26/07/2009 - 19:59

Chuyện về những người có khả năng kỳ lạ
Kỳ 7: Ông Tư Mù giỏi nghề đi biển

Nghề đi biển là một nghề khó nhọc, luôn phải đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, chỉ thích hợp với những người có sức khỏe tốt. Thế nhưng, ở vùng biển Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, có một người đàn ông bị mù, sống bằng nghề đi biển đã hơn 20 năm nay. Ông tên là Hồ Văn Bỉ, nhưng đến xã Nguyễn Việt Khái hỏi ông Tư Mù, ai cũng biết. Bà con nơi đây rất quý ông, vì ông không chỉ là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, mà còn bởi tính thương người, hào hiệp, sống chan hòa, tình nghĩa với xóm giềng.

* “Không có việc gì khó”

Cũng giống như nhiều vùng biển khác, biển Gò Công có lúc hiền hòa, nhiều tôm, cá, nhưng cũng có lúc trở nên hung tợn, nổi sóng to, gió lớn như muốn nuốt chửng mọi thứ. Vậy mà ông Tư Mù bất chấp hiểm nguy, thường một mình ra biển tìm bắt con tôm, con cá để lo cái ăn, cái mặc cho gia đình.

Hầu như ngày nào cũng vậy, khi thủy triều xuống là ông Tư Mù có mặt tại bãi biển Gò Công với bộ đồ nghề đi biển. Gọi là bộ đồ nghề cho oai nhưng chỉ vài món đồ cũ kỹ: đôi bao tay, cái thùng xốp, vài chiếc lộng lưới, cây gậy, gói thuốc lá rẻ tiền... Và hành trình kiếm sống nơi biển cả của ông Tư Mù không có giới hạn thời gian. Hôm nào trúng đậm, ông về sớm, còn thất thu, dù đêm khuya, biển động, ông vẫn trầm mình hì hụp mò cá, mò tôm, đến khi nào đủ đổi gạo cho cả gia đình thì mới về.

Theo chân ông Tư Mù đi biển, tôi cảm giác được nỗi vất vả, khó nhọc, nguy hiểm của ông. “Đêm nay nước ròng rất lâu. Đêm ở biển lạnh và khó chịu lắm, chú đi biển không quen, chỉ trầm mình dưới nước một chút là lạnh cóng, chịu không nỗi đâu. Hay chú ở nhà nghỉ cho khỏe!”- ông Tư Mù khuyên tôi.

Ông Tư Mù rành rẽ từng vũng nước sâu, nước cạn, khu vực thường có nước xoáy mạnh, chảy xiết, nơi có đá ngầm... ở bãi biển Gò Công. Ông nắm rõ quy luật thủy triều lên xuống và những nơi có nhiều tôm, cá. “Nhưng ông mù thì làm sao biết đường đi ra biển, vô đất liền?”- tôi hỏi. Ông Tư Mù nhanh miệng đáp: “Có khó gì đâu, nếu mùa gió bấc thì đi hướng ngược chiều gió, còn mùa gió nam thì đi hướng cùng chiều gió là vô đất liền. Trời êm, gió lặng thì hướng vô bờ là hướng có tiếng chó sủa, tiếng máy chạy”.

Từ nhà ông Tư Mù ra đến cửa biển Gò Công trên 3km. Trời về đêm tối đen như mực, gió, mưa tầm tã, lạnh buốt. Đường đi ngoằn ngoèo, sình lún đến đầu gối, hết băng qua đám đước, đám mắm, rồi lại bơi qua hố sâu. Vậy mà ông Tư Mù đi nhanh nhẹn, quen thuộc đường như đi trong nhà mình vậy. Lội theo sau, dù có chiếc đèn pin soi đường nhưng không ít lần tôi phải cầu cứu sự giúp đỡ của ông mỗi khi bị vỏ sò, vỏ ốc cắt chân. “Từ nhà đi trên đường bê tông khoảng 500m, cuối đoạn đường bê tông quẹo phải, đi thẳng khi nào đến đám đước có nhiều cây to thì rẽ trái, đi đến khi nào hút liên tục hết 2 điếu thuốc thì rẽ phải, đi thẳng ra hướng có tiếng sóng vỗ, gió thổi mạnh là tới biển. Khi đến biển phải ngâm mình xuống nước tới cằm thì mới tránh được cái lạnh”- ông Tư Mù nói.

Bãi biển mênh mông, giữ cho không bị nước cuốn trôi đã là chuyện khó, đằng này lội ra khơi hàng trăm mét, còn phải mò cá, bắt tôm, bắt sò, một công việc không đơn giản chút nào. Lặn hụp trong chốc lát, 2 con cá ngát mỗi con gần cả ký đã nằm gọn trong giỏ của ông Tư Mù. Đưa 2 con cá cho tôi xem, ông Tư Mù nói: “Mò tôm, cua thì không khó nhưng muốn bắt được cá ngát ở biển là một việc gian nan, đòi hỏi ngư dân phải rành rẽ về qui luật làm hang của loài cá này”. Rồi ông bật mí: “Để tránh sự săn đuổi của thiên địch, ngoài hang chính, cá ngát còn làm rất nhiều hang phụ để thoát thân khi gặp nguy hiểm. Do đó, muốn bắt được chúng, phải bít hết các hang phụ, rồi dùng lộng lưới đặt ở miệng hang chính. Từ khi đi biển đến nay, gặp hang cá ngát, ít có con cá ngát nào thoát khỏi đôi bàn tay của ông Tư Mù. Nhưng cũng có khi bị “tổ trác”, ngạnh cá ngát đâm vào tay, chân, làm ông đau nhức dữ dội. “Loại cá này nấu canh chua ăn thì hết sẩy, nhưng khi bắt không cẩn thận bị ngạnh đâm nọc độc tiết ra làm cơ thể đau nhức dữ tợn lắm”- ông Tư Mù nói.

Nhưng nghề đi biển đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ, sự nguy hiểm luôn rình rập. Có hôm sóng to, gió lớn, nước chảy xiết, ông Tư Mù chỉ biết ôm chặt cột lú, trầm mình chịu trận. Hay những lúc lặn hụp dưới nước, xuồng ghe có thể đụng phải bất cứ lúc nào. Từ khi bắt đầu nghề đi biển đến nay, ông Tư Mù đã hụt chết cả chục lần. Căng nhất là vào năm 1997, cơn bão số 5 đi qua vùng ĐBSCL, gây biết bao tang thương cho dân lành. Hôm bão gần đổ bộ vào đất liền, vợ con ông đợi cả ngày nhưng không thấy ông Tư Mù về, mọi người cứ tưởng ông đã bị nước cuốn trôi, chết ngoài biển. Đến khi gia đình, hàng xóm định làm đám tang cho ông thì thấy ông lửng thửng trở về. Ông Tư Mù nhớ lại: “Trong cái rủi cũng có cái may, năm đó bão đến mà không kịp vô bờ, tôi bám chặt cây cột lú. Từ sáng sớm đến gần chiều tối mà vẫn không có người đi qua cứu vớt. Còn sức thì tôi cứ bám đại, chứ trong đầu nghĩ mình chắc không qua nổi cơn bão dữ này. Nhưng hên hết biết, đang lúc tuyệt vọng thì có tiếng gọi “nắm chặt dây vào!”. Thì ra, một chiếc tàu đánh cá đang chạy vào cửa biển trú bão, phát hiện tôi và đã kịp thời cứu giúp”.

Cơ duyên ông Tư Mù đến với nghề đi biển cũng hết sức tình cờ. Ông vốn là người gốc ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Nhà không đất sản xuất, cha mẹ 2 bên thì chẳng khá giả gì, vợ chồng ông phiêu bạt đến huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, hơn 5 năm để mưu sinh, nhưng cuộc sống cũng không khá hơn trước. Nghe người ta đồn khu vực bãi bồi ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, có nhiều tôm cá, vợ chồng ông lại tìm đến dựng chòi, kiếm sống, không được bao lâu thì bị nhà nước giải tỏa. Không nhà, không đất, không nghề nghiệp trong tay, vợ chồng ông tìm đến người anh bà con ở cửa biển Gò Công xin ở đậu vài ngày. Hằng ngày, thấy người anh đi biển thả lưới, giăng câu, Tư Mù ham lắm nhưng ngặt mắt bị mù, đường sá không quen; mà cứ ở nhà hoài thì vợ, con chỉ có đường chết đói nên ông Tư Mù kêu vợ dẫn cho ông đi bộ ra ngoài cửa biển. Đi được vài lần, ông Tư Mù cùng vợ tập tành kiếm sống trên biển và nghề này gắn với vợ chồng ông nhiều năm qua.

Do đánh bắt gần bờ, lượng hải sản vợ chồng ông Tư Mù kiếm được ít dần, không đủ tiền trang trải cuộc sống cho gia đình. Gần đây, vợ ông Tư Mù chuyển nghề bán bánh lá dừa, bánh ú cho bà con trong xã. Còn ông Tư Mù vẫn quyết tâm bám theo nghề. Ông Tư Mù nói: “Đi biển lâu năm quen rồi, giờ đột nhiên nghỉ thì buồn lắm”.

Ông Tư Mù chỉ nghỉ ngơi khi đi ngủ. Còn mỗi ngày, nếu biển động, thủy triều lên cao không ra biển được thì ông chuyển sang nghề sửa ghe, xuồng, vót đũa kiếm tiền. Nói về tài sửa ghe của ông Tư Mù, ông Nguyễn Văn Tết, một thợ đóng xuồng, sửa ghe có tiếng ở ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, thán phục: “Thấy tôi sửa ghe cho khách hàng, ông Tư Mù xin cho sờ thử mấy lần, rồi sau đó xin vào làm thí công cho trại mộc của tôi. Ban đầu, tôi nghĩ nhận ông Tư Mù vào làm chỉ để cho ông ấy vui, chứ mù như ổng thì làm sao học được cái nghề đòi hỏi phải tỉ mỉ, chuẩn xác này. Vậy mà, qua vài tuần, ông ấy thuộc làu và làm ngon lành như người sáng mắt”.

* Nghèo nhưng sống nghĩa tình

Hết đi biển thì làm thuê, làm mướn để kiếm tiền đong gạo lo bữa ăn cho gia đình, cuộc sống cực khổ là thế nhưng bù lại gia đình ông Tư Mù rất đầm ấm, hạnh phúc. Chuyện tình cảm của vợ chồng ông Tư Mù cũng lãng mạn như tiểu thuyết. Lên 4 tuổi, ông đã bị mù cả 2 mắt. Nhà nghèo, lớn lên, ông cùng anh em trong nhà đi mò tôm càng, thục lịch ở các con sông gần nhà, kiếm tiền phụ giúp gia đình. So với trai tráng trong xóm, ông Tư Mù bị xếp hạng bét. Trong khi đó, vợ Tư Mù là bà Nguyễn Thị Nhạn thời con gái có tiếng là đẹp người, đẹp nết, được nhiều thanh niên trộm nhớ thầm thương. So sánh giữa Tư Mù với vợ quả thật một trời một vực. Mọi người cứ tưởng đời của Tư Mù phải chịu cảnh đơn côi, thân mù lòa, nhà nghèo như vậy, có người con gái nào dám thương. Vậy mà đùng một cái, Tư Mù làm đám cưới với bà Nguyễn Thị Nhạn, người nhỏ hơn ông đến 8 tuổi lại xinh đẹp giỏi giang. Nghe tin Tư Mù lấy vợ không ít người lời ra tiếng vào. Có người xem thường ông nói: “Thằng Bỉ mù mà bày đặt đèo bòng cưới vợ đẹp”. Cũng có người thông cảm cho hoàn cảnh của ông, nói: “Thằng Bỉ bị tật nguyền nhưng siêng năng, hiền từ, con Nhạn ưng nó không lầm đâu”. Bà Nhạn nhớ lại: “Lúc đó, thân tộc nội, ngoại của tôi phản đối kịch liệt nhưng tôi vẫn quyết định lấy ổng. Sự lựa chọn của tôi quả không sai chút nào”. Đến nay, vợ chồng Tư Mù đã có với nhau 3 mặt con. Con gái lớn của ông Tư Mù năm nay ngoài 20 tuổi, con gái út đã học lớp 2. Nhà nghèo nhưng vợ chồng thuận thảo, con cái ngoan hiền cũng an ủi phần nào cho cuộc sống khó nhọc của vợ chồng ông.

Ở ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, gia đình ông Tư Mù thuộc diện nghèo nhất, nhì trong ấp. Vậy mà hễ nghe ai bệnh nặng, tang ma là ông có mặt. Câu chuyện ông Tư Mù đi từng nhà quyên góp tiền cho ông Tám Đông đi chữa bệnh cho vợ ở Bệnh viện Đa khoa Cà Mau làm nhiều người xúc động. Vợ ông Tám Đông bị bệnh tai biến nặng nhưng nhà quá nghèo không đủ tiền đưa lên tỉnh điều trị. Hôm ấy, đi biển về, biết chuyện, ông Tư Mù giục vợ đi bán cá, tôm gấp để lấy tiền cho ông Tám Đông. Số tiền chưa được 50.000 đồng nhưng đầy ý nghĩa. Chưa kịp thay bộ đồ ướt mem, ông Tư Mù lại đến từng nhà trong xóm vận động bà con ủng hộ tiền cho ông Tám Đông được gần 400.000 đồng. Không những thế, ông Tư Mù còn vận động một chủ đò nhận chở vợ ông Tám Đông lên tỉnh không lấy tiền công. Từ đó về sau, trong xóm có ai gặp hoạn nạn, tang ma, bà con đều đề cử ông Tư Mù đứng quyên góp, vì ông được bà con kính trọng. Một chị bán hàng tạp hóa ở chợ Nguyễn Việt Khái nói: “Ai quyên góp tôi còn chần chừ, chớ ông Tư Mù là tôi ủng hộ liền”.

Còn ông Tám Đông thì xúc động nói: “Ông Tư tuy tật nguyền nhưng sống có tình, có nghĩa lắm. Trong xóm ấp, ai gặp khó khăn, có tiền ổng ủng hộ tiền, có gạo ủng hộ gạo, mà gia đình ổng có dư dả gì đâu”.

Thấy nhà ông Tư Mù nghèo, có đứa con gái lớn diện mạo cũng khá, có người kêu ông Tư Mù gả con gái cho người Hàn Quốc, hay Đoài Loan để được đổi đời. Nghe qua, ông Tư Mù giận run người, nói: “Tôi nghèo thà cạp đất để ăn chứ nhất quyết không gả con Nhanh (Hồ Thị Nhanh-PV) cho ai khác ngoài thằng Nam (Lê Quốc Nam-PV). Tôi quyết không vì đồng tiền mà cắt đứt tình duyên của 2 đứa nó”.

Hôm chúng tôi từ giã ông Tư Mù ra về, cũng cùng lúc có người hàng xóm đi ngang qua nhà ông, nói đùa: “Ông Tư Mù hay cứu giúp người khác, bà con mong ông đi biển mò trúng hũ vàng để hết cảnh nghèo khó”. Hũ vàng mà bà con trong xóm nói chắc chắn ông Tư Mù không bao giờ mò gặp ngoài biển, nhưng tôi biết ông Tư Mù có được thứ quý như vàng mà không phải ai cũng có được: Đó là ý chí vượt lên, nỗ lực lao động, không cam chịu tật nguyền, nghèo đói và không vì tiền bạc mà quên đi nghĩa tình.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết