22/06/2008 - 08:03

Tiến sĩ Đỗ Văn Xê- Phó Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ:

Chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi

 

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2008. Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi tại cụm Cần Thơ tăng vọt khiến dư luận lo lắng về công tác tổ chức thi, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ cho kỳ thi. Làm thế nào để đảm bảo kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng qui chế và đặc biệt là tạo điều kiện để thí sinh thi tốt? Phóng viên Báo Cần Thơ trao đổi với tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh năm 2008 tại cụm thi Cần Thơ.

* Số lượng thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) tăng mạnh, Trường ĐHCT đã từng tính đến các phương án mở rộng điểm thi để giảm áp lực cho khu vực trung tâm TP Cần Thơ. Vậy, đến nay, việc bố trí các điểm thi được tiến hành ra sao, thưa ông?

- Khi quyết định tổ chức hội đồng thi ở đâu, Trường ĐHCT cũng đều cân nhắc đến việc đảm bảo thuận lợi cho thí sinh dự thi. Phần lớn thí sinh dự thi đại học tại cụm Cần Thơ đến từ các địa phương khác. Do đó, khi bố trí các điểm thi, phải tính đến điều kiện ăn, ở, đi lại cho thí sinh. Điểm thi không quá xa nơi ở trọ để thí sinh không phải thức khuya dậy sớm đi thi. Tương ứng với các điểm thi cũng phải có hỗ trợ về y tế để sẵn sàng giải quyết kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Trường ĐHCT đã tính đến các phương án tổ chức thêm điểm thi tại quận Ô Môn, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) hoặc thị xã Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long)... Trường khảo sát một số điểm có cơ sở vật chất trường lớp rất tốt như ở Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, có thể bố trí từ 1.500 đến 2.000 thí sinh nhưng lại không có nơi cho thí sinh ở trọ, đường đi khó khăn... Nếu phớt lờ những điểm này, tổ chức thêm những điểm thi ngoài khu vực nội ô TP Cần Thơ, sẽ giảm được gánh nặng cho trường nhưng vất vả cho thí sinh.

Sau khi cân nhắc, Trường ĐHCT quyết định tổ chức các hội đồng thi “gói gọn” trong khu vực nội ô TP Cần Thơ, cụ thể là trên địa bàn 3 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng. Tổ chức thi trong khu vực nội ô, thí sinh có chỗ ở trọ và ở gần điểm thi, không mất thời gian nhiều cho việc đi lại, đường đi thuận lợi. Cũng như mọi năm, giới hạn đầu- cuối của các hội đồng thi là: Trường Tiểu học Trà Nóc 1, quận Bình Thủy và Trường Tiểu học Lê Bình 1, quận Cái Răng.

* Để “gói gọn” tổ chức thi trong khu vực nội ô TP Cần Thơ, liệu Trường ĐHCT có phải sử dụng nhà xe, hành lang để làm phòng thi như dư luận đã đề cập đến trong những năm trước không? Qua kiểm tra, ông đánh giá như thế nào về cơ sở vật chất phục vụ cho kỳ thi năm nay?

- Cần phải khẳng định rằng Trường ĐHCT chưa bao giờ sử dụng hành lang làm phòng thi cho thí sinh mà đó là sảnh đường thuộc khu hiệu bộ của trường. Tại sao Trường ĐHCT sử dụng nhà giữ xe, sảnh đường làm phòng thi? Câu trả lời là bởi vì những nơi này tốt hơn cho thí sinh so với những nơi khác. Vấn đề không phải là sử dụng địa điểm nào để tổ chức thi mà là điều kiện của nơi tổ chức thi như thế nào, đảm bảo cho thí sinh làm bài thi tốt. Khi sử dụng nhà xe, sảnh đường làm nơi thi cho thí sinh, Trường ĐHCT đều đảm bảo che chắn, bảo vệ tốt, không bị mưa dột, gió lùa. Những nơi này vẫn đảm bảo đúng qui chế phòng thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Qua kiểm tra, tôi nhận thấy cơ sở vật chất năm nay tương đối thuận lợi hơn so với những năm trước. Một số trường ở trung tâm TP đã được sửa chữa hoàn chỉnh, phòng ốc khang trang. Để có thể “gói gọn” tổ chức thi trong khu vực nội ô TP Cần Thơ, Trường ĐHCT tận dụng tất cả những cơ sở, những nơi có thể tổ chức thi được phạm vi của trường mà chủ yếu là khu 2. Trường đã sửa sang một số phòng để làm phòng thi, đóng thêm bàn ghế... Năm nay, trong khu vực của Trường ĐHCT có 16 hội đồng thi. Trường cũng bố trí số lượng thí sinh ở mỗi phòng thi tăng hơn một chút. Để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, đúng qui chế, Trường ĐHCT tăng cường cán bộ coi thi tương ứng với từng phòng.

* Thưa ông, việc sao in đề thi được thực hiện như thế nào để đảm bảo an toàn và bí mật theo đúng qui chế?

- Trường ĐHCT vốn có nhiều năm kinh nghiệm trong việc sao in đề thi. Trường đã bố trí khu vực sao in đề thi có đầy đủ trang thiết bị, với khoảng 30 cán bộ đảm trách sao in đề thi, đóng gói đề.... Các cán bộ làm đề thi được cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Cơ sở sao in đề thi được che chắn rất kỹ lưỡng theo nguyên tắc 3 vòng độc lập: sao in đề thi là vòng 1; vòng 2 gồm công an và thanh tra Bộ; vòng 3 là lực lượng bảo vệ bên ngoài. Cả 3 vòng không tiếp xúc với nhau.

Trường ĐHCT không chỉ sao in đề thi cho thí sinh của trường mà còn sao in đề thi cho thí sinh của các trường khác dự thi tại cụm Cần Thơ, Trường ĐH Trà Vinh, các trường cao đẳng tổ chức thi đợt 3.

* Công tác coi thi, thanh tra, kiểm tra, chấm thi đã được Trường ĐHCT chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Khoảng 1.800 cán bộ của Trường ĐHCT sẽ làm công tác coi thi. Ngoài ra, trường cũng huy động thêm một số sinh viên làm giám thị bên ngoài. Trong tập huấn cho cán bộ, sinh viên làm công tác coi thi, trường rất chú trọng tập huấn về việc tổ chức thi trắc nghiệm. Trong qui trình tổ chức thi trắc nghiệm, đòi hỏi cách phát đề, hướng dẫn thí sinh tô vào phiếu trả lời phải chính xác. Trường đã tập huấn rất kỹ những khâu này. Ngoài ra, trường còn tổ chức tập huấn cho chủ tịch, thư ký hội đồng thi, cán bộ thanh tra... Trường ĐHCT không bố trí coi thi đối với những cá nhân chưa qua tập huấn.

Về chấm thi trắc nghiệm, Trường ĐHCT đã trang bị máy chấm. Về chấm thi tự luận, ngoài lực lượng cán bộ giáo viên của Trường ĐHCT, trường còn mời giáo viên THPT của 13 tỉnh, thành ĐBSCL tham gia chấm thi.

Trường ĐHCT lưu ý cán bộ làm công tác thi phải tuân thủ đúng qui định. Bên cạnh lực lượng coi thi còn có tổ thanh tra. Tổ thanh tra có nhiệm vụ giám sát cán bộ coi thi có thực hiện đúng qui chế hay không. Những trường hợp thực hiện không đúng qui chế, thanh tra có quyền đề xuất với chủ tịch hội đồng thi lập biên bản cán bộ coi thi. Ngay cả trường hợp thí sinh quay cóp trong phòng thi mà cán bộ coi thi không bắt, không lập biên bản, thanh tra cũng sẽ đề nghị Chủ tịch Hội đồng thi lập biên bản cán bộ coi thi.

* Có thể năm nay là kỳ thi tuyển sinh đại học cuối cùng. Theo ông, có nên sử dụng kết quả của 1 kỳ thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh đại học?

- Về phương án đổi mới tuyển sinh, đến bây giờ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo ý kiến cá nhân tôi, phương án sử dụng kết quả 1 kỳ thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh đại học thuận lợi hơn rất nhiều so với cách làm hiện nay, đặc biệt là thuận lợi cho thí sinh. Qua 2 năm tham gia đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra các điểm thi tốt nghiệp THPT tại Vĩnh Long và An Giang, tôi thấy điều kiện tổ chức thi cử ở các địa phương thuận lợi và tốt hơn khi dồn về tổ chức ở Cần Thơ. Phòng thi, địa điểm thi rộng rãi. Số lượng thí sinh ở từng điểm thi không nhiều, mỗi huyện sử dụng trường THPT có cơ sở vật chất tốt để làm điểm thi. Mỗi phòng chỉ có 24 thí sinh. Trong khi đó, tổ chức thi tuyển sinh đại học theo cụm, tại Cần Thơ, trung bình mỗi phòng là 40 thí sinh. Học sinh không phải đi xa, sức khỏe đảm bảo, tâm lý ổn định, thí sinh tự tin hơn. Trong khi đó, nếu tập trung về Cần Thơ, những thí sinh ở xa phải lo lắng rất nhiều.

Thật ra, mục đích của kỳ thi là đánh giá trình độ, kiến thức của học sinh. Do đó, phải làm sao cho kết quả thi thể hiện đúng năng lực của học sinh và khi đó có thể sử dụng kết quả vào bất cứ việc gì.

* Tuy nhiên, dư luận cũng lo lắng phương án này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của các trường đại học, cao đẳng.

- Có nhiều ý kiến lo lắng rằng các địa phương tổ chức thi không nghiêm túc hoặc chạy theo thành tích. Tuy nhiên, qua thanh tra thi, tôi thấy, với cách tổ chức thi chặt chẽ như hiện nay cộng với sự tham gia giám sát kỳ thi của các trường đại học, cao đẳng, thì sẽ không có vấn đề gì đáng lo. Đặc biệt, nếu không còn tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cán bộ giảng viên của các trường đại học sẽ đến các trường phổ thông tham gia làm cán bộ coi thi, việc giám sát càng chặt chẽ hơn.

Có người cho rằng tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đại trà; còn tuyển sinh đại học là mang tính chất thi tuyển tinh túy. Tuy nhiên, đó chỉ là về mặt lý thuyết. Điểm đầu vào chỉ là “cái chốt” bên ngoài. Còn để trở thành sinh viên giỏi, xuất sắc còn phụ thuộc vào quá trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng.

Một điều nữa cần lưu ý là hiện nay chúng ta chia các khối: A, B, C, D... và tương ứng mỗi khối là 3 môn thi. Tuy nhiên, chưa chắc ngành nghề của khối đó phù hợp với chỉ 3 môn tương ứng theo khối. Cùng là những ngành nghề thuộc khối B nhưng ở các ngành nông nghiệp, kiến thức sinh học quan trọng hơn; còn với các ngành môi trường, kiến thức hóa học lại quan trọng hơn... Việc phân khối: A, B, C, D... trở thành gượng ép. Còn khi sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT, với nhiều môn thi, thì tương ứng với 1 ngành nghề nào đó, trường đại học, cao đẳng có thể chọn lấy điểm của 3- 4 môn. Do đó, việc đo lường kiến thức sẽ chính xác hơn.

* Xin cảm ơn ông!

SỸ HUIÊN (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết