộ Tài chính, đến hết 31-12-2018, thu cân đối NSNN ước đạt 1.422,7 ngàn tỉ đồng, vượt 7,8% so dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5% so dự toán. Năm 2018, cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27%, (mục tiêu giai đoạn 2016-2020, chi thường xuyên dưới 62% tổng chi NSNN. Dự phòng ngân sách các cấp được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định. Trong đó, ngân sách Trung ương đã sử dụng trên 2,5 ngàn tỉ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, lụt, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai. Bên cạnh đó, đã xuất cấp trên 122,4 ngàn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu đói, cứu trợ cho nhân dân, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Ước tính đến 31-12-2018, vốn giải ngân mới đạt 67,6% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 70,7% dự toán), trong đó vốn ngoài nước đạt 39,6%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 40,4% dự toán. Bội chi NSNN năm 2018 ước dưới 3,6%GDP thực hiện (dự toán 3,7%GDP); nợ công dưới 61%GDP.  Công tác quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro. 

Năm 2019, Bộ Tài chính xác định sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế theo hướng mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, chống chuyển giá, cơ cấu lại nguồn thu, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. Phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán và đạt tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP. Đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN. Điều hành chi NSNN theo dự toán, tăng cường thực hành tiết kiệm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (cả vốn trái phiếu Chính phủ và vốn nước ngoài). Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; không để phát sinh mới nợ đọng xây dựng cơ bản. Chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh theo chế độ. 

Tin, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết