08/07/2014 - 08:22

LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM ĐBSCL VÀ BẠC LIÊU

Chuyển biến nhưng chưa như mong đợi

Sau 5 năm triển khai, chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau) và Bạc Liêu có chuyển biến tích cực, nổi bật là thống nhất xây dựng sản phẩm du lịch "Một điểm đến bốn địa phương +" cho toàn vùng. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong muốn.

Chuyển biến bước đầu

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16-4-2009, về Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL lập tức chủ động kết nối 4 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau cùng với Bạc Liêu ký kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2010 – 2015 và hướng đến năm 2020. Sau 5 năm thực hiện, chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và Bạc Liêu có thay đổi tích cực. Hầu hết các tỉnh, thành liên kết đều lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong xây dựng quy hoạch, các tỉnh, thành đều bám sát đề án "Phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" và có tham khảo quy hoạch của các tỉnh, thành bạn để tránh trùng lắp và tạo sự khác biệt, hấp dẫn của mỗi địa phương, thu hút khách du lịch. Riêng Kiên Giang đã xây dựng được đề án "Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến 2030". Theo đó, Kiên Giang xác định rõ 4 vùng du lịch trọng điểm gồm: Phú Quốc, Hà Tiên- Kiên Lương và phụ cận, Rạch Giá- Kiên Hải và phụ cận, U Minh Thượng và phụ cận. Trong đó, Phú Quốc trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tầm quốc tế, Hà Tiên trở thành du lịch đô thị ven biển. Hiện Kiên Giang là tỉnh duy nhất trong vùng hình thành rõ nét sản phẩm du lịch đặc trưng: biển đảo, nghỉ dưỡng.

Thiền viện Trúc lâm Phương Nam (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đang là điểm đến mới thu hút du khách.

Nổi bật nhất là các tỉnh, thành liên kết chủ động xây dựng thêm nhiều tuyến, điểm mới góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của vùng. Cần Thơ giới thiệu 5 tour du lịch mới như: tour Chợ nổi Cái Răng- Hủ tiếu Sáu Hoài- Thiền viện Trúc lâm Phương Nam- Làng du lịch Mỹ Khánh; tour Chợ nổi Phong Điền- mộ Phan Văn Trị- Vườn du lịch Giáo Dương- vựa trái cây; tour mộ Thủ Khoa Nghĩa- bánh tét lá cẩm- Nhà cổ Bình Thủy- vườn trái cây Ba Cống- thưởng thức bánh xèo; tour chợ nổi Cái Răng- điểm dừng chân- Di tích Giàn Gừa- bánh hỏi Út ZDách- chùa Munir Ansay- chùa Ông- Khám lớn Cần Thơ- Bến Ninh Kiều; tour Nhà nghỉ Huỳnh Thơm- chợ nổi Phong Điền- Thiền viện Trúc lâm Phương Nam- vườn trái cây Vàm Xáng- Bến Ninh Kiều- chợ cổ Cần Thơ. Mỗi tour kéo dài từ 1 buổi đến 2 ngày, phương tiện tham quan chủ yếu là tàu, ô tô và xe gắn máy. An Giang khai thác tour mùa nước nổi Vàm Nao- huyện Phú Tân, thành lập tổ hợp làng Chăm Châu Phong. Bạc Liêu có thêm Khu du lịch Nhà Mát, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam (giai đoạn II), mở rộng khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, sưu tầm và trưng bày hiện vật tại Khu nhà Công tử Bạc Liêu… Đặc biệt, sản phẩm du lịch "Một điểm đến bốn địa phương +" được xem là điểm nhấn của ngành du lịch ĐBSCL. Tour du lịch đặc trưng này được kéo dài khoảng 6 ngày 5 đêm với giá trọn gói 5,5 triệu đồng/khách. Theo đó, khách du lịch sẽ được tham quan một số điểm du lịch đặc trưng của các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.

Các địa phương còn đưa văn hóa phi vật thể làm dịch vụ bổ trợ tạo sức hút với du khách. Cần Thơ có chương trình văn nghệ truyền thống tại Bến Ninh Kiều, phục vụ miễn phí vào thứ bảy hàng tuần; An Giang hình thành 3 Câu lạc bộ (CLB) biểu diễn nghệ thuật: Chăm, Khmer, ĐCTT; Bạc Liêu có CLB biểu diễn nghệ thuật Khmer chùa Xiêm Cán, CLB biểu diễn nghệ thuật dân tộc Hoa…

Chưa hiệu quả như mong đợi

Trước hết, công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở các địa phương vẫn còn chậm. Trong chiến lược phát triển du lịch của mỗi tỉnh, thành, chưa chú ý đến sự phát triển chung của vùng, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng đột phá. Mặc dù sản phẩm "Một điểm đến bốn địa phương +" được hình thành gần 2 năm, trải qua nhiều lần điều chỉnh nhưng đến nay vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Một trong những lý do là thời gian tour khá dài trong khi du khách hiện chỉ có nhu cầu tham quan ngắn ngày đối với các tỉnh, thành ĐBSCL. Ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Chi nhánh Cần Thơ, cho biết: "Trong bộ tour du lịch ĐBSCL, Vietravel cũng có lịch trình dài nhất là 5 ngày, nhưng đầu ra rất ít, bởi thực tế du khách ít có nhu cầu lưu lại dài ngày ở ĐBSCL".

Mỗi địa phương cần xác định rõ thế mạnh, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và không trùng lắp cũng là vấn đề cần được quan tâm, đầu tư tương xứng. Theo ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) tỉnh An Giang, trên cơ sở liên kết, các tỉnh, thành cần bám sát vào kế hoạch của mình, tạo được sản phẩm mang bản sắc riêng và phải phát triển bền vững. Như vậy, mới góp phần tạo được lực hút cho sản phẩm chung. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL tỉnh Kiên Giang, đề xuất: "Cần tăng cường vai trò của các doanh nghiệp, công ty lữ hành trong sự liên kết này, bởi đây là đầu mối hiểu rõ thị hiếu của du khách. Như vậy việc khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới đạt hiệu quả". Trên thực tế, du lịch vùng ĐBSCL nói chung đang thiếu "nhạc trưởng" nên việc liên kết trong thời gian qua chưa phát huy được hiệu quả.

Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết: "Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục tham mưu cùng lãnh đạo các Sở VH, TT & DL ở các địa phương, thúc đẩy mối liên kết tạo điều kiện phát triển du lịch, tập trung xây dựng cho được sản phẩm du lịch đặc thù của vùng. Đồng thời, đề xuất với Bộ VH, TT & DL, Tổng cục Du lịch sớm thành lập Ban điều phối du lịch ĐBSCL để hoạt động du lịch của vùng đạt hiệu quả và chất lượng". Hy vọng với sự đồng thuận và những định hướng cụ thể, du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và Bạc Liêu sẽ dần khắc phục khó khăn, tạo được bản sắc riêng, để ghi dấu trên bản đồ du lịch Việt.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết