20/05/2014 - 22:32

Chương trình nâng cao năng lực xuất khẩu cho các DNNVV thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương sắp bước vào giai đoạn chính

(CT)- Ngày 20-5, tại TP Cần Thơ, Ban quản lý Chương trình Nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương (gọi tắt là Chương trình) đã tổ chức họp Ban tư vấn Chương trình lần 3 trong giai đoạn khởi động của Chương trình nhằm thông báo tiến độ hoạt động, thống nhất và chốt các hoạt động dự kiến đưa vào thực hiện tại ĐBSCL trong giai đoạn chính của Chương trình sẽ được thực hiện từ cuối năm 2014 đến năm 2017.

Chương trình "Nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương" do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, cơ quan quản lý Chương trình là Bộ Công thương, Cục Xúc tiến Thương mại là đơn vị chủ trì thực hiện theo phương thức quốc gia điều hành (NEX) trong thời gian từ 2013-2017. Chương trình này được triển khai trên phạm vi cả nước ở 3 khu vực Bắc-Trung-Nam và Trung tâm xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch TP Cần Thơ được chọn là đơn vị đầu mối của vùng ĐBSCL. Mục tiêu của Chương trình là nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DNNVV Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu và phát triển các ngành hàng xuất khẩu chính của nước ta thông qua hệ thống xúc tiến thương mại trên phạm vi toàn quốc. Theo cam kết với nhà tài trợ, Chính phủ Việt Nam thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia sẽ thúc đẩy các hoạt động xúc tiến xuất khẩu (thông qua các hội chợ triển lãm, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu, tiềm hiểu thị trường…) với sự tham gia của các đối tác Chương trình là trung tâm, đơn vị xúc tiến, hỗ trợ thương mại và các doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, Ban quản lý Chương trình đã nghe Ban tư vấn và các nhóm công tác của Chương trình (gồm đại diện các sở, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ thương mại, hội ngành hàng, doanh nghiệp vùng ĐBSCL...) báo cáo kết quả hoạt động và đề xuất các khuyến nghị về Chương trình để giúp triển khai tốt các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, Ban quản lý cũng nghe các ý kiến thảo luận, đánh giá của các địa phương và thành viên Ban tư vấn Chương trình về kết quả khảo sát, đánh giá bước đầu về tiềm năng xuất khẩu của vùng ĐBSCL cũng như đưa ra khuyến nghị về các sản phẩm của vùng cần được Chương trình lựa chọn đưa vào kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới. Có nhiều sản phẩm, ngành hàng của vùng ĐBSCL được Ban tư vấn chương trình và các địa phương vùng ĐBSCL đề xuất lựa chọn như: sản phẩm mây tre lá; gốm sứ; gạo; rau quả; cá tra, tôm nước lợ; dịch vụ du lịch, hệ thống dịch vụ logistics cảng biển... Từ các ý kiến và khuyến nghị được đưa ra tại cuộc họp này, Ban Tư vấn Chương trình sẽ tổng hợp, đưa ra khuyến nghị sau cùng trong thời gian tới để quyết định lựa chọn sản phẩm của vùng sẽ được Chương trình tập trung hỗ trợ trong giai đoạn chính của Chương trình.

Tham dự và phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng, thời gian qua đóng góp của các DNNVV đối với tăng trưởng kinh tế của nước ta tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Song sự đóng góp của các doanh nghiệp này đối với kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn do còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Tới đây, cần phải có giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi giá trị, thay thế việc dựa vào lợi thế xuất khẩu với nguồn nhân lực giá rẻ bằng việc xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao. Chương trình "Nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương" là cơ hội tốt để các doanh nghiệp vùng ĐBSCL củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu những sản phẩm nông, thủy sản vốn là thế mạnh của vùng. Trong thời gian qua, Chương trình đã tập trung triển khai hiệu quả ba hoạt động chính là đánh giá tiềm năng xuất khẩu, xây dựng kế hoạch xuất khẩu vùng và đánh giá thể chế tổ chức. Thông qua hoạt động đánh giá tiềm năng xuất khẩu, các ngành hàng và dịch vụ xuất khẩu của vùng ĐBSCL được xác định cụ thể, làm nền tảng để các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển xuất khẩu. Đồng thời, các hoạt động trên cũng giúp Chương trình cũng như các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trong vùng xác định điểm mạnh, điểm yếu và tiềm năng để từ đó thiết kế ra những hoạt động nâng cao năng lực trong thời gian tới…

Khánh Trung

Chia sẻ bài viết