Quá trình thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ” năm 2019 (Đề án ĐTN), huyện Thới Lai đảm bảo tiến độ mở lớp, chất lượng đào tạo nghề. Đồng thời, phối hợp duy trì và xây dựng mới mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm…

Sản phẩm giỏ thời trang của học viên lớp nghề đan dây nhựa xã Tân Thạnh.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thới Lai phối hợp Trường Trung cấp Nghề Thới Lai và UBND xã Đông Thuận vừa tổ chức bế giảng lớp nghề may công nghiệp, trao Chứng chỉ sơ cấp cho 35 học viên. Chị Phạm Ngọc Nhu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, nói: “Qua các cuộc họp tổ, nhóm tại ấp, chị em đề nghị xã mở lớp nghề may công nghiệp cho con em hội viên theo học lúc nông nhàn, thuận lợi tìm việc làm”. Địa điểm học nghề thuận tiện đi lại; đơn vị đào tạo phối hợp quản lý tốt sĩ số, giờ giấc; giáo viên nhiệt tình; học viên chịu khó tiếp thu, trau dồi kỹ năng nghề. Sau khóa học, Hội LHPN xã liên hệ giới thiệu một số chị có nhu cầu làm việc công ty may tại huyện Thới Lai, tỉnh Hậu Giang; các chị khác do điều kiện gia đình, không thể đi xa nên nhận may hàng gia công tại nhà. Theo chị Ngọc Nhu, qua tuyên truyền, vận động, hầu hết phụ nữ mong muốn được học nghề, tạo việc làm. Nhiều chị đã đăng ký học nghề nấu ăn trong năm 2020.
Lớp nghề đan dây nhựa xã Tân Thạnh vừa bế giảng, có 35 học viên được công nhận qua đào tạo nghề. Chị Phan Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thạnh, cho biết: “Các chị liên hệ nhận nguyên liệu dây nhựa về nhà đan giỏ, được cơ sở sản xuất bao tiêu sản phẩm. Sắp tới, Hội LHPN xã thành lập tổ hợp tác để ổn định nguồn hàng, giá gia công sản phẩm, đảm bảo quyền lợi chị em”. Còn 35 học viên lớp nghề đan đát xã Trường Thắng nhận gia công sản phẩm cho Hợp tác xã Quốc Noãn. Theo ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc Hợp tác xã Quốc Noãn, hằng năm, Hợp tác xã phối hợp dạy nghề và thu nhận học viên gia công các sản phẩm cần xé, bội trồng hoa kiểng. Tùy tay nghề, thu nhập 60.000-90.000 đồng/ngày/người.
Quá trình triển khai Đề án ĐTN, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai phối hợp Sở Công thương TP Cần Thơ tổ chức khóa tập huấn ngắn hạn nâng cao tay nghề cho 70 học viên 2 lớp nghề đan đát (xã Trường Thắng) và đan dây nhựa (xã Tân Thạnh). Qua đó, giúp học viên có thể đan các loại sản phẩm bằng tre hay dây nhựa, phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng, nhất là du khách tham quan thành phố.
Đến nay, huyện Thới Lai cơ bản hoàn thành kế hoạch Đề án ĐTN năm 2019, với 20 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động các xã, thị trấn; phối hợp đơn vị đào tạo tổ chức bế giảng 8 lớp nghề, công nhận 280 học viên qua đào tạo nghề. Để đảm bảo đạt chỉ tiêu trên 80% lao động có việc làm sau học nghề, huyện tăng cường truyền thông về mục đích, ý nghĩa học nghề, tạo việc làm; chú trọng điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động cũng như nỗ lực duy trì và xây dựng mới các mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm như: đan dây nhựa, đan đát, may công nghiệp... Đồng thời, phối hợp đơn vị đào tạo liên kết doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho lao động sau học nghề.
Bài, ảnh: MAI THY