12/04/2015 - 08:58

Chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng cho trẻ

 

Mùa nắng nóng, trẻ em rất dễ nhiễm một số bệnh vì sức đề kháng còn yếu. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Đình Hưởng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết:

- Từ đầu năm 2015 đến nay, khoa tiếp nhận khám, điều trị ngoại trú cho nhiều trẻ, trong đó phần lớn trẻ bị bệnh viêm hô hấp, rối loạn tiêu hóa - tiêu chảy và thủy đậu. Tháng 3, khoa tiếp nhận 7.577 trẻ bị viêm hô hấp, 1.447 trẻ bị rối loạn tiêu hóa và 116 trẻ thủy đậu; trong đó bệnh thủy đậu đang có xu hướng tăng (tháng 1, khoa tiếp nhận 61 trẻ và tháng 2 là 79 trẻ bị thủy đậu).

 Nhiều phụ huynh có thói quen khi trẻ bệnh không đi khám mà tự mua thuốc tây cho trẻ uống, việc này nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ ?

- Đây là một trong những sai lầm trong sử dụng thuốc cho trẻ. Trẻ còn nhỏ, sức đề kháng kém, cơ thể rất nhạy cảm và chưa hoàn chỉnh nên phải thận trọng khi sử dụng thuốc điều trị kể cả tây y lẫn đông y... Việc sử dụng thuốc không đúng bệnh, đúng liều, đúng cách, có thể gây bệnh kéo dài, kháng thuốc hay dị ứng thuốc, thậm chí ngộ độc thuốc rất nguy hiểm, nhất là khi trẻ đang bệnh. Vì vậy, phụ huynh không nên tùy tiện mua và sử dụng thuốc cho trẻ khi chưa được thầy thuốc khám bệnh, kê đơn, tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc rõ ràng, cụ thể để bảo đảm an toàn cho trẻ.

 Xin bác sĩ cho biết, bệnh viêm hô hấp, rối loạn tiêu hóa và thủy đậu có những biểu hiện như thế nào?

- Bệnh viêm hô hấp có các dấu hiệu triệu chứng rất đa dạng như: sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, ho, khò khè, thở nhanh, bất thường.... Nếu trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên do nhiễm siêu vi (đa số là nhẹ) thì không cần dùng kháng sinh, chỉ cần nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, hút mũi, dùng thuốc hạ sốt thông thường, dinh dưỡng tốt và theo dõi bệnh là đủ. Tuy nhiên, trẻ bị viêm hô hấp vẫn cần đi bác sĩ khám để xác định trẻ bị viêm hô hấp do nhiễm siêu vi hay do vi trùng, viêm hô hấp trên hay hô hấp dưới. Một phần trẻ bị viêm hô hấp do vi trùng có thể diễn tiến nặng. Nếu trẻ bị viêm hô hấp nặng có thể dẫn đến viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong do đó phụ huynh không nên chủ quan. Khi trẻ có những biểu hiện như sốt cao khó hạ, khò khè, thở nhanh, thở bất thường, bú kém hoặc ăn kém…, cha mẹ cần đưa đến bệnh viện ngay.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đang khám bệnh cho trẻ. Ảnh: H.Hoa 

Bệnh rối loạn tiêu hóa có các biểu hiện như: sốt hoặc không sốt, nôn, ọc sữa, đầy bụng, đau bụng, rối loạn đi tiêu, phân sống, tiêu lỏng đôi khi táo bón… Với trẻ bị bệnh này, không phải trường hợp nào cũng nhập viện. Nếu trẻ có biểu hiện nhẹ, không có dấu hiệu mất nước, ăn uống tốt thì không nhất thiết phải nhập viện. Bác sĩ kê toa cho trẻ điều trị tại nhà. Nếu trẻ sốt cao, bú kém, bỏ ăn, môi khô, thóp trũng, nôn ói nhiều hoặc tiêu lỏng nhiều, tiêu phân có đàm máu…, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay, có thể đây là dấu hiệu trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Phần lớn trẻ bị bệnh thủy đậu lành tính, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể có những biến chứng rất quan trọng. Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiêm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này. Hiện nay, còn tình trạng các bà mẹ sử dụng các biện pháp dân gian như: tắm gốc rạ, kiêng gió, uống hoặc bôi thuốc tàu… để điều trị thủy đậu. Đây là các biện pháp chưa được khoa học kiểm chứng về hiệu quả điều trị nên phụ huynh không nên dùng điều trị cho trẻ để tránh hậu quả khó lường về sau. Khi trẻ có các dấu hiệu sốt cao, da sinh mủ, tri giác lơ mơ, vàng da, vàng mắt…, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Biện pháp chung là khi trẻ bệnh cần nâng cao thể trạng bằng cách để trẻ nghỉ ngơi nơi yên tĩnh, thoáng mát, sạch sẽ; mặc quần áo thoáng mát; ăn thức ăn đa dạng, lỏng, dễ tiêu, bù nước cho trẻ (rối loạn tiêu hóa). Phụ huynh không tùy tiện dùng kháng sinh, không hút thuốc lá trong phòng trẻ.

 Biện pháp hữu hiệu phòng bệnh cho trẻ mùa nắng nóng?

- Để phòng các bệnh mùa nắng nóng cho trẻ, cần chú trọng các việc sau: tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, cha mẹ không nên cho trẻ thường xuyên ra ngoài trời nắng, không tắm biển hoặc sông suối lúc nắng gắt. Khi phải ra ngoài trời nắng, cần cho trẻ đội mũ rộng vành, mang khẩu trang. Đối với trẻ nhỏ, cần tắm rửa hằng ngày và lưu ý lau khô các nếp, kẽ da để tránh ẩm ướt, dễ làm vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, phụ huynh cần nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt các loại nước trái cây; ăn thức ăn đa dạng, dễ tiêu cũng như chủ động dùng vắc-xin để phòng bệnh. Hiện nay, một số bệnh như: thủy đậu, tiêu chảy do Rota virus, viêm não Nhật bản, viêm màng não mủ, viêm phổi do phế cầu... có vắc-xin phòng bệnh.

 Xin cảm ơn bác sĩ!

H.Hoa (thực hiện)

Chia sẻ bài viết