25/07/2010 - 10:42

Chung tay xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt

Sau hơn 6 tháng triển khai, bước đầu chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín thương hiệu và hiệu quả sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa mà còn từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết để có thể hình thành được văn hóa tiêu dùng hàng Việt!

* Thay đổi từ nhận thức

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng Chương trình hành động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày 22-7 tại Hà Nội, hầu hết các đại biểu tham dự đều có chung nhận định: Chương trình hành động đã thu được kết quả bước đầu khả quan; trong đó, nổi bật nhất là cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đã có những chuyển biến lớn trong nhận thức về hàng Việt Nam.

Doanh nghiệp TP Cần Thơ đưa hàng Việt về nông thôn 
tiêu thụ. Ảnh: ANH KHOA. 

Ý thức Chương trình là “cơ hội vàng”, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất hàng hóa, cải tiến mẫu mã, chất lượng để bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước đã tìm được tiếng nói đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực thi cơ chế chính sách nhằm giúp hàng Việt “tìm chỗ đứng” trên thị trường nội địa. Đặc biệt, theo điều tra của Công ty TV Plus, 58% người tiêu dùng Việt Nam đã quan tâm đến hàng Việt sau hơn 1 năm Chương trình được phát động so với con số 23% nhỏ nhoi trước đây.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Trưởng Ban Chỉ đạo “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, việc triển khai Chương trình chưa đạt hiệu quả cao do thiếu sự gắn kết giữa các địa phương; giữa cơ quan quản lý, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu mà chưa thực sự quan tâm đến tiềm năng to lớn của thị trường nội địa, thị trường nông thôn để có các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng nội địa. Các hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn các tỉnh cũng chưa thu hút được doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia. Thậm chí, ở nhiều địa phương, nhất là ở các vùng nông thôn, một số doanh nghiệp còn lợi dụng khuyến mại để tiêu thụ hàng tồn, hàng kém chất lượng, gây tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng.

* Kết nối để mang lại hiệu quả

Mô hình một phiên chợ của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) là một mô hình được hầu hết các đại biểu đánh giá là khá hiệu quả trong việc đưa hàng Việt về nông thôn. Sở dĩ mô hình này thu được thành công lớn bởi bên cạnh việc nắm bắt đúng tâm lý tiêu dùng của người dân nông thôn, sự chuẩn bị tốt về mặt cơ sở hạ tầng và tuyên truyền, BSA đã “kết nối” thành công cơ quan quản lý, nhà sản xuất, nhà phân phối với người tiêu dùng.

Theo đại diện BSA Vũ Kim Hạnh, với việc đổi mới hình thức tuyên truyền, “lôi kéo” được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh cùng tham gia cũng như xây dựng được “đội ngũ đại sứ hàng Việt” là các nghệ sĩ tên tuổi được công chúng yêu thích, các phiên chợ bán hàng của BSA tổ chức tại các vùng nông thôn đã thu hút được đông đảo người tiêu dùng và mang lại hiệu quả thực sự trong thay đổi hành vi người tiêu dùng nông thôn đối với hàng Việt Nam.

Với cơ cấu hàng Trung Quốc chiếm tới 70% trong khi hàng Việt chỉ chiếm 30% tại thị trường nông thôn, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn thực chất không phải nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận tức thì mà đây chính là cơ hội nghiên cứu thị trường để từ đó có các giải pháp làm đòn bẩy hỗ trợ doanh nghiệp “ăn sâu bắt rễ” tại thị trường còn nhiều tiềm năng này. Chính vì vậy, một công ty đa quốc gia nổi tiếng tại Việt Nam đã khẳng định: Năm 2011, thị trường chính của các công ty nước ngoài không phải là 6 tỉnh có thị trường lớn nhất (Cần Thơ, Khánh Hòa, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng) mà chính là thị trường nông thôn.

Bà Hạnh cũng khẳng định: Để hàng Việt đến với người Việt, công việc cần làm lúc này chính là xây dựng bản đồ phân phối của toàn quốc gồm cả mạng lưới bán sỉ, bán lẻ. Tuy nhiên với kinh phí rất lớn, muốn thành công phải có sự chung tay hợp tác từ phía cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp.

Tán đồng với cách làm của BSA, Tiến sĩ Lê Sơn Hải, Phó Ban Thường trực Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho rằng: Mấu chốt nằm ở cơ chế chính sách; trong đó quan trọng nhất là các địa phương và Bộ Công Thương cần có các đề xuất cụ thể về phối hợp liên ngành để hàng Việt đến tay người Việt, nhất là tại các vùng nông thôn.

Ông Hải cũng “hiến kế”: Hiện Việt Nam có khoảng 4,5 triệu kiều bào nước ngoài “hướng về cội nguồn” hưởng ứng tiêu dùng hàng Việt. Vì vậy, nếu “kết nối” hiệu quả với 4,5 triệu kiều bào này hoàn toàn có thể trở thành các đại sứ thương mại, kênh phân phối hàng Việt hiệu quả, giúp hàng Việt vươn xa hơn nữa.

* Cần sự hợp lực từ các bộ ngành

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện lãi suất ngân hàng còn cao, tỷ giá hối đoái chưa phù hợp nên hàng Việt nhiều khi khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nhất là hàng Trung Quốc. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động cần điều phối các hoạt động của các bộ ngành liên quan nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa trên thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh về sản xuất hàng tiêu dùng, nhất là nhóm hàng thiết yếu để thuận lợi trong việc xây dựng kênh phân phối, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Về phía Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, có kế hoạch khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong cung cấp thông tin, khai thác thị trường, chống cạnh tranh không lành mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.

“Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chương trình dài hạn. Vì vậy, giải pháp quan trọng chính là kết nối các bên hiệu quả để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó hình thành nên văn hóa tiêu dùng hàng Việt của người Việt”. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã khẳng định như vậy.

KIM ANH-THÚY HIỀN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết