11/03/2013 - 21:25

Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS

Chưa đạt hiệu quả mong muốn

Giờ học của cô trò Trường THCS thị trấn
Vĩnh Thạnh. Ảnh: THU HẰNG

Việc phân luồng học sinh sau THCS nhằm phát huy năng lực của người học tốt nhất, nâng cao hơn nữa hoạt động giáo dục đào tạo. Xác định vai trò quan trọng này, thời gian qua, ngành giáo dục nói chung, các trường THCS nói riêng nỗ lực thực hiện công tác phân luồng sau THCS. Tuy nhiên, việc phân luồng vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân do đâu?

“Luồng” phụ: chưa thu hút học sinh

Cô Lê Thị Xuân Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Phú 1, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Từ nhiều năm qua, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp để phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Trường phân công 2 cán bộ, giáo viên phụ trách môn hướng nghiệp cho học sinh; trong đó, có 1 giáo viên dạy kỹ thuật”. Theo cô Hiền, để tiết hướng nghiệp đạt hiệu quả, giáo viên đã sưu tầm tài liệu, sách báo, thông tin từ mạng internet, làm đồ dùng dạy học trực quan. Chẳng hạn như, để dạy nghề hớt tóc, may, nông nghiệp… giáo viên phải tìm một số hình ảnh trực quan sinh động, gần gũi với học sinh, giúp các em nhớ lâu, hiểu sâu. Ngoài ra, trường còn chịu khó tìm hiểu một số thông tin ở các cơ sở dạy nghề và nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực tại địa phương. Chỉ riêng năm 2009, trường đã giới thiệu 13 học sinh vào Trường Trung cấp Nghề Thới Lai. Năm học 2011-2012, Trường THCS Thạnh Phú 1; chưa đến 10 học sinh học nghề. Năm học 2012-2013, trường có 390 học sinh, trong đó có 66 học sinh lớp 9.

Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) cũng thực hiện khá hiệu quả công tác phân luồng. Trường có khoảng 200 học sinh khối lớp 9. Cô Trần Thị Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Nếu thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS, sẽ phát huy tốt nhất năng lực của các em, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục”. Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS được phân theo bốn luồng khác nhau, gồm: Giáo dục phổ thông (luồng chính); giáo dục thường xuyên; giáo dục nghề nghiệp và tham gia lao động sản xuất (các luồng phụ).

Mặc dù có nhiều cố gắng thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nhưng các trường cũng gặp không ít khó khăn. Theo cô Trần Thị Tuyết, phần lớn học sinh lớp 9 của trường là con em gia đình nông dân, có hoàn cảnh khó khăn. Thông thường những học sinh không đủ điều kiện vào THPT thì học bổ túc văn hóa tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện. Thế nhưng, việc học sinh học hệ bổ túc lại không hiệu quả, chỉ sau  thời gian ngắn, học sinh “rơi rụng” dần. Một phần do môi trường sư phạm của hệ giáo dục thường xuyên vốn dĩ đã trầm lắng, trong khi, học sinh độ  tuổi này khá hiếu động, thích vui đùa nên khó thu hút học sinh.

Một khía cạnh khác, nhiều phụ huynh còn tâm lý khoa bảng, học sinh vẫn “chuộng” học phổ thông, rồi vào đại học, ít chọn trường nghề. Trong khi đó, chương trình giáo dục hướng nghiệp chưa đủ hấp dẫn học sinh. Em Nguyễn Thị Ngân Hà, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, cho biết: “Em muốn được học tiếp lên cấp 3 rồi thi vào đại học. Còn học nghề thì việc làm thường không ổn định”. Chị Nguyễn Thị Thảo (huyện Cờ Đỏ) cho rằng: “Dù biết sức học con gái của tôi khó lòng vào phổ thông nhưng muốn học nghề tốt thì phải đi xa, trong khi gia đình chỉ muốn cháu học gần nhà để dễ quản lý”.

Còn theo cô Lê Thị Xuân Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Phú 1, thực tế chương trình giáo dục hướng nghiệp chưa phù hợp, còn nặng lý thuyết và thiếu thực tế. Giờ dạy hướng nghiệp phân bổ ít, khiến giáo viên không thể chuyển tải hết kiến thức cho học sinh. Cô Hiền nói: “Trước đây, chương trình  hướng nghiệp là 3 tiết/chủ đề/tháng, nay còn 1 tiết/chủ đề/ tháng. Trong khi đó, chương trình đòi hỏi học sinh phải thực hành, tìm hiểu chủ đề nên dù giáo viên cố gắng giảng dạy thì chỉ “cưỡi ngựa, xem hoa” mà thôi!”.

Để phân “luồng” hiệu quả hơn

Cô Trần Thị Tuyết cho rằng, sau khi tốt nghiệp THCS, nếu học sinh theo học nghề cũng chưa đạt hiệu quả. Xu hướng hiện nay, đơn vị tuyển dụng cần người lao động có trình độ và tay nghề kỹ thuật cao. Nên chăng việc dạy nghề chỉ thực hiện sau khi học sinh kết thúc chương trình phổ thông. Mặt khác, ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này, giáo viên khó nắm bắt tâm lý nên khó  phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh. Thậm chí, có trường hợp gia đình cho học nghề, nhưng không lo học mà tụ tập, lêu lổng chơi bời,  thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cô Tuyết đề xuất: “Nên chăng, ngoài sự chăm lo của nhà trường rất cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần định hướng con em mình theo học những nghề đúng năng lực, sở thích của mình”.

Còn theo các nhà quản lý giáo dục, đi đôi với việc cộng đồng trách nhiệm từ cơ quan đoàn thể chính trị, xã hội và gia đình, chương trình giáo dục hướng nghiệp cũng nên điều chỉnh phù hợp hơn. Cô Lê Thị Xuân Hiền nói: “Nên tăng thời lượng thực hành từ 1 tiết lên 5 tiết/ tháng, giảm tải nội dung lý thuyết để tiết học đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, tăng nguồn kinh phí cho hoạt động hướng nghiệp để giáo viên có điều kiện đưa học sinh tham quan các làng nghề, hoạt động của doanh nghiệp… nhằm giúp các em biết sở thích bản thân và định hướng chọn nghề nghiệp tương lai”.

Theo quy định, khoảng 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, số học sinh còn lại vào các luồng phụ. Qua thống kê của ngành giáo dục thành phố, năm học 2011-2012, toàn thành phố có gần 54.000 học sinh THCS. Chỉ có 1% học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề; trên 79% vào THPT. 54,54% đối tượng từ 18 tuổi đến 21 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Trong đợt tổng kết, đánh giá của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố tại các cơ sở giáo dục 3 quận, huyện vừa qua, theo  ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, việc tổ chức tuyển sinh ở các trường phổ thông thời gian qua nhằm phân luồng học sinh và đa dạng hóa các loại hình học tập. Từ đó, thành phố đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục bậc trung học. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng để nâng cao trình độ dân trí của thành phố. Tuy nhiên, các luồng phụ vẫn chưa thu hút nhiều học sinh. Chính vì vậy, thời gian tới, ngành giáo dục và các đoàn thể chính trị, xã hội cần có những giải pháp cụ thể hơn nữa, để phân luồng học sinh hiệu quả.

NGỌC - HẰNG

Chia sẻ bài viết