26/05/2009 - 07:42

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII:

Chưa thống nhất bỏ án tử hình với các tội danh hiếp dâm và tàng trữ, vận chuyển mà túy

* Góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 25-5, Quốc hội (QH) họp toàn thể tại hội trường, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS).

Đa số các vị đại biểu QH tán thành với phạm vi của dự án Luật là chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự liên quan đến những vấn đề bức xúc, đang gây trở ngại cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế, còn các vấn đề khác cần được nghiên cứu kỹ về mọi mặt để phục vụ cho việc sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến tán thành với chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh cụ thể như: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tham ô tài sản; nhận hối lộ; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Tuy nhiên, việc bỏ tử hình với các tội danh hiếp dâm; tàng trữ, vận chuyển ma túy vẫn còn nhiều tranh cãi.

Nhiều đại biểu QH cho rằng cần giữ lại hình phạt tử hình đối với tội danh này để trừng trị nghiêm khắc các hành vi phi nhân tính, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị cần xem xét thấu đáo việc bỏ án tử hình đối với tội hiếp dâm, bởi sự xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt đối với các em gái vị thành niên. Loại tội phạm này hiện đang gia tăng, nếu chỉ giữ mức hình phạt cao nhất là chung thân thì hoàn toàn chưa thỏa đáng, chưa đủ sức răn đe, trấn áp, ngăn ngừa phạm tội, pháp luật hình sự chưa đủ sức bảo vệ các nạn nhân.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến của các đại biểu Võ Minh Phương (Lâm Đồng), Dương Ngọc Ngưu (Thanh Hóa)... cho rằng xét về mức độ nguy hiểm của hành vi, thực tiễn xét xử trong thời gian qua, với chủ trương giảm bớt hình phạt tử hình trong BLHS thì không nhất thiết phải giữ lại hình phạt tử hình đối với tội danh này. Mặc dù đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng quy định hình phạt tù chung thân đối với tội này là đủ nghiêm khắc và vẫn bảo đảm để trừng trị, răn đe, phòng ngừa chung. Còn trường hợp người phạm tội hiếp dâm trẻ em, hoặc vừa hiếp dâm, vừa cố ý giết người hoặc cướp tài sản thì có thể bị áp dụng hình phạt tử hình về Tội hiếp dâm trẻ em (điều 112), Tội giết người (điều 93) hoặc Tội cướp tài sản (điều 133)... của BLHS.

Về việc tách điều 194 thành hai điều 194, 194a và bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định tại điều 194a của dự thảo Luật, nhiều ý kiến không tán thành với việc tách điều 194 và cho rằng vẫn cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình để nhằm răn đe và trừng trị tội phạm, nhất là những trường hợp vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy có số lượng đặc biệt lớn. Trên thực tế có những vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng đặc biệt lớn, tính chất và mức độ phạm tội đặc biệt nguy hiểm nên việc giữ hình phạt tử hình đối với tội danh này là cần thiết để nhằm răn đe, phòng ngừa chung và trừng trị nghiêm khắc người phạm tội.

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), tội phạm ma túy là loại tội phạm nghiêm trọng, hành vi tàng trữ, vận chuyển cũng nguy hiểm không kém hành vi mua bán. Trong thời điểm này và cả thời gian tới, không nên tách và bỏ án tử hình đối với loại tội phạm này. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cũng cho rằng việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán, ma túy có mối quan hệ chặt chẽ, theo một đường dây, không thể tách rời hai tội danh. Nếu bỏ án tử hình với hành vi này sẽ không đủ sức răn đe trong tình hình ma túy đang phức tạp hiện nay. Có thể giai đoạn khác, khi cuộc đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ma túy có hiệu quả cao hơn, hãy tính đến chuyện bỏ.

Không đồng tình với những ý kiến này, đại biểu Võ Minh Phương (Lâm Đồng), Hà Công Long (Gia Lai), Vi Trọng Lễ (Phú Thọ)... cho rằng cần tách điều 194 để bỏ mức hình phạt cao nhất là tử hình đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Thực tiễn cho thấy nhiều người vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy không nhằm mục đích mua bán mà chủ yếu tàng trữ, vận chuyển thuê, nếu áp dụng hình phạt tử hình thì quá nặng. Số người bị tuyên phạt tử hình do vận chuyển ma túy đa phần là con nghiện, người nghèo, thiếu hiểu biết về pháp luật. Đại biểu Trần Thị Hằng (Nam Định) cho rằng bản chất của hành vi mua bán và vận chuyển là hoàn toàn khác nhau. Việc tách điều 194 sẽ giúp cuộc đấu tranh chống ma túy đúng đối tượng, có hiệu quả hơn.

Cũng trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với việc quy định một tội danh chung về buôn bán người thay cho Tội mua bán phụ nữ và Tội mua bán trẻ em nhưng đề nghị quy định rõ hơn về hành vi phạm tội, thủ đoạn phạm tội, cụ thể hóa mục đích bóc lột và bổ sung mục đích vụ lợi để bao hàm được hết cả các trường hợp có hành vi mua bán người.

Dự thảo Luật cũng bổ sung một số tội danh mới trong lĩnh vực chứng khoán, sửa đổi, bổ sung Tội trốn thuế, gian lận thuế; sửa đổi, bổ sung các tội phạm về môi trường; sửa đổi, bổ sung Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... Riêng về tội khủng bố, nhiều đại biểu tán thành giữ điều 84 tại chương XI “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia’’ và sửa tên của Điều 84 thành Tội khủng bố nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân; đồng thời, bổ sung điều 230a Tội khủng bố để quy định hành vi khủng bố nhằm các mục đích khác như trong dự thảo Luật.

Một số ý kiến đề nghị giữ lại tội danh sử dụng trái phép chất ma túy trong BLHS, vì cho rằng hiện nay tình hình sử dụng trái phép chất ma túy vẫn đang gia tăng, gây tác hại xấu về nhiều mặt của đời sống xã hội và là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm khác như trộm cắp tài sản, cướp tài sản, giết người...; nếu bỏ tội danh này có thể dẫn tới việc sử dụng ma túy tràn lan và không bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy...

* Chiều 25-5, đại biểu QH làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, tập trung vào các nội dung thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; vai trò của cơ quan, tổ chức nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ; các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao...

Cho ý kiến vào thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh và quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng, đa số đại biểu tán thành phương án xác định thời hạn là 75 năm.

Dự kiến kéo dài thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cụ thể kéo dài thời hạn thẩm định từ 12 tháng lên 18 tháng đối với sáng chế; từ 6 tháng lên 9 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kể từ ngày công bố đơn đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội. Nhiều đại biểu cho rằng, trong khi Đảng, Nhà nước đang tập trung vào nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, thì các quy định này, nếu được thông qua sẽ đi ngược với quyền lợi của người dân. Đại biểu Ngô Văn Minh, Trần Bá Thiều đề nghị không tăng thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, giữ nguyên như Luật hiện hành. Các đại biểu cho rằng để xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đúng thời hạn, cơ quan đăng ký cần rà soát, cải cách thủ tục hành chính, quy định cụ thể, rõ ràng, công khai trình tự xử lý đơn. Yếu tố tổ chức, nhân sự cần được đặt lên hàng đầu cùng với đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các quy định về đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Việc không tăng thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sẽ làm cho các sáng chế, phát minh sớm được đưa vào áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, bảo hộ kịp thời quyền của chủ sở hữu và phù hợp với xu hướng cải cách hành chính cũng như thông lệ quốc tế.

THANH HÒA-BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết