27/03/2008 - 09:02

Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII

Cơ bản đồng tình hạ mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống còn 25%

* Không phạt tiền đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi vi phạm hành chính

Sáng 26-3, thảo luận về dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) tại phiên họp thứ 7 của UBTVQH khóa XII, đa số các ủy viên cơ bản đồng tình với đề xuất hạ mức thuế suất chung từ 28% xuống còn 25% để khuyến khích tổng thể nền kinh tế, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện tăng tích lũy, tích tụ, thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Về ưu đãi thuế, theo tờ trình do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, dự thảo Luật đề nghị cải cách ưu đãi thuế theo nguyên tắc giữ mức ưu đãi thuế cao nhất để không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nhưng cần có khoảng cách chênh lệch đủ lớn so với mức ưu đãi thấp hơn; thu hẹp diện ưu đãi theo ngành nghề, lĩnh vực tạo tính hấp dẫn của mức ưu đãi cao. Cụ thể như sau: Áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 10% trong 15 năm và miễn thuế tối đa trong 4 năm, giảm 50% số thuế tối đa trong 9 năm tiếp theo) đối với các doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động tại địa bàn khó khăn; doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực mũi nhọn, các lĩnh vực đang được khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa. Áp dụng mức thuế suất 20% trong thời gian 10 năm, miễn thuế tối đa 2 năm và giảm 50% tối đa 4 năm đối với doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động tại địa bàn khó khăn...Dự thảo luật còn quy định ưu đãi mới cho tất cả các doanh nghiệp được trích đến 10% thu nhập trước khi tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ.

Xét tổng thể, việc thiết kế thuế suất và các ưu đãi thuế bảo đảm duy trì được chính sách ưu đãi hiện hành, tạo được động lực khuyến khích mới cho toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách ưu đãi này khắc phục được các tồn tại, hạn chế của chính sách hiện hành về tính phức tạp, dàn trải và hạn chế trong việc ưu tiên phân bổ nguồn lực cho vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, bảo đảm cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta phù hợp với xu thế chung của thế giới và khu vực. Việc điều chỉnh giảm thuế suất và sắp xếp lại ưu đãi ảnh hưởng làm giảm thu ngân sách khoảng 5.000 tỉ một năm. Trước mắt tuy có giảm thuế do hạ thuế suất chung nhưng bù lại, với chính sách ưu đãi đồng bộ và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, cùng với việc tăng trưởng kinh tế sẽ tạo nên tăng trưởng nguồn thu một cách bền vững, ổn định trong tương lai. Ngoài ra, việc sửa đổi lần này còn bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, trong xác định chi phí được trừ, thu nhập chịu thuế, ưu đãi thuế cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tính tự giác trong kê khai nộp thuế, trên cơ sở đó bảo đảm tăng thu trong dài hạn.

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, hiện nay các doanh nghiệp đang tăng nhanh về số lượng, dự kiến là 500.000 vào năm 2010. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, giá cả vật tư, nguyên vật liệu đầu vào tăng, việc giảm mức thuế suất chung là nhằm để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, giảm thuế không đồng nghĩa giảm thu. Mức thuế suất 25% là hợp lý, nhưng cần phân tích rõ và chặt chẽ hơn...

* Chiều 26-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; nhất trí không bổ sung quy định về phạt tiền đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi vi phạm hành chính.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không nên bổ sung quy định về phạt tiền đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi vi phạm hành chính (Điều 7 và Điều 13) để bảo đảm nguyên tắc nhất quán trong chính sách xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật của Nhà nước ta. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải tiến hành linh hoạt, có thể chỉ phạt cảnh cáo, đồng thời kết hợp giữa xử phạt và thông báo về gia đình, nhà trường hoặc nơi cư trú để cùng giáo dục. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cho rằng, không nên sửa đổi Điều 7 và Điều 13, vì như vậy sẽ trái với quy định của Bộ Luật hình sự. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng nêu ý kiến, người nộp phạt phải là người làm ra tiền, trong khi trẻ em từ 14 tuổi đến 16 tuổi chưa làm ra tiền. Nếu tiến hành xử phạt những trẻ em trong lứa tuổi này vi phạm hành chính thì các em lại phải xin tiền bố, mẹ hoặc người nhà. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba đề nghị nên quy định chỉ xử phạt tiền đối với trẻ em có hành vi vi phạm hành chính từ đủ 16 tuổi trở lên...

THANH HÒA – ĐỖ CƯỜNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết